Bài thuốc Đông y trị suy giãn tĩnh mạch chân

SKĐS - Bên cạnh các biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng công nghệ và kỹ thuật tây y thì Đông y cũng có những bài thuốc giúp chữa trị căn bệnh này một cách hiệu quả.

1. Huyết ứ, khí trệ gây suy giãn tĩnh mạch chân

Suy giãn tĩnh mạch chân còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới. Đây là hiện tượng suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch, nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại, gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.

Hiện nay, bệnh giãn tĩnh mạch chân ngày càng trẻ hóa và tỉ lệ người mắc bệnh mới tăng cao hàng năm. Bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ, những người thường xuyên phải làm việc 1 chỗ, đứng lâu hoặc ngồi nhiều...

Y học cổ truyền cho rằng, giãn tĩnh mạch chi dưới là do huyết ứ, khí trệ (máu không lưu thông từ ngoại vi trở về tim). Bởi vậy, để điều trị căn bệnh này phải dùng liệu pháp hoạt huyết, hành khí, tán ứ kết hợp với bảo vệ thành mạch.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp là cảm giác nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê chân, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của người mắc bệnh.

photo-1696570959332

Biểu hiện ngoài da của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.

2. Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng Đông y

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng phương pháp Đông y hiện nay rất phổ biến, với hai phương pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc.

- Đối với phương pháp không dùng thuốc: Thường áp dụng cho người mới phát hiện bệnh hoặc bị nhẹ với thay đổi thói quen sinh hoạt, không để tăng cân, thường xuyên tập luyện khí công, xoa bóp, bấm huyệt cho chân...

- Đối với biện pháp dùng thuốc: Để điều trị giãn tĩnh mạch chân, người bệnh sẽ được các thầy thuốc tư vấn, đưa ra những lời khuyên dựa trên triệu chứng, để có thể sử dụng những liều thuốc, bài thuốc phù hợp với từng người.

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng Đông y thường là các vị thuốc thảo dược có tác dụng bổ khí huyết (như huyền sâm, hoàng kỳ...); tiếp đến là các vị thuốc hoạt huyết (như hồng hoa phòng chống đông máu, đan sâm, đương quy...); nhóm vị thuốc hành khí, thông mạch (như xuyên khung, vẩy tê tê dùng cho bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch, ứ trệ mạch máu); nhóm vị thuốc cho bệnh nhân đã bắt đầu bị phù và củng cố thành mạch máu (như xích thược, hạ khô thảo, hoa hòe...).

Bên cạnh đó cũng có những loại thuốc đã được chế sẵn dựa trên biểu hiện và mức độ bệnh chung của nhiều bệnh nhân để người dùng có thể dễ dàng tìm hiểu và sử dụng.

photo-1696570959931

Hòe hoa giúp làm bền vững thành mạch.

3. Bài thuốc 'Đào hồng tứ vật thang' trị suy giãn tĩnh mạch chân

- Tác dụng: Ích khí, bổ huyết, dưỡng hoạt huyết, phá ứ, tán kết, tán thũng; chủ trị suy giãn tĩnh mạch chi, viêm tắc tĩnh mạch chi.

- Thành phần: Sinh địa 16g, thục địa 12g, đương quy 24g, xích thược 24g, xuyên khung 16g, đào nhân 16g, hồng hoa 16g, đan sâm 24g, hoàng kỳ 16g, hòe hoa 24g, hạt dẻ 32g, hạt mít 32g, rễ - quả nhàu 32g, hạ khô thảo (cải trời) 32g.

- Cách dùng: Cho 1,5 lít nước sạch vào thang thuốc. Đun đến sôi sau đó đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn trong 45-60 phút, còn khoảng 0,5 lít thuốc. Chia uống 3 lần trong ngày, sau khi ăn 30 phút.

Uống thuốc khi còn ấm. Nếu nguội hâm lại hoặc cho thêm chút nước sôi vào uống ấm và uống liên tục trong 30 ngày. Hoặc tán mịn, hoàn viên, uống liên tục trong 03 tháng.

Phương giải bài thuốc:

  • Sinh địa, thục địa: Thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng huyết, sinh tân.
  • Đương quy: Bổ huyết, điều huyết, thông kinh.
  • Xích thược, xuyên khung, đào nhân: Hoạt huyết, khứ ứ, thông kinh, lợi thấp, kháng viêm, chỉ thống.
  • Hồng hoa: Hành huyết, phá ứ, tan thũng.
  • Đan sâm: Bổ hoạt huyết, trục ứ, sinh huyết mới.
  • Hoàng kỳ: Hành khí, giúp lưu thông huyết, đẩy máu về tim.
  • Hòe hoa: Làm chắc bền, chống xơ vữa thành mạch và phòng xuất huyết do có hàm lượng rutin cao.
  • Hạt dẻ, hạt mít: Bổ thận khí, ích tràng vị, mạnh gân cốt, bổ trung, ích khí, mạnh sức, nhẹ người.
  • Nhàu (rễ, quả): Nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu phù.
  • Hạ khô thảo (cải trời): Thanh nhiệt, tán kết, tiêu huyết ứ.

Gia giảm:

+ Viêm tắc, sưng đau, tê bì, lở loét, gia: Xuyên sơn giáp 12g, bồ công anh 12g, kim ngân hoa12g, liên kiều 08g.

+ Phù chân nhiều, gia hạ khô thảo 32g, nhàu (rễ, quả) 32g.

Kiêng kỵ: Trong thời gian uống thuốc, không ăn đồ cay nóng, kích thích (ớt, hạt tiêu, hành tỏi sống, bia rượu, thuốc lá, chè đặc, cà phê).

photo-1696570960424

Vị thuốc sinh địa có tác dụng dưỡng huyết, sinh tân, trị bệnh giãn tĩnh mạch chân.

Mời bạn xem tiếp video:

Ai không nên ăn xôi buổi sáng- SKĐS


Lương Y Bùi Đắc Sáng
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội
Ý kiến của bạn