Bệnh nhiễm độc giáp có thể do một số nguyên nhân thường gặp sau đây
- Bệnh Basedow (bệnh bướu độc lan tỏa).
- Bướu đơn nhân hoặc đa nhân độc (bệnh Plumeer).
- Viêm tuyến giáp.
- Nhân nóng cường chức năng, nhân độc, tự trị.
- Thuốc (amiodarone, alemtuzumab, interferon-alfa…).
- Ăn quá nhiều iốt.
- Ung thư tuyến giáp di căn.
1. Triệu chứng và dấu hiệu nhiễm độc giáp
Nhiễm độc giáp có thể biểu hiện rầm rộ hoặc khó nhận biết, có thể có bướu cổ hoặc có nhân. Nhiều triệu chứng phổ biến của nhiễm độc giáp là do tăng cường độ nhạy cảm với hormone adrenergic, hầu hết đều giống nhau bất kể nguyên nhân, bao gồm:
- Hồi hộp, đánh trống ngực, tăng động, run tay biên độ nhỏ, tăng tiết mồ hôi, sợ nóng, mệt mỏi.
- Tăng cảm giác thèm ăn, sụt cân, mất ngủ, đi tiêu thường xuyên (thỉnh thoảng tiêu chảy).
- Thay đổi tính tình, dễ bị kích thích hay tức giận, lo lắng, có thể có rối loạn tâm thần.
- Nữ: Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, teo tử cung, buồng trứng hoặc tuyến sữa, có thể sảy thai hoặc vô sinh. Nam: giảm ham muốn tình dục, vú to...
- Yếu cơ, da ấm và ẩm...
Tuy nhiên, người cao tuổi, đặc biệt là những người có bướu cổ, có thể có biểu hiện nhiễm độc giáp không điển hình với các triệu chứng giống như trầm cảm hoặc chứng mất trí, hầu hết không có lồi mắt hoặc run, rung nhĩ, ngất, thay đổi cảm giác, suy tim. Các triệu chứng và dấu hiệu có thể chỉ liên quan đến một cơ quan.
Tăng cảm giác thèm ăn là một trong những biểu hiện nhiễm độc giáp.
Trong y học cổ truyền, nhiễm độc giáp được mô tả trong phạm vi các bệnh chứng
- Tiêu khát: Khát, thèm ăn nhiều
- Tâm quý: Hồi hộp, đánh trống ngực
- Thất miên: Mất ngủ
- Phát nhiệt: Người nóng
Nguyên nhân gây bệnh thường do tình chí thất điều, ăn uống không điều độ, lớn tuổi, thể chất yếu, bệnh lâu ngày dẫn đến rối loạn chức năng can, tâm, tỳ, vị, thận.
Một số hội chứng bệnh y học cổ truyền thường gặp của nhiễm độc giáp là khí trệ đàm ngưng, can hỏa thượng viêm, âm hư dương vượng và khí âm lưỡng hư.
Nhiễm độc giáp có thể gây mất ngủ.
2. Bài thuốc trị nhiễm độc giáp theo hội chứng
2.1 Khí trệ đàm ngưng do nhiễm độc giáp
- Biểu hiện: Bướu cổ mềm, không đau, có thể kèm mắt lồi, trầm cảm, dễ cáu gắt, ngực sườn đầy tức, hay thở dài. Lưỡi đỏ nhạt, rêu mỏng. Mạch huyền hoạt.
- Bài thuốc - 'Tiểu sài hồ thang hợp' kết hợp với 'Tiêu dao tán gia giảm': Hạ khô thảo 15g, mẫu lệ 12g, triết bối mẫu 12g, phục linh 12g, sài hồ 9g, đảng sâm 9g, bạch truật 9g, đương quy 9g, bạch thược 9g, côn bố 9g, bán hạ 9g, trần bì 6g, cam thảo chích 6g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát. Sắc uống.
- Châm cứu: Châm vào các huyệt thái xung, phong long, nhu hội, thiên song, thiên đỉnh, thiên dung, thiên đột.
Vị thuốc hạ khô thảo.
2.2 Can hỏa thượng viêm
- Biểu hiện: Trong hội chứng này, người bệnh nhiễm độc giáp có dấu hiệu bướu cổ mềm, không đau, có thể kèm mắt lồi, căng thẳng, dễ cáu gắt, mặt và mắt đỏ, đầu đau căng, chóng mặt, ù tai, lưỡi và tay run, đánh trống ngực, mất ngủ, sợ nóng, mồ hôi đầm đìa, ăn nhiều nhanh đói, uống nhiều, khát nhiều, miệng đắng. Lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền sác.
- Bài thuốc - 'Long đởm tả can thang gia giảm': Hạ khô thảo 15g, huyền sâm 15g, sinh địa 12g, mẫu lệ 12g, long cốt 12g, bán hạ 12g, phục linh 12g, triết bối mẫu 12g, sài hồ 9g, hoàng cầm 9g, chi tử 9g, đương quy vĩ 9g, hải tảo 9g, côn bố 9g, trần bì 6g, cam thảo 3g. Sắc uống.
- Châm cứu: Hành gian, dương lăng tuyền, nhu hội, thiên song, thiên đỉnh, thiên dung, thiên đột.
Vị thuốc huyền sâm
3.3 Âm hư dương vượng
- Biểu hiện: Bướu cổ có thể kèm mắt lồi hoặc cảm giác căng ở vùng mắt, lòng bàn tay bàn chân nóng, mất ngủ hoặc ngủ ít, mơ nhiều, chóng mặt, nhìn mờ, đánh trống ngực, bồn chồn, dễ ra mồ hôi, bốc hỏa, sắc mặt đỏ, run tay, ù tai, đau lưng mỏi gối, ăn nhiều gầy nhiều, không có sức, miệng họng khô. Lưỡi đỏ ít rêu. Mạch huyền tế sác.
- Bài thuốc - ''Thiên vương bổ tâm đơn': Sinh địa 15g, huyền sâm 15g, hoài sơn 15g, mạch môn đông 12g, thiên môn đông 12g, câu kỉ tử 12g, toan táo nhân 12g, long cốt 12g, mẫu lệ 12g, phục linh 12g, xuyên luyện tử 9g, viễn chí 9g, ngũ vị tử 9g, bá tử nhân 9g, bán hạ 9g, hải tảo 9g, côn bố 9g, trần bì 6g, hoàng liên 3g. Sắc uống.
- Châm cứu: Thái xung, thần môn, phục lưu, nhu hội, thiên song, thiên đỉnh, thiên dung, nhân nghinh.
Ngũ vị tử, vị thuốc trong bài Thiên vương bổ tâm đơn.
3.4 Khí âm lưỡng hư
- Biểu hiện: Người gầy yếu, không có sức, thở gấp, chóng mặt, ù tai, đánh trống ngực, mắt khô, có thể căng chướng, sắc mặt nhợt nhạt, kém tươi, gò má đỏ, bồn chồn, mất ngủ, hay quên, miệng khô, đau lưng mỏi gối, lòng bàn tay bàn chân nóng, có thể ra mồ hôi, run tay và lưỡi, ăn ít, chướng bụng sau ăn, phân lỏng. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng hoặc tróc. Mạch hư sác.
- Bài thuốc -'Giáp cương trọng phương': Hoàng kỳ 30g, hạ khô thảo 30g, hà thủ ô 20g, sinh địa 15g, bạch thược 12g, hương phụ 12g. Sắc uống.
- Châm cứu: Tâm du, can du, tỳ du, thận du, nhu hội, thiên song, thiên đỉnh, thiên dung.
Vị thuốc hà thủ ô trong bài thuốc Giáp cương trọng phương trị hội chứng khí âm lưỡng hư.
Mời bạn xem tiếp video:
Tự ý sử dụng thuốc đông y chữa bệnh thận không qua chỉ định: Bác sĩ nói gì? | SKĐS