Bài thuốc đông y chữa ăn uống không tiêu, gầy mòn ở trẻ em

SKĐS - Theo đông y trẻ em tỳ vị hư nhược thường có các triệu chứng như ăn uống không tiêu, gầy mòn…

Người xưa thường nói: "Phi tích bất thành cam" (không tích thì không thành chứng cam) "Tích thị cam chi mẫu" (Tích là mẹ của chứng cam). Nguyên nhân gây nên chứng tích phần nhiều do hay ăn đồ sống lạnh, ngọt béo, dính ngấy, tích trệ ở trung quản, tỳ vị không tiêu hóa hoặc do tỳ hư lâu ngày đã thành chứng cam tích.

Bài thuốc chữa tỳ vị hư nhược ở trẻ em - Ảnh 2.

Trẻ ăn uống khó tiêu có thể do tỳ vị hư nhược.

Bài thuốc Phì nhi hoàn, phù tỳ giúp tiêu hóa, khiến cho tỳ khỏe mạnh, tích tụ tiêu đi, các chứng tự khỏi.

Thành phần bài thuốc Phì nhi hoàn (Ấu ấu tập thành) chữa chứng tỳ vị hư nhược ở trẻ em

Bài thuốc gồm có: Liên nhục 72g (bỏ vỏ và tâm xanh, sao), sa nhân 18g (sao rượu), bạch truật 30g (sao với hoàng thổ hoặc đất vách), nhân sâm 3g (thái lá, sấy khô), sơn tra 12g sao, pháp bán hạ 12g (bán hạ chế kỹ với gừng), phục linh 30g (tẩm sữa hấp phơi khô), ý dĩ nhân 18g (sao), thần khúc 18g (loại thần khúc tốt, sao), chích cam thảo 6g.

Trong trường hợp không có nhân sâm, thay bằng đảng sâm 15g.

Bài thuốc chữa tỳ vị hư nhược ở trẻ em - Ảnh 3.

Liên nhục - vị thuốc chủ dược chữa chứng tỳ vị hư nhược ở trẻ em.

Các vị cùng tán thành bột nhỏ, luyện với mật ong làm viên, mỗi viên 9g. Mỗi ngày uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần uống 1 viên, uống với nước cơm.

Công hiệu: Tích khí kiện tỳ, hòa vị, tiêu thực.

Chủ trị: Trẻ em tỳ vị hư nhược, ăn uống không tiêu, da thịt gầy mòn.

Bài thuốc này trị các chứng gây nên do tỳ vị hư nhược, tiêu hóa không thông lợi. Tỳ hư thì chất tinh vi (chất dinh dưỡng), khí huyết sinh hóa bất túc.

Bài thuốc chữa tỳ vị hư nhược ở trẻ em - Ảnh 4.

Vị thuốc sa nhân.

Triệu chứng: Vàng mặt, cơ bắp gầy, tỳ mất đi kiện vận, ăn uống không tiêu, không thiết ăn uống, bụng chướng tiêu chảy, phối hợp bài tứ quân tử thang, tích khí bổ trung, kiện tỳ dưỡng vị làm chủ dược.

Tỳ ưa táo (khô), sợ thấp (ướt), tỳ hư không vận hóa, thường dễ sinh thấp, sinh đàm. Cho nên dùng ý dĩ nhân để kiện tỳ trữ thấp, trần bì, bán hạ táo thấp hóa đàm cùng là thuốc phụ trợ.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên chú ý:

- Cho trẻ ăn uống đúng giờ, ăn có mức độ, ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, ấm và nấu nhừ.

- Không cho trẻ ăn quá no, không cho trẻ ăn những thức ăn sống lạnh, những món xào nấu quá béo.

- Khi trẻ bắt đầu hồi phục cần tăng lượng thức ăn từ ít đến nhiều. Chia làm nhiều bữa nhỏ để trẻ có thể ăn hết suất giúp hấp thụ được hết chất dinh dưỡng của món ăn nhằm tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?


TTND. Lương y Trần Văn Quảng
Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn