Hà Nội

Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày - tá tràng

09-02-2015 14:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống của YHCT. Nguyên nhân gây bệnh do tình chí bị kích thích, can khí uất kết, do ăn uống thất thường...

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống của YHCT. Nguyên nhân gây bệnh do tình chí bị kích thích, can khí uất kết, do ăn uống thất thường... Thể can khí uất kết (hay can khí phạm vị) gồm các thể: khí trệ, hỏa uất và huyết ứ. Sau đây là một số bài thuốc và món ăn trị bệnh thể khí trệ.

Cháo trần bì là món ăn tốt cho người bị đầy bụng, đau quặn, buồn nôn...

Người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị từng cơn, đau lan ra 2 mạng sườn, xuyên ra sau lưng, bụng đầy trướng, ấn thấy đau (cự án), ợ hơi, ợ chua, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng, mạch huyền. Phương pháp chữa: Hòa can lý khí (sơ can giải uất, sơ can hòa vị). Dùng một trong các bài:

Bài 1. Sài hồ sơ can thang: sài hồ 12g, chỉ xác 12g, bạch thược 12g, cam thảo 6g, xuyên khung 8g, hương phụ 8g, thanh bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu đau nhiều thêm khổ luyện tử 8g, diên hồ sách 8g; nếu ợ chua nhiều thêm mai mực 20g.

Bài 2: lá khôi 20g, khổ sâm 16g, hậu phác 8g, cam thảo nam 16g, bồ công anh 20g, hương phụ 8g, uất kim 8g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Bài 3. Trầm hương giải khí tán: trầm hương 6g, sa nhân 8g, chích thảo 6g, hương phụ 10g, diên hồ sách 8g, khổ luyện tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng trong trường hợp đau dạ dày có đau bụng dữ dội.

Bài 4: hoàng liên 6 phần, thù du 1 phần. Tất cả tán bột, làm hoàn. Mỗi lần dùng 4 - 5g, ngày uống 2 lần với nước ấm. Sắc uống ngày 1 thang. Trị đau dạ dày có nôn ra nước chua, đau cạnh sườn.

Bài 5: sài hồ 4g, bạch truật 4g, phục linh 12g, đương quy 8g, bạch thược 20g, cam thảo 4g, trần bì 4g, thần khúc 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Món ăn - thuốc hỗ trợ chữa bệnh:

Gà kho trần bì hương phụ: trần bì 20g, hương phụ (sao dấm) 15g, thịt gà 100g. Sắc trần bì, hương phụ (lấy nước bỏ bã), kho với thịt gà đã rửa sạch, thái lát cho đến khi cạn nước, cho thêm gừng tươi (đập vụn), hành, gia vị, đảo đều. Dùng cho các bệnh nhân có hội chứng đau loét dạ dày - tá tràng, trướng bụng đầy hơi, đau vùng thượng vị, đau thần kinh liên sườn, đau tức vùng ngực.

Cháo trần bì: trần bì 15 - 20g, gạo tẻ 150g. Sắc hay hãm trần bì lấy nước, đem nước sắc được nấu với gạo thành cháo, khi ăn thêm chút đường, muối gia vị, tùy theo khẩu vị. Dùng cho người bị đầy bụng, đau quặn, buồn nôn, nôn...

Xi-rô phật thủ: thật thủ 15g, rửa sạch thái nhỏ, thêm đường trắng liều lượng thích hợp, cho nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho bệnh nhân đau quặn bụng do đầy hơi trướng bụng (Phúc thống khí trệ).

Trà (chè) phật thủ: phật thủ 10g, rửa sạch thái nhỏ, cho nước sôi hãm pha uống thay nước chè ngày 1 lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng, co thắt tâm vị, đầy, ợ hơi, buồn nôn, nôn.

Tân lang trần bì tán: tân lang 12g, trần bì 6g. Tán bột mịn, trộn với mật ong liều lượng thích hợp, ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp ợ hơi, ợ chua.

Tim lợn hầm nga truật: nga truật 25g, tim lợn 1 cái, cùng làm sạch thái lát, nấu hầm chín, thêm gia vị cho ăn. Liên tục 1 đợt 5 - 7 ngày. Dùng cho các trường hợp trướng bụng đầy tức, ăn không tiêu.

BS. Tiểu Lan

 

 


Ý kiến của bạn