Bài thuốc chữa rối loạn thần kinh thực vật

04-08-2012 08:40 | Y học cổ truyền
google news

Rối loạn thần kinh thực vật thuộc phạm vi chứng chính xung của y học cổ truyền, là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn thần kinh chức năng, thiếu máu, các bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, thấp tim, xơ vữa mạch vành), thiếu vitamin B1.

(SKDS) - Rối loạn thần kinh thực vật thuộc phạm vi chứng chính xung của y học cổ truyền, là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn thần kinh chức năng, thiếu máu, các bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, thấp tim, xơ vữa mạch vành), thiếu vitamin B1. Y học cổ truyền chia rối loạn thần kinh thực vật làm 3 thể: thể tâm huyết hư, thể âm hư hỏa vượng, thể dương hư. Sau đây là một số bài thuốc trị chứng này theo từng thể bệnh.

Thể tâm huyết hư: hay gặp ở bệnh nhân bị thiếu máu, suy nhược cơ thể do bệnh tật, phụ nữ sau sinh đẻ, dinh dưỡng kém...). Biểu hiện tim đập nhanh, hồi hộp, ngủ ít, trằn trọc, hay nằm mê, chất lưỡi đỏ, mạch tế nhược. Phép chữa là dưỡng huyết, kiện tỳ, an thần. Dùng một trong các bài thuốc:

 Người bị rối loạn thần kinh thực vật thường mệt mỏi, tim đập nhanh, hồi hộp.

Bài 1:

bố chính sâm 20g, củ mài 12g, rau má 12g, long nhãn 12g, bá tử nhân 8g, hạt sen 12g, hà thủ ô 12g, quả dâu chín 12g, táo nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: đẳng sâm 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, táo nhân 8g, long nhãn 8g, đương quy 8g, mộc hương 6g, viễn chí 8g, phục linh 8g, đại táo 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể âm hư hỏa vượng: hay gặp ở bệnh nhân bị rối loạn thần kinh chức năng, tăng huyết áp, rối loạn tiền mãn kinh... Biểu hiện: tim đập nhanh, hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai, mặt đỏ, người nóng, lòng bàn tay bàn chân nóng, nước tiểu đỏ, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, họng khô, mạch tế sác. Phép chữa là tư âm giáng hỏa. Dùng một trong các bài thuốc:

 Ngũ vị tử là vị thuốc chữa rối loạn thần kinh thực vật thể âm hư hỏa vượng.

Bài 1:

thiên môn 12g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g, thục địa 12g, hạt sen 12g, huyền sâm 12g, bá tử nhân 12g, táo nhân 8g, bố chính sâm 12g, hà thủ ô 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: toan táo nhân 8g, đan sâm 12g, sa sâm 12g, thục địa 12g, viễn chí 8g, long nhãn 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 6g, đẳng sâm 12g, bá tử nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán bột làm hoàn uống 20 - 30g một ngày.

Thể dương hư: hay gặp ở người già suy nhược thần kinh thể giảm hưng phấn, xơ vữa động mạch. Biểu hiện tim đập hồi hộp, thổn thức, đau lưng mỏi gối, chân tay lạnh, sợ lạnh, ăn kém, ngủ ít, tiểu tiện trong dài, tiểu nhiều lần, mạch trầm tế nhược hay huyền tế. Phép chữa là ôn dương an thần. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: thục địa 12g, hoài sơn 16g, trạch tả 8g, liên nhục 8g, phụ tử (chế) 8g, nhục quế 7g, hạt sen 12g, táo nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

 Hoài sơn (củ mài) và nhục quế là hai vị thuốc chữa rối loạn thần kinh thực vật thể dương hư.

Bài 2:

đan bì 9g, thục địa 24g, bạch linh 9g, sơn thù 12g, trạch tả 9g, hoài sơn 12g, phụ tử (chế) 8g, nhục quế 6g. Tất cả tán mịn, luyện mật làm hoàn ngày uống từ 8 - 12g chia 2 - 3 lần, uống với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt.

Nếu do tỳ dương hư đàm ẩm nghịch lên, biểu hiện mặt trắng bệch, tiểu tiện ít, mạch trầm khẩn. Phép trị là thông dương tiềm âm. Dùng bài thuốc: phục linh 12g, quế chi 6g, long nhãn 12g, đẳng sâm 12g, cam thảo 6g, đương quy 12g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Nếu người bệnh bị sang chấn tinh thần đột ngột, lo sợ, hốt hoảng, buồn, ăn không ngon, ngủ ít, hay bị bóng đè, mạch huyền hoạt. Phép trị là phải an thần trấn kinh. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: bán hạ (chế) 8g, trần bì 8g, gừng 6g, chỉ thực 8g, trúc nhự 6g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: quế chi 6g, bạch thược 10g, mẫu lệ 16g, cam thảo 6g, long cốt 20g, gừng 4g, đại táo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. 

  Lương yĐình Thuấn


Ý kiến của bạn