Nôn mửa là chứng rất hay gặp ở trẻ em. Theo Đông y, có rất nhiều nguyên nhân gây ra như do nóng (nhiệt tích), do hàn (lạnh), do bú sữa, do ăn uống, do giun… Trẻ em tỳ vị còn non yếu, nôn mửa làm tổn hại tỳ vị. Nếu nặng có thể dẫn đến cơ thể suy nhược.
Sau đây là một số bài thuốc trị nôn mửa ở trẻ em do nhiệt tích, do hàn (lạnh).
Nôn mửa do nhiệt tích
Nguyên nhân do trẻ ăn nhiều thức ăn mỡ quá, nóng quá, nhiệt tích trong dạ dày, trẻ bú hay ăn vào là nôn ra ngay, miệng khát, nôn ra nước chua, môi đỏ người nóng, tiểu tiện vàng. Nếu không điều trị trẻ sắc mặt vàng bủng hay trắng bệch, nhắm nghiền mắt ngủ thiêm thiếp hoặc ngủ mà nhắm mắt không kín, mệt lả, đại tiện phân xanh, dẫn đến tỳ vị tổn thương.
Nếu trẻ ăn vào nôn ngay, miệng khát do nhiệt.
Phép trị: thanh nhiệt là chính.
Dùng bài Gia vị ôn đởm thang “Thiên kim phương”: trần bì, bán hạ, hoàng liên, phục linh mỗi loại 4g, mạch môn 8g, chỉ thực 2g, cam thảo 2g, trúc nhự 20g. Sắc nước uống, trẻ lớn có thể tăng liều gấp đôi. Tác dụng: thanh đởm, hòa vị, trừ phiền. Trị đờm nhiều do đởm hư khó ngủ, bệnh liên quan đến thần kinh; nôn ra nước chua, người nóng lưỡi đỏ, tiểu tiện vàng.
Trần bì
Nếu bệnh lâu ngày không trị khiến tỳ vị suy yếu.
Phép trị là bổ tỳ vị, hoà trung.
Dùng bài Phù tỳ thang gia giảm “Kim giảm phương”: nhân sâm, bạch truật, phục linh, biển đậu, quất hồng, thiên ma, sơn dược mỗi loại 4g; toàn yến 3 phiến, cam thảo 2g, bán hạ 8g, sinh khương 3 lát. Sắc uống 3 chén cho 1 chén uống dần. Tác dụng: trợ nguyên khí ích tỳ âm. Trị tiêu chảy do tỳ tiết, khí hư, miệng khát, tiêu lỏng…
Nôn mửa do hàn (lạnh)
Nguyên nhân do trẻ ăn uống nhiều thứ sống, lạnh hoặc tắm rửa nhiều nhiễm lạnh, trẻ bú phải sữa lạnh mà sinh chứng hàn thổ. Trẻ biểu hiện sáng ăn, chiều nôn, sữa bú không tiêu, nôn ra không có mùi chua nồng, chân tay lạnh, sắc mặt, môi trắng nhợt. Bệnh không trị dễ biến thành mã tỳ phong (tỳ hư).
Trẻ mới bị bệnh, nôn nước trong.
Phép trị: ôn trung định thổ. Dùng bài Khương quất tán gia giảm “Hoạt nhân thư phương”: bạch khương, trần bì, chích thảo mỗi loại 4g. Các vị tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g hoà với nước đại táo ấm, uống. Tác dụng: ôn tỳ vị, cầm nôn. Người bệnh hàn thổ, vị hơi lạnh dùng rất tốt. Nếu vị hàn quá, dùng bài Đinh thù Lý Trung thang: nhân sâm, bạch truật, can khương, cam thảo, đinh hương, ngô thù, sắc uống. Khi khỏi, uống Tứ quân tử thang: nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo sắc uống.
Bệnh lâu ngày làm tỳ khí hư.
Phép trị: bổ tỳ vị, khử hàn.
Dùng bài Ôn trung bổ tỳ thang gia giảm: nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, bán hạ, trần bì, bạch phục linh, sa nhân, bạch thược, can khương mỗi loại 4g, phụ tử 2g, nhục quế 2g, cam thảo 2g, sinh khương 3 lát. Sắc uống. Tác dụng: ôn trung, bổ tỳ, cố bản, hồi dương. Trị trẻ nhỏ nôn, tiêu chảy lâu ngày.