Bài thuốc chữa nhiệt miệng

16-06-2012 10:16 | Y học cổ truyền
google news

Nhiệt miệng là chứng bệnh thường xảy ra vào mùa hè. Đông y cho rằng nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, nhiệt tích lại ở tỳ vị, âm dương mất cân bằng, sức đề kháng bị suy giảm;

(SKDS) – Nhiệt miệng là chứng bệnh thường xảy ra vào mùa hè. Đông y cho rằng nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, nhiệt tích lại ở tỳ vị, âm dương mất cân bằng, sức đề kháng bị suy giảm; do chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin, khoáng chất từ đó sinh ra bệnh. Phương pháp điều trị theo Đông y là phải thanh nhiệt ở tỳ vị, chống viêm, bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Xin giới thiệu một số bài thuốc hữu hiệu chữa chứng bệnh này và một số món ăn hỗ trợ để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Trường hợp niêm mạc miệng có những nốt loét gây đau đớn, lợi sưng nề đỏ, mỗi khi ăn uống rất đau, người nóng, khó ngủ, trằn trọc, nước tiểu đỏ, phân thường táo, hay đau đầu, khô họng, hơi thở nóng. Dùng một trong các bài:

Bài 1:

hoàng cầm 12g, chi tử 12g, liên kiều 12g, đương quy 12g, thục địa 12g, rau má 20g, mướp đắng 16g, tang diệp 16g, cỏ mực 20g, đinh lăng 20g, bồ công anh 20g, sài đất 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: thanh vị nhiệt, chống viêm, dưỡng âm.

Bài 2: ngân hoa 12g, liên kiều 12g, tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, sinh địa 12g, huyền sâm 10g, lá tía tô 16g, bạch mao căn 16g, mạch môn 16g, ngưu tất 12g, sa sâm 12g, mẫu lệ 12g, lá tre 16g, cát căn 16g, cỏ mực 20g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.Một đợt điều trị 5 - 7 ngày. Công dụng: thanh vị nhiệt, chống viêm, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Trường hợp nặng bệnh nhân rất khó ăn uống, cơ thể yếu mệt, khó ngủ, trằn trọc, mồ hôi nhiều, tư tưởng thiếu tập trung, tim hồi hộp, nước tiểu đỏ, táo bón. Nguyên nhân là do tâm hỏa thịnh. Dùng một trong các bài:

Bài 1: hoàng liên 12g, tâm sen 10g, rau má 20g, chi tử 12g, thục địa 12g, sa sâm 12g, đương quy 12g, cát căn 16g, cỏ mực 20g, bạch mao căn 20g, rau mã đề 20g, đinh lăng 20g, ngưu tất 12g, bạch thược 12g, hắc táo nhân 16g, lạc tiên 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: thanh tâm hỏa, dưỡng tâm, an thần, chống viêm loét.

Bài 2: ngân hoa 12g, liên kiều 12g, rau má 20g, cỏ mực 20g, lá vông 20g, tri mẫu 12g, sa sâm 16g, mạch môn 20g, sinh địa 12g, cam thảo đất 20g, mơ muối 12g, lá tre 16g, tang diệp 20g, đương quy 16g, mẫu lệ 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Một đợt điều trị là 5 - 7 ngày. Công dụng: tả tâm hỏa, định tâm dưỡng tâm, chống viêm, cân bằng thủy hỏa.

Huyền sâm và mẫu lệ là hai vị thuốc tốt trong điều trị viêm loét miệng.

Kết hợp các món ăn - bài thuốc sau để hỗ trợ điều trị bệnh:

Cháo tim lợn mạch môn: tim lợn 1 quả, mạch môn 20g, sa sâm 20g, thạch hộc 16g, gạo tẻ 80g, gia vị vừa đủ. Tim lợn rửa sạch thái lát mỏng, ướp gia vị để riêng. Mạch môn, sa sâm, thạch hộc cho vào ấm đổ 2 bát nước nấu sôi 25 phút rồi lọc lấy nước, bỏ bã. Cho nước đó cùng với gạo đã vo sạch, ninh cháo cho chín kỹ. Cho tiếp tim lợn vào nấu thêm một lúc cho cháo chín đều, thêm gia vị và rau thơm là được. Ăn trong ngày. Công dụng: bổ âm, thanh tâm hỏa, tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống viêm, định tâm an thần.

Chè bí ngô - đậu đen: bí ngô 150g, đậu đen 30g, hạt sen 25g, gạo tẻ 50g, gạo nếp 20g, đường kính vừa đủ. Bí ngô gọt bỏ vỏ thái miếng. Đậu đen và hạt sen rửa sạch. Gạo nếp, gạo tẻ đãi sạch. Cho tất cả vào nồi, đổ nước hầm cho chín kỹ, đậu đen và hạt sen chín mềm, cho đường vào, thêm 2 - 3 lát gừng đập giập vào quấy đều là được. Múc ra bát cho nguội hoặc để vào tủ lạnh. Ăn nguội vừa mát lại bổ. Công dụng: thanh nhiệt chống viêm, dưỡng âm, phù hợp với những người tâm hỏa thịnh, loét lưỡi loét miệng, vị nhiệt, tâm phiền, giấc ngủ không yên, nước tiểu đỏ, người nóng, nam giới dễ bị hoạt tinh.

Lương y Trịnh Văn Sỹ


Ý kiến của bạn