Nơi tổn thương có mụn nước, rất ngứa, người bệnh gãi đóng vảy, da dày lên, tiến triển dai dẳng. Vị trí của eczema thường gặp ở bàn chân, cẳng chân, bàn tay, khuỷu tay. Phương pháp trị bệnh phải tiêu độc, chống viêm, chống dị ứng... Ngoài thuốc uống, cần kết hợp thuốc bôi và thuốc rửa mới hiệu quả. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh.
Thuốc uống
Bài 1: nhân trần, diệp hạ châu, bạch chỉ, liên kiều mỗi vị 8g; hoàng bá, bồ công anh, huyền sâm, hạ khô thảo, sài đất mỗi vị 10g; ké đầu ngựa, sâm đại hành, mã đề thảo, kinh giới mỗi vị 12g; thổ phục linh 16g, sơn thù 16g, đại táo 20g, cam thảo 7g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, khi sắc cho thêm 7 lát gừng. Uống 7 - 10 ngày. Nghỉ 1 tuần, uống tiếp đợt 2.
Bài 2: bồ công anh, thổ phục linh, sài đất mỗi vị 20g; xa tiền tử, cam thảo đất, hạ liên châu, củ đợi mỗi vị 12g; cúc hoa 10g; hương nhu trắng, bạch chỉ nam, ké đầu ngựa, hạ khô thảo mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: tiêu độc, chống viêm, thanh nhiệt.
Bài 3: phòng phong, liên kiều, hoàng kỳ mỗi vị 12g; thổ phục linh 20g; nam hoàng bá, kinh giới, thạch xương bồ, sâm đại hành, kim ngân hoa, cành châu mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Uống liên tục cho đến khi thấy vết chàm khô và hết ngứa thì ngừng. Tuỳ theo mức độ bệnh để gia giảm cho phù hợp.
Bồ công anh.
Thuốc bôi
Bột nghệ vàng 15g, bột lá trầu không 10g, bạch phàn (phèn chua phi) 10g, xà sàng tử (sao khô tán bột) 10g, dầu vừng vừa đủ. Trộn đều 4 loại bột thuốc với nhau, cho vào lọ đậy kín để dùng dần. Khi dùng, lấy một lượng thuốc vừa đủ cùng với dầu vừng, trộn đều cho thuốc sền sệt là được. Bôi thuốc lên nơi tổn thương ngày 2 lần.
Thuốc rửa
Lá kinh giới, lá vông, lá đinh lăng, lá hoè, lá mít mỗi thứ 15g. Rửa sạch các vị rồi cho vào nồi, đổ nước nấu sôi kỹ, để nguội. Dùng nước này rửa nơi tổn thương, ngày 2 lần. Công dụng: làm hết ngứa, làm sạch xác những tế bào đã bị hoại tử, tạo điều kiện thuận lợi để tế bào non phát triển.
Chú ý: Bệnh chàm khó chữa và dễ tái phát nên điều trị phải kiên trì. Đây là bệnh mang tính cơ địa dị ứng cho nên cần chú ý phòng tránh trong ăn uống và sinh hoạt. Không ăn những loại thức ăn dễ gây dị ứng như thịt chó, thịt gà, nhộng, các loại hải sản, lạc nhân, mắm tôm... Tránh tiếp xúc các loại mỹ phẩm, xà phòng thơm... Mỗi người sẽ bị dị ứng với từng loại hóa chất khác nhau, quan trọng là tự phát hiện đang bị dị ứng với cái gì, từ đó có kế hoạch phòng tránh. Thời tiết, môi trường luôn thay đổi hoặc không phù hợp cũng làm cho bệnh thêm phức tạp nên người bệnh cần lưu ý phòng tránh.