Bài thuốc chữa đau bụng do nhiễm lạnh từ củ riềng

03-01-2022 06:42 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Củ riềng với tên vị thuốc là cao lương khương, có tính cay ấm, tan lạnh trị đau bụng trúng hàn, nôn và buồn nôn...

1. Đặc điểm của vị thuốc cao lương khương (củ riềng)

Thu hái thân rễ của cây riềng (thường gọi là củ) rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Có thể phơi nắng nhẹ, hạn chế nhiệt độ cao, bay mất tinh dầu, để nơi khô ráo, bảo quản dùng dần.

Dược liệu có vỏ ngoài màu nâu đỏ, có vòng ngang hình gợn sóng, chất cứng bền khó gãy, mặt cắt màu vàng đỏ, chất xơ, có mùi thơm nhẹ, không xốp. Từng đoạn khô già, màu nâu vàng, không mốc mọt là loại tốt.

Theo Trung Y: Dùng cao lương khương nên sao qua, cũng có khi dùng với gừng, ngô thù, đất vách hướng đông sao qua (Lý Thời Trân). Tỳ hư mà sốt rét do hàn gây ra chỉ tẩm dầu mè sao.

photo-1641118553726

Cây giềng cho vị thuốc cao lương khương

2. Công dụng của cao lương khương

Theo Đông y: Cao lương khương vị cay, tính ấm; vào 2 kinh Tỳ và Vị; có tác dụng ôn trung tán hàn (làm ấm đường tiêu hóa), giảm đau, tiêu thực; chủ trị tỳ vị trúng lạnh, bụng lạnh đau, nôn mửa tiêu chảy, nghẹn, ăn vào thổ ngược ra (phản vị), thức ăn tích trệ, ngã nước sốt rét...

Ngày dùng 3-10g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay rượu thuốc.

Kiêng kỵ: Người đau dạ dày do hỏa uất ở can vị không dùng cao lương khương.

Theo dược học cổ truyền: Cao lương khương can khương đều là những vị thuốc "ôn trung tán hàn" (chống lạnh, làm ấm đường tiêu hóa), nhưng mỗi vị thuốc lại có một ưu điểm riêng. Để chữa chứng đau bụng do nhiễm lạnh gây nôn mửa dùng cao lương khương tốt hơn, còn trường hợp đau bụng do lạnh tiêu chảy dùng can khương tốt hơn.

3. Bài thuốc chữa đau bụng do lạnh

Đau bụng là biểu hiện của nhiều bệnh trong ổ bụng như cơn đau do viêm loét dạ dày- tá tràng, cơn đau quặn thận do sỏi thận- niệu quản, cơn đau trong viêm đại tràng co thắt… Tuy nhiên, nhiều trường hợp đau bụng do cơ thể bị cảm khí lạnh, để lạnh bụng hoặc ăn nhiều thức ăn sống lạnh

Biểu hiện điển hình là đau bụng dữ dội, gặp lạnh càng đau nhiều, chườm bụng nóng thì đỡ, miệng không khát, nước tiểu trong, phân sột sệt hoặc lỏng...

photo-1641118557768

Cao lương khương được đưa vào sử dụng

Dùng một trong số các bài thuốc sau:

Bài 1: Cao lương khương 40g, củ gấu (sao) 20g. Hai vị tán nhỏ, rây bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 6-8g với nước ấm.

Bài 2: Cao lương khương 8g, đại táo 1 quả. Sắc với 300ml nước, còn 100ml chia 2-3 lần uống trong ngày.

Bài 3: Cao lương khương nướng cho thơm, mỗi lần dùng 150g, sắc với 500 ml rượu, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Bài 4: Cao lương khương 30g, giã nát, lọc lấy cốt, sắc với 600 ml nước, còn 400ml, bỏ bã, thêm vào 60g gạo tẻ nấu cháo ăn.

Bài 5: Cao lương khương 12g, hậu phác 9g, đương quy 9g, quế tâm 2g, gừng tươi 9g; sắc nước uống trong ngày.

Bài 6: Cao lương khương, hương phụ, hai thứ liều lượng bằng nhau, nghiền mịn, luyện với nước gừng và muối hoàn thành viên; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-6g, chiêu thuốc bằng nước ấm

Bài 7: Cao lương khương 9g, sao qua, tán bột dùng nước ấm để chiêu thuốc.

Bài 8: Cao lương khương 9g, đẳng sâm 9g, phục linh 9g, sắc uống.

4. Một số bài thuốc khác trị đau bụng

- Biểu hiện đau bụng tiêu chảy do cảm khí lạnh: Vỏ i rộp (sao vàng) 20g, quế chi 8g. Sắc uống.

- Biểu hiện đau bụng kèm tiêu chảy, nhức đầu: Củ gấu (giã giập sao vàng) 20g, búp ổi (sao vàng) 20g, vỏ quýt (sao thơm) 12g, củ sả (sao vàng) 12g, gừng tươi 8g. Nếu có nôn, thêm hoắc hương 12g, nếu sốt, nhức đầu thêm tử tô 6g. Sắc uống

Mời bạn xem thêm video:

Sáng 1/1: Ca mắc mới tăng chóng mặt |SKĐS

BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn