Bài 1: trần bì 20g, hậu phác 28, hoắc hương 40g, can khương 16g, nam mộc hương 12g, sa nhân 16g, đại phúc bì 16g, trần bì thái nhỏ sao qua, hậu phác gọt bỏ vỏ sao qua, hoắc hương sao qua, can khương tẩm đồng tiện sao đen, nam mộc hương cạo bỏ vỏ sao qua, sa nhân giã nát, đại phúc bì sao vàng. Các vị sắc với 4 bát nước đun còn 1 bát. Chia uống 2 lần, cách nhau 3 giờ. Trong khi uống, kiêng ăn cơm và uống nước lạnh, chỉ ăn cháo và uống nước ấm.
Với phụ nữ có thai thì bỏ hậu phác, can khương và thêm ngải cứu 20g. Tán bột làm viên. Chữa ăn không ngon, hay ợ chua, đầy bụng, thỉnh thoảng đau bụng, có khi đại tiện lỏng.
Hương phụ (củ gấu) là vị thuốc trị đau bụng do lạnh, đầy bụng...
Bài 2: phục long can 200g, hải phiêu tiêu 280g, bột hồng đơn một ít (làm áo). Hai vị tán bột, luyện với hồ tẻ làm viên bằng hạt ngô đồng, dùng hồng đơn làm áo. Mỗi lần uống 10 viên, ngày 3 lần, uống với nước hãm 3 lát gừng. Chữa đau bụng kinh niên.
Bài 3: hương phụ tứ chế 400g, ô dược 200g. Hương phụ và ô dược tán bột, luyện với hồ gạo tẻ làm viên bằng hạt ngô, phơi khô, đậy kín dùng dần. Người lớn 15 - 20 viên, uống với nước ấm, trẻ em giảm nửa liều. Ngày uống 3 lần, cách bữa cơm 1 giờ. Chữa đau bụng, đầy bụng. Kiêng kỵ: kiêng ăn tỏi ớt tiêu, thịt mỡ, thịt trâu, hoa quả xanh.
Bài 4: hương phụ, riềng liều lượng bằng nhau. Các vị sao giòn, tán bột, luyện với hồ gạo tẻ, làm viên bằng hạt ngô. Người lớn mỗi ngày uống 10 - 15 viên, trẻ em giảm nửa liều. Uống với nước ấm, ngày 2 lần. Chữa đau bụng do lạnh.
Bài 5: phèn chua cho lên chảo gang, nung nóng cho thật khô trắng, tán bột cho vào lọ kín dùng dần. Người lớn ngày uống 8g, trẻ em 4g; hòa vào chén nước đun sôi để ấm, khuấy đều. Ngày 2 lần (sáng tối), uống khi đói. Chữa người lớn, trẻ em bị đau bụng mới phát do thời tiết nóng lạnh bất thường gây nên.
Bài 6: nghệ vàng 40g, hương phụ (tẩm muối) 40g, cam thảo nam 20g. Sắc uống ngày 1 thang, uống hằng ngày. Chữa đau bụng, tức bụng, xóc bụng.
Bài 7: hương phụ (tứ chế) 80g, cao lương khương 40g, măng tre 20g. Các vị sao giòn, tán bột. Người lớn mỗi lần uống 20g, chiêu với nước nóng, ngày uống 3 lần, cách bữa cơm 1 giờ. Trẻ em tùy tuổi giảm liều. Chữa các chứng đau bụng mới phát.
Bài 8: vỏ cây sồi 100g cạo bỏ vỏ ngoài, sắc đặc. Mỗi lần uống 30-50ml; uống xong nằm nghỉ 15 phút. Trẻ em tùy tuổi mà giảm liều. Phụ nữ có thai cũng uống được. Chữa đau bụng, đầy bụng, bí đại tiện.
Bài 9: lá chanh, lá gai, củ sả, rễ rau ngót, mỗi vị 20g. Sắc lấy nước đặc, ngày uống 1 thang; hoặc tán bột uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 12-15g, uống với nước sôi ấm. Chữa đau bụng đầy hơi.
Bài 10: hoàng nàn 120g, nam mộc hương 40g, thảo quả 20g, cam thảo nam 12g. Hoàng nàn cạo bỏ vỏ ngoài và sạch phấn vàng, ngâm trong nước gạo 3 đêm. Các vị sao vàng, tán bột, luyện với hồ gạo tẻ làm viên bằng hạt đậu xanh. Người lớn ngày uống 10 viên, trẻ em tùy tuổi giảm bớt liều. Chữa đau bụng do hỏa uất hoặc đau bụng tiêu chảy.
Chú ý: hoàng nàn có độc, phải do người có chuyên môn (lương dược) bào chế.