Theo y học cổ truyền để phòng trị chứng ngứa trong mùa thu - đông cần lưu ý không nên tắm nước quá nóng, hạn chế sử dụng các loại sữa tắm có độ kiềm cao. Giữ độ ẩm thích hợp trong phòng, không tắm quá nhiều. Với biểu hiện ngứa, bong vảy, ngứa nhiều về chiều tối và đêm bạn đọc có thể sử dụng một trong số những bài thuốc sau:
Bài 1: Gừng khô 9g, hồng táo 10 quả, quế chi 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền trong 7-10 ngày.
Bài 2: Đương quy, sinh địa, bạch thược, mỗi thứ 15g; đan sâm 20g; phòng phong, kinh giới, bạch tật lê, mỗi thứ 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc làm 2 lần.
Bài 3: Dạ giao đằng 50g, khổ sâm, xà sàng tử, mỗi thứ 20g; kinh giới 30g; hoa tiêu 5g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc làm 2 lần.
Bài 4: Quế chi 6g, bạch thược 12g, đương quy 10g, gừng sống 3 miếng, hồng táo 10 quả, cứu cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc làm 2 lần.
Bài 5: Đương quy 10g, quế chi 10g, bạch thược 10g, tế tân 3 g, cam thảo 5g, mộc thông 6g, ngô thù du 3g, gừng sống 9g. Ngày 1 thang, sắc làm 2 lần.
Vị thuốc sinh địa mát huyết, bổ thận trong bài thuốc trị chứng ngứa da.
Dược thiện món ăn bài thuốc
Bài 1: Thịt lươn 30g, hồng táo 15g, gạo tẻ vừa đủ, nấu cháo ngày hàng ngày.
Bài 2: Thịt dê 200g, hoa tiêu 3g, gừng sống 15g, đương quy 30g. Hầm mềm.
Bài 3: Sơn tra 15g, đương quy 15g, hồng táo 10 g. Nấu ăn.
Thuốc dùng ngoài
Bài 1: Vỏ chuối tiêu sắc lấy nước thấm vào khăn bông rồi chườm vào chỗ ngứa hoặc dùng mặt trong của vỏ chuối đắp trực tiếp vào chỗ ngứa.
Bài 2: Lá đào tươi 30g, sắc lấy nước cốt, buổi tối trước khi đi ngủ lấy bông thấm nước cốt bôi vào chỗ ngứa.
Bài 3: Gừng tươi 250g, rượu trắng 500ml. Gừng đem rửa sạch, thái lát, ngâm trong rượu 3-5 ngày là dùng được. Dùng bông tẩm thứ rượu này, bôi, chấm vào chỗ ngứa, ngày 2-3 lần.