Nếu nổi thành từng quầng đỏ thì gọi là ban; nếu mọc thành từng nốt lấm chấm thời gọi là chẩn. Nguyên nhân gây bệnh do thời tiết nóng lạnh bất thường, ăn uống phải những chất mà cơ thể mẫn cảm, do ký sinh trùng... làm xuất hiện những nốt ban, ngứa, đỏ da hoặc phù tại chỗ.
Bệnh chia làm 2 thể: phong hàn, phong nhiệt. Phương pháp điều trị là giải dị ứng, chống sung huyết, chống giãn mạch và các rối loạn thực vật: phù dị ứng, táo bón, tiêu chảy, bí tiểu tiện... Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh:
Thể phong hàn: hay gặp dị ứng nổi ban do lạnh, do nước lạnh. Người bệnh có triệu chứng: da hơi đỏ hoặc sắc trắng, gặp lạnh hay phát bệnh, trời nóng bệnh giảm, rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn. Phương pháp chữa là tán phong hàn, điều hòa dinh vệ. Dùng bài thuốc:
Bài 1: quế chi 8g, tử tô 12g, kinh giới 16g, phòng phong 12g, gừng sống 6g, ké đầu ngựa 16g, ý dĩ 16g, đan sâm 12g, bạch chỉ 8g. Sắc uống.
Bài 2 - Quế chi thang gia giảm: quế chi 8g, bạch thược 12g, gừng sống 9g, ma hoàng 6g, tử tô 12g, kinh giới 12g, phòng phong 8g, tế tân 6g, bạch chỉ 8g. Sắc uống.
Bài 3 - Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm: hoàng kỳ 8g, quế chi 8g, bạch thược 8g, sinh khương 8g, đại táo 12g, đảng sâm 12g, kinh giới 12g, phòng phong 12g, bạch chỉ 8g, ma hoàng 6g. Sắc uống. Nếu táo bón, thêm đại hoàng 6g; nếu do ăn uống (cua, tôm...), thêm sơn tra, thần khúc, hoắc hương mỗi thứ 8 - 12g.
Mề đay y học nguyên nhân do thời tiết nóng lạnh bất thường, ăn uống phải những chất mà cơ thể mẫn cảm, do ký sinh trùng...
Thể phong nhiệt:
Người bệnh có triệu chứng: da đỏ, các nốt ban đỏ, nóng rát, miệng khát, phiền táo. Gặp gió nóng, bệnh phát ra hoặc tăng thêm; mạch phù sác; chất lưỡi đỏ, rêu vàng hoặc trắng. Phương pháp chữa là khu phong, thanh nhiệt lương huyết. Dùng bài thuốc:
Bài 1 - Ngân kiều tán gia giảm: kim ngân 16g, liên kiều 12g, ngưu bàng tử 12g, lô căn 12g, trúc diệp 12g, kinh giới 12g, cam thảo 4g, bạc hà 12g, ké đầu ngựa 16g, xa tiền tử 12g, phù bình 8g. Sắc uống.
Bài 2 - Tiêu phong tán gia giảm: kinh giới 16g, phòng phong 12g, ngưu bàng tử 12g, thuyền thoái 8g, sinh địa 16g, thạch cao 20g, đan bì 8g, bạch thược 8g. Sắc uống. Sắc uống.
Bài 3 - Hóa ban thang: thạch cao 30g, cam thảo 10g, sừng trâu 24g, tri mẫu 16g, huyền sâm 12g, ngạnh mễ 1 chén. Sắc uống.
Kết hợp châm cứu (châm tả) hoặc day các huyệt: huyết hải, khúc trì, đại chùy, tam âm giao. Nếu do ăn uống thì thêm túc tam lý.
Vị trí huyệt:
- Huyết hải: mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên 2 tấc, huyệt nằm trong khe lõm giữa cơ may và cơ rộng trong, ấn vào có cảm giác ê tức.
- Khúc trì: co khuỷ tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷ, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khủy.
- Đại chùy: ngồi thẳng, hơi cúi đầu xuống một ít, phần dưới cổ nổi lên từ 1-3 u xương tròn, đặt lên mỗi u xương 1 ngón tay rồi quay đầu qua lại về bên phải, bên trái, cúi ngửa, u xương nào cao nhất động đậy dưới ngón tay nhiều là đốt sống cổ 7, huyệt ở chỗ lõm ngay dưới đầu mỏm gai của đốt này.
- Tam âm giao: ở sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 tấc.
- Túc tam lý: úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó đo ra 1 tấc là huyệt.