Khí hư: Sắc mặt vàng úa, người mệt mỏi lúc rét, lúc nóng, tự ra mồ hôi, đoản hơi, suyễn thở, mạch nhuyễn nhược, nếu khí hư đến cực độ (tức là dương hư) thì mạch thường chuyển sang trầm tế.
Bài thuốc “Bổ trung ích khí” gồm các vị: Hoàng kỳ 20g, chích thảo 4g, thăng ma 6g, đảng sâm 16g, đương quy 12g, sài hồ 10g, bạch truật 12g, trần bì 6g. Cho 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Trà linh chi hỗ trợ điều trị chứng hư lao.
Huyết hư: Sắc mặt trắng nhợt, mắt hoa, đầu choáng, kinh hãi, hồi hộp, da khô ráp. Bài thuốc “Quy tỳ thang” với các vị: Nhân sâm 12g, phục thần 12g, táo nhân 16g, viễn chí 6g, đại táo 3 quả, hoàng kỳ 12g, mộc hương 4g, sinh khương 3 lát, bạch truật 12g, long nhãn 12g, đương quy 12g, chích thảo 4g. Cho 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Khí huyết lưỡng hư: Người mệt mỏi, gầy yếu, chán ăn, ăn không tiêu, mất ngủ, da mặt nhợt nhạt, thở đoản hơi, chân tay bủn rủn sức yếu…
Bài thuốc “Thập toàn đại bổ”: Đương quy 12g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, xuyên khung 8g, táo 3 quả, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, thục địa 12g, hoàng kỳ 16g, nhục quế 6g. Cho vào 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Âm hư: Với biểu hiện thần trí bất an, nóng nảy, hay giận dữ, mất ngủ, kém ăn, ho mất tiếng, mồ hôi trộm, lưỡi ráo hang khô, đại tiện táo kết…
Bài thuốc “Lục vị địa hoàng hoàn”: Thục địa 20g, sơn thù 16g, trạch tả 12g, hoài sơn 16g, phục linh 12g, đan bì 12g. Cho 750ml nước sắc kỹ còn 250ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Dương hư: Thận suy, yếu mệt, liệt dương, di tinh kém ăn, mất ngủ...
Bài thuốc: Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 16g, đỗ trọng 16g, nhục thung dung 8g, thỏ ty tử 12g, xà sàng tử 12g, phúc bồn tử 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, thục địa 16g, ba kích 12g, toả dương 10g, dâm dương hoắc 12g, lộc nhung 12g, kỷ tử 12g, đại táo 5 quả, long nhãn 10g, cam thảo 6g, xuyên khung 8g, hà thủ ô đỏ 12g. Tất cả cho vào 750ml nước, sắc kỹ còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống 7 thang liền.
Điều cần lưu ý khi dùng đông dược trong điều trị chứng hư lao
Điều quan trọng là thể trạng hư yếu ở tạng phủ nào, nếu chỉ cho một bài thuốc bổ chung chung thì không có tác dụng. Dù bài thuốc bổ thuộc loại nào thì trong bài dùng nhất thiết phải có những vị bổ khí và bổ huyết để nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe. Điều cần lưu ý là người thuộc thể nhiệt thì không nên dùng các loại bổ làm huyết nhiệt, gan nóng dẫn đến cao huyết áp, gan bốc hỏa sinh chứng choáng váng đau đầu, mất ngủ...
Nếu cơ địa hàn thì bài thuốc bổ phải cho những vị thuốc ôn không cho thuốc nhiệt nếu cho thuốc nóng quá thì cơ thể của người cao tuổi yếu, không chịu được thuốc có khi gây ra phản ứng không tốt.
Nếu cơ địa nhiệt thì phải cho thuốc lương, không cho thuốc hàn, nếu cơ thể trung bình thì cho các vị thuốc vừa ôn vừa lương, để cân bằng âm dương.
Người mắc chứng hư lao hầu như lục phủ ngũ tạng suy nhược.
Một số vị thuốc hỗ trợ điều trị chứng hư lao
Linh chi là một loại nấm đặc biệt có tác dụng giải độc gan và thận có thể hãm uống thay trà uống hàng ngày. Tuy nhiên trong Đông y ít dùng linh chi để chữa bệnh. Những người nói dùng linh chi để chữa được bệnh là không đúng.
Nhân sâm đi vào được 12 kinh lạc do đó có tác dụng chữa bệnh ở các tạng phủ, đồng thời bồi bổ khí huyết. Nhưng nó có tác dụng đại bổ nguyên khí, sinh ra tân dịch để sinh huyết.
Dùng linh chi hay nhân sâm để bồi bổ sức khỏe là phù hợp tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc mới có hiệu quả. Ví dụ: Người tăng huyết áp do khí vượng, cường độ lưu thông huyết cao không nên dùng nhân sâm. Người bị các bệnh thuộc thực chứng như cảm mạo, người bị hen suyễn thuộc thể hen nhiệt không dùng nhân sâm.