(SKDS) - Cam tích là một bệnh mạn tính ở trẻ em, do tỳ vị vận hóa kém, dinh dưỡng không điều hòa. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng thì hoạt động của khí huyết, tân dịch trong các tạng phủ đều bị suy giảm. Người xưa cho rằng, người từ 15 tuổi trở lên mà bị suy nhược gọi là hư lao, dưới 15 tuổi trở xuống bị suy dinh dưỡng gọi là cam tích. Tùy theo chứng trạng của tạng phủ mà có tên gọi khác nhau: tỳ cam, phế cam, tâm cam, thận cam…
Khi bệnh mới phát,
do tích trệ, phần nhiều thuộc thực chứng, trước hết phải tiêu tích (đồ ăn bị tích trệ), sau đó phải tẩy trùng tích (giun sán); thường dùng bài Tiêu cam lý tỳ thang: tam lăng 2g, thanh bì 4g, lô hội 0,2g, sử quân tử 4g, hoàng liên 4g, thần khúc 6g, nga truật 4g, trần bì 4g, binh lang 2g, cam thảo sống 4g, mạch nha 6g. Sắc 3 lần, hợp lại, chia uống 3 lần trong ngày, nên dùng nước đăng tâm thảo và đại táo làm thang. Hoặc dùng bài Sử quân tử tán: sử quân tử ngâm, ủ, bóc vỏ lụa và cắt phần đầu nhọn, sấy khô, tán bột. Ngày uống 2 - 4g, uống lúc đói; trị cam nhiệt…
Khi tích đã tiêu, trùng đã hết thì lấy lý tỳ điều vị làm chủ. Dùng bài Sâm linh bạch truật tán: bạch biển đậu 20g, nhân sâm 40g, bạch linh 40g, bạch truật 40g, cam thảo 40g, hoài sơn 40g, liên nhục 20g, cát cánh 20g, ý dĩ 20g, sa nhân 20g. Tán bột, mỗi lần 4 - 8g tùy theo tuổi. Hoặc Ngũ vị dị công tán: bạch truật 12g, đảng sâm 8g, trần bì 4g, chích thảo 4g, phục linh 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ý dĩ và sa nhân là hai vị thuốc trị cam tích khi tích đã tiêu, trùng đã hết. |
Khi thể chất đã hư mà tích trệ chưa tiêu hết
nên dùng thuốc công lẫn bổ, dùng bài Phì nhi hoàn hoặc dùng bài Sâm linh bạch truật tán.
Mỗi chứng cam tích có phương pháp chữa trị cụ thể; tuy vậy có thể dùng bài Tập thành hoàn gia giảm để chữa chứng cam ở các tạng phủ: lô hội 8g; ngũ linh chi 4g, dạ minh sa 4g; trần bì 6g; xuyên khung 8g; xuyên quy 8g; mộc hương 6g; sử quân tử 8g; nga truật 6g; hoàng liên 6g; thịt cóc 12g; thanh bì 6g. Các vị tán nhỏ, trộn với nước mật lợn làm viên. Ngày uống 4 - 6g.
Riêng chứng bệnh cam tẩu mã (nha cam - cam miệng); tỵ cam - cam ở mũi; nhĩ cam - cam ở tai (viêm tai giữa có mủ)… thường dùng thuốc uống kết hợp thuốc bôi xát để điều trị.
TS. Nguyễn Đức Quang