Ngày nay, tỏi vẫn được sử dụng rộng rãi với mục đích phòng và chữa bệnh dưới 3 dạng chủ yếu là tỏi tươi, viên tỏi khô và tinh dầu tỏi.
Trong thành phần của tỏi có rất nhiều các hoạt chất chứa lưu huỳnh như thiosulfinate (allicin), diallyl disulfide và allylpropyl disulfide. Những hoạt chất này được cho là có vai trò quyết định tạo ra mùi thơm và các tác dụng dược lý của tỏi, trong đó, quan trọng nhất là vai trò của allicin.
Điều đáng lưu ý là các hoạt chất này chỉ được hoạt hoá khi củ tỏi được đập dập, nghiền nát hoặc nhai và sẽ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao. Do đó, khi sử dụng tỏi với mục đích y học, không nên để nguyên củ mà cần nhai hoặc nghiền nát và nên ăn sống vì tỏi nấu chín sẽ bị giảm tác dụng. Ngoài ra, do các hoạt chất này kém bền vững trong môi trường dầu nên tác dụng y học của các chế phẩm dầu tỏi cũng bị giảm sút đáng kể (chỉ còn 10 - 30% hoạt tính). Tỏi ngâm lâu ngày trong rượu trắng cũng được chứng minh là không có tác dụng chữa trị bệnh.
Dưới đây là một số công dụng chính của tỏi đối với sức khoẻ con người:
Tác dụng đối với hệ tim mạch
Tỏi đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hạ mỡ máu, hạ huyết áp và giảm ngưng tập tiểu cầu ở người lớn, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim... Cần thận trọng khi dùng đồng thời tỏi với các thuốc chống đông máu và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, cũng nên tránh dùng các chế phẩm từ tỏi khoảng một tuần trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu kéo dài trong và sau phẫu thuật.
Tác dụng chống ung thư
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ăn nhiều tỏi và các loại rau củ thuộc họ allium như hành, hẹ, tỏi tây giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vòm họng.
Tác dụng kháng khuẩn
Tỏi có khả năng kháng lại nhiều chủng vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Trong y học cổ truyền của nhiều dân tộc, tỏi thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở đường tiêu hoá, hô hấp và ngoài da.
Viên tỏi khô cũng được chứng minh có khả năng điều trị và dự phòng một số bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em như cảm cúm, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa. Đắp tỏi tươi tại chỗ có tác dụng khá tốt trong điều trị mụn cơm do virus.
Sử dụng 1-2 nhánh tỏi tươi mỗi ngày ở người lớn sẽ không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể ngoại trừ việc tạo ra mùi khó chịu của hơi thở và mồ hôi.
Ăn một số lượng lớn tỏi tươi, nhất là vào lúc đói có thể gây cảm giác khó chịu, đầy chướng bụng, buồn nôn, ỉa chảy và rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Đắp tỏi tươi có thể gây cảm giác rát bỏng, viêm da và nổi bọng nước tại chỗ. Ngoài ra, việc dùng viên tỏi khô kéo dài có thể gây giảm đường huyết trong một số trường hợp.
Một vài cách sử dụng tỏi thông thường
Phòng và trị cúm: Giã nát 3 tép tỏi, hãm trong 50g nước sôi khoảng nửa giờ. Chắt lấy nước, nhỏ vào mũi mỗi bên khoảng 2 hay 3 giọt, ngày 2 hoặc 3 lần.
Rửa vết thương, chỗ lở loét: Pha loãng 1 phần dịch tỏi và 10 phần nước cất, thêm 2% cồn để bảo quản.
Chữa đau răng: Giã nát 2 tép tỏi trộn với một chút nước ấm. Đợi khoảng 10 phút sau, dùng một que tăm tẩm dịch tỏi thấm đều chung quanh chỗ đau.
Chữa mụn cóc, chai chân: Giã nát 2 tép tỏi, dán gọn vào chỗ bị chai và để qua đêm.
Chữa viêm họng: Giã nát 2 tép tỏi, trộn 1 phần tỏi và 3 phần hành lá, buộc vào huyệt Hợp cốc ở bàn tay. Để qua đêm, dịch tỏi sẽ thấm qua da và kích thích mạnh vào huyệt có tác dụng “tả”để chữa viêm họng. Hành lá có tác dụng làm giảm độ nóng để tránh phồng da. (Úp bàn tay xuống, xoè rộng 2 ngón tay trỏ và ngón tay cái, huyệt hợp cốc nằm trên mặt lưng của bàn tay, ở chỗ lõm giữa 2 xương ngón tay cái và ngón tay trỏ.)
Kiện Tỳ, bổ khí, sinh tinh, chữa áp huyết thấp: Gà hấp cách thuỷ với tỏi. Dùng 1 con gà khoảng nửa ký, 40g tỏi thái mỏng, nửa chén rượu vang, gia vị vừa đủ. Gà làm sạch, bỏ lông và nội tạng. Hấp cách thuỷ, ăn trong ngày. Không dùng cho người thể tạng nhiệt, nóng sốt hoặc đang bị các chứng viêm nhiễm đang phát triển./.