1. Hoàng kỳ - vị thuốc bổ khí, lợi tiểu
Hoàng kỳ (Radix Astragali) là rễ phơi hay sấy khô của cây hoàng kỳ, thuộc họ Đậu Fabaceae.
Cây hoàng kỳ mọc hoang tại Trung Quốc, ưa những nơi đất cát, thoát nước tốt, thường trồng sau 3 năm mới thu hoạch. Cây sau 6-7 năm thì tốt hơn. Đào rễ vào mùa thu, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, phơi hay sấy khô. Vị thuốc có màu vàng.
Theo nghiên cứu của Sở dược thuộc Viện nghiên cứu y học Bắc Kinh, trong hoàng kỳ có cholin betain, nhiều loại acid amin, sacaroza và selenium.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh, trên cơ sở nghiên cứu của tây y, người ta dùng hoàng kỳ để chữa những trường hợp lở loét mạn tính, suy nhược lâu ngày, tăng huyết áp, mạch máu nhỏ dễ đứt vỡ, viêm thận mạn tính với albumin niệu, cơ thể suy nhược hay ra nhiều mồ hôi.
Ngày dùng 8-120g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc cao.
Theo tài liệu cổ hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ; có tác dụng bổ khí, lợi tiểu. Dùng chữa biểu hư sinh ra mồ hôi trộm, tỳ hư sinh đi ngoài phân lỏng, dương hư huyết thoát, thủy thũng, huyết tý (bế tắc kinh mạch khí huyết không lưu thông...).
2. Bài thuốc có hoàng kỳ
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc có hoàng kỳ như sau:
2.1. Hoàng kỳ lục nhất thang (đơn thuốc cổ điển trong đông y)
Dùng chữa toàn thân suy nhược, chân tay mỏi mệt rời rã, miệng khô, tim đập nhanh hồi hộp, mặt xanh vàng không muốn ăn uống, nhiều mồ hôi, sốt: Hoàng kỳ trích mật 6 phần, cam thảo 1 phần (một nửa dùng sống, một nửa sao). Tất cả tán nhỏ. Mỗi lần uống 4-8g bột này, vào sáng, trưa và chiều.
2.2. Hoàng kỳ kiến trung thang
Chữa cơ thể suy nhược, nhiều mồ hôi (ghi trong Kim quỹ phương): Hoàng kỳ 6g, thược dược 5g, quế chi 2g, cam thảo 2g, sinh khương 4g, đại táo 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, trộn thêm một ít mạch nha cho ngọt chia 3 lần uống trong ngày.
2.3. Thập toàn đại bổ
Bồi bổ khí huyết, còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hệ tuần hoàn, giúp thận khỏe - sinh tinh: Đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g, hoàng kỳ 10g, nhục quế 4g.
Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
2.4. Quy tỳ thang
Dùng chữa cho những người thuộc dạng bệnh Tâm Tỳ lưỡng hư. Những người này có các triệu chứng: Hư yếu, thể lực bị giảm sút, sắc mặt kém, thiếu máu, tinh thần bất an, đánh trống ngực dồn dập, hay quên, đêm ít ngủ, lo nghĩ vẩn vơ, hoặc bị sốt, đổ mồ hôi trộm, chân tay mệt mỏi, đại tiện có chiều hướng khó, ở phụ nữ kinh nguyệt thất thường, ở đàn ông thường bị chứng dương nuy, xuất tinh sớm...
Bài thuốc gồm: Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, phục thần 12g, toan táo nhân 12g, long nhãn nhục 8g, đương quy 8g, viễn chí 4g, mộc hương 1,5g, cam thảo 1,5g, gừng tươi 3 lát, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thứ vứt đi của quả vải là vị thuốc quý.