Hà Nội

Bài thuốc chữa bệnh từ cây tầm xuân

28-02-2024 09:47 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Tầm xuân là một loài hoa đẹp, thường được trồng trong sân vườn làm cảnh và cũng được dùng làm hàng rào do thân cây cứng chắc và có nhiều gai nhọn. Ngoài tác dụng trang trí, cây còn được sử dụng với mục đích làm thuốc.

Nhận diện cây tầm xuân làm thuốc

Tầm xuân là một loài thực vật thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae), với tên khoa học là Rosa multiflora. Cây thân bụi, có thể cao đến 2m.

Thân cành nhẵn, vỏ màu nâu nhạt hay xám nhạt, có nhiều gai cong. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 5 lá chét (lá ở gần ngọn có hoa thường có 3 lá chét). Lá chét hình trứng, dài 1,5 – 3cm, rộng 0,8 – 2cm, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mép lá khía răng cưa. Lá kèm rất hẹp, có lông.

Hoa mọc ở ngọn cành thành chùm, lá bắc nhỏ. Hoa có nhiều màu, đỏ, trắng, hồng. Đài hoa có 5 răng hẹp, có phủ lông. Tràng hoa 5 cánh mỏng, rời nhau; nhiều nhị; lá noãn rời nằm trong đế hoa, có lông.

Hoa tầm xuân có nguồn gốc ở vùng ôn đới, sau đó được di thực xuống vùng cận nhiệt và nhiệt đới. Tại Việt Nam, hiện nay cây có thể trồng ở nhiều địa phương để làm cảnh và làm hàng rào quanh các dinh thự, công sở, tuy nhiên chỉ ở những vùng núi cao khoảng 700 – 1500m như Đà Lạt, cây mới cho nhiều hoa.

Nhiều bộ phận của cây được sử dụng làm thuốc như rễ, hoa, lá và quả. Rễ cây được thu hái vào mùa thu, trong khi hoa hái khi mới nở.

tam-xuan6

Hoa tầm xuân có nhiều màu, trắng, hồng, đỏ.

Tính vị của cây tầm xuân

Theo Y học cổ truyền, rễ cây tầm xuân có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong hoạt lạc, giải độc. Hoa tầm xuân có vị đắng, chát, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt hóa trọc, thuận khí, hòa vị.

Rễ cây được dùng trong điều trị trẻ em đái dầm, người già tiểu nhiều lần, các chứng đau nhức xương khớp do phong thấp, rễ cây sao vàng dùng chữa kiết lỵ cấp và mạn tính.

Quả cây được dùng làm thuốc nhuận trường, lợi tiểu, chữa phong thấp nhức mỏi, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh. Trong khi đó, hoa được dùng trị ho, nóng vùng ngực, miệng khát.

Bài thuốc chứa tầm xuân

Một số bài thuốc có sử dụng tầm xuân như sau:

- Chữa tiểu nhiều, tiểu không cầm, trẻ em đái dầm: Rễ tầm xuân 20 – 30g sắc đặc uống trong ngày.

- Chữa kiết lỵ mạn tính.

Bài thuốc 1: Rễ Tầm xuân, vỏ quả lựu, rễ tầm xoọng, vỏ quả chuối hột mỗi vị 20g, sắc uống 2 lần mỗi ngày, dùng trong 3 – 5 ngày.

- Bài thuốc 2: Rễ tầm xuân 20 – 30g thái lát hoặc chặt nhỏ, sao vàng, sắc uống.

romu-BJ

Rễ của cây tầm xuân thường được dùng làm thuốc chữa bệnh.

- Chữa đau nhức xương khớp do phong thấp

- Bài thuốc 1: Rễ tầm xuân, cây vú bò, ngưu tất, dây chiều, rễ thanh táo, hà thủ ô, cẩu tích, mỗi vị 20g, sắc uống.

- Bài thuốc 2: Rễ tầm xuân 12g, khúc khắc, rễ gấc, rễ tầm xoọng mỗi vị 10g, sắc uống.

Các nghiên cứu dược lý cho thấy toàn cây tầm xuân có chứa nhiều hoạt chất chủ yếu thuộc các nhóm flavonoid và tannin. Các hợp chất này cũng lý giải cho vị đắng, chát và các tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm và giảm đau của cây.

Một bài thuốc có tên "Cao thấp khớp" bao gồm rễ tầm xuân, thổ phục linh, huyết giác, lá lốt, bưởi bung, dây đau xương, hoàng nàn chế, kê huyết đằng, ngưu tất, tầm xoọng, xuyên tiêu đã được thử lâm sàng cho thấy kết quả cải thiện tình trạng đau xương khớp trên bệnh nhân mà không làm thay đổi số lượng các dòng tế bào máu cũng như không ảnh hưởng đến chức năng gan thận.

Lưu ý cần thiết về cây tầm xuân

Cây tầm xuân sở hữu nhiều hoạt tính sinh học đa dạng đã được chứng minh từ các nghiên cứu trên động vật và cả trên người. Tuy nhiên, do cây thuốc có tính hàn, việc sử dụng lâu dài cây tầm xuân làm thuốc có thể gây tổn thương tỳ vị với các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau lạnh bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng, tiêu phân sống… Vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng tầm xuân làm thuốc, mà cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền.

Tại Việt Nam, vào mỗi dịp Tết nguyên đán, có một loại cây thường được bày bán với tên gọi là nụ tầm xuân. Thật ra, đây là một loài thực vật khác, còn gọi là cây Liễu tơ, cây có tên khoa học là Salix caprea, thuộc họ Liễu Salicaceae.

Theo tra cứu các tài liệu về y học cổ truyền, hiện chưa thấy sử dụng cây này với mục đích y khoa tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại một số quốc gia như Ấn Độ, người ta sử dụng vỏ thân cây làm thuốc giảm đau và hạ sốt. Giống với các cây khác thuộc họ Liễu, vỏ thân cây liễu tơ cũng chứa một lượng lớn salicin, một chất có quan hệ gần gũi với thuốc kháng viêm aspirin và có tác dụng tương tự thuốc này.

nu-tam-xuan-la-hoa-gi-cach-cam-nu-tam-xuan-trang-tri-tet-dep-sang-trong-202112242101429965

Nụ tầm xuân thường dùng trang trí dịp Tết không có tác dụng chữa bệnh.

Mời bạn xem tiếp video:

Cách ăn bánh chưng để không tăng cân dịp Tết | SKĐS


ThS. BS. Dương Phan Nguyên Đức
Bộ môn Dược học cổ truyền – Khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM
Ý kiến của bạn