Bài thuốc chữa bệnh ngoài da do lạnh

SKĐS - Do tác động của không khí lạnh, có một số bệnh ngoài da xuất hiện, rồi lại tự khỏi trong mùa Hè và lại tái phát vào mùa Đông năm sau…

Theo Đông y, bệnh ngoài da do lạnh hay gặp ở người thể chất hư hàn, chịu lạnh kém, nữ giới, trẻ nhỏ và những người khí huyết suy nhược, chức năng thần kinh thực vật bị rối loạn.

Ban đầu bệnh phát sinh có thể ở đầu mũi, hai má, vành tai, dái tai, ngón tay, ngón chân, nói chung ở những vùng da hở. Da trắng nhợt hoặc tấy đỏ, có cảm giác đau rát, ngứa, hoặc tê bì.

- Bệnh nhẹ, khoảng vài ngày sẽ tự khỏi tùy thuộc vào mức độ và thời gian chịu lạnh.

- Bệnh nặng, cơ chế chủ yếu do da chịu tác động của khí lạnh, các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông kém, gây thiếu ô-xy ở vùng da cần nuôi dưỡng gây tê bì, phù nề, tấy đỏ, đôi khi có mụn nước hoặc chảy máu, đau ngứa hoặc mất cảm giác.

photo-1700539898909

Do tác động của không khí lạnh, xuất hiện hiện tượng sẩn ngứa da.

Theo Đông y, để khắc phục chứng bệnh về da do lạnh nên sử dụng những vị thuốc có tính ấm để điều hòa khí huyết, ôn thông kinh mạch giúp bồi bổ khí huyết tăng sức chịu lạnh của cơ thể phòng bệnh trở nặng.

1. Một trong số bài thuốc uống trị bệnh ngoài da do lạnh

- Bài 1: Đương quy, quế chi, thược dược, cát căn, lượng bằng nhau, mỗi vị 12g; thông thảo 8g, tế tân 3g, cam thảo 5g, đại táo 6g, đường đỏ lượng thích hợp.

Cách dùng: Các vị thuốc sắc lấy nước, hòa thêm đường, chia thành 2 phần uống trong ngày, uống ấm; liên tục 7 ngày là 1 liệu trình.

Công dụng: Ôn kinh hoạt huyết thông mạch. Dùng chữa bệnh ngoài da do khí lạnh gây nghẽn tắc kinh lạc.

photo-1700539899995

Nhục quế, vị thuốc tăng sức chịu lạnh của cơ thể phòng bệnh về da do lạnh

- Bài 2: Quế chi, xích thược, bạch thược, lượng bằng nhau, mỗi vị 10g; cam thảo 6g, sinh khương 6g, đại táo 12g, rượu trắng 50ml.

Cách dùng: Các vị thuốc sắc lấy nước, hòa thêm rượu, chia thành 2 phần uống trong ngày, uống ấm; đồng thời dùng bã thuốc đắp vào chỗ da bị bệnh; mỗi liệu trình 7 ngày.

Công dụng: Hoạt huyết thông mạch. Dùng chữa bệnh ngoài da do khí lạnh gây nghẽn tắc kinh lạc.

Bài 3: Nhục quế 10g, khiếm thực 12g, toan táo nhân (sao) 10g.

Cách dùng: Các vị thuốc sắc lấy nước, chia thành 2 phần uống trong ngày, uống ấm; liên tục 7 ngày.

Công dụng: Ích khí bổ huyết cường tinh. Dùng chữa bệnh ngoài da do không khí lạnh gây khí huyết kém điều hòa.

2. Món ăn thuốc hỗ trợ trị bệnh 

- Thành phần: Hoàng kỳ 30g, đương quy 10g, sinh khương 10g, dương nhục 500g.

- Cách dùng: Hoàng kỳ và đương quy bọc trong túi lụa; thịt dê (dương nhục) thái miếng; gừng thái lát, tất cả cho vào nồi gốm, thêm lượng nước thích hợp, nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa đến khi thịt dê chín nhừ; bỏ túi thuốc ra, thêm gia vị, chia ra làm thức ăn trong ngày.

- Công dụng: Ôn trung tán hàn, bổ khí ích huyết. Dùng chữa bệnh ngoài da do không khí lạnh gây khí huyết bất túc.

Lưu ý: Khi bệnh mới phát, thấy da có cảm giác tê bì, đau, ngứa, cần chú ý giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ nhiệt lượng và chất dinh dưỡng. Trong thời gian phát bệnh, không ăn các thức ăn sống, lạnh như như kem, dưa hấu, dưa muối, trà đá, bia ướp đá... Ăn nhiều rau xanh và các loại đậu.

Do dược tính của thuốc Đông y, việc sử dụng các phương thuốc nội trị nói trên cần tiến hành nhiều thời gian (đủ liệu trình). Người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y học cổ truyền uy tín; tuân thủ dùng thuốc trong suốt quá trình điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Mời bạn xem thêm video

Giảo cổ lam - “Khắc tinh” của bệnh tiểu đường | SKĐS

BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn