Bài thuốc chữa bệnh hàn cước khí

SKĐS - Hàn cước khí thuộc âm dương bệnh trong bệnh thương hàn. Nguyên nhân là do sau khi sinh hoạt tình dục không nghỉ ngơi...

Hàn cước khí thuộc âm dương bệnh trong bệnh thương hàn. Nguyên nhân là do sau khi sinh hoạt tình dục không nghỉ ngơi, lại vội ra sương gió khiến cho khí hàn thấp nhiễm vào chân, hai chân tê lạnh dần dần hóa ra đau đớn mà thành bệnh hàn cước khí.

Người bệnh có biểu hiện sợ lạnh, chỉ muốn gần lửa hoặc mặc ấm luôn, hai chân giá lạnh, đi lại khó khăn, không sưng không nóng, cấu vào thì không biết đau, thỉnh thoảng bên trong nhức buốt, miệng không khát, đại tiện lỏng nát, mạch trì, sác. Bệnh này không chữa ngay sẽ phát sinh chứng ẩu thổ và trường mãn, trên trán và quầng mắt đều biểu hiện sắc đen, tinh thần mê man, nói năng lảm nhảm, đó là biểu hiện của thủy khắc hỏa và “cước khí xung tâm” rất nguy hiểm.

Nhục quế (vỏ thân cây quế) - một vị thuốc chữa hàn cước khí.

Phương pháp trị liệu: Bệnh hàn cước khí đủ các chứng trạng: chân không nhức, không nóng, cấu vào không biết đau, đại tiện lỏng nát, mạch tượng trì, sác… cho uống bài “Ô phụ nhục quế thang”: ma hoàng 8g, phụ tử 12g, thược dược 12g,  cam thảo 8g, ô đầu 12g, nhục quế 8g, hoàng kỳ 12g. Đun ô đầu với 3 bát nước mật (theo tỷ lệ ¼ của mật ong và nước l), cạn còn 1 bát thì bỏ ô đầu ra, thêm 3 bát nước và các thuốc khác vào quấy đều, đun lấy 1 bát, bỏ bã, chia uống 3 lần.

Nếu tới thời kỳ phát sinh chứng ẩu thổ và suyễn mãn, tinh thần mê man, nói năng lảm nhảm… cho uống bài “Gia vị thù du mộc qua thang”: ngô thù du 4g, binh lang 12g, ô đầu 12g, mộc qua 6g, sinh khương 12g. Các vị đun với 3 bát nước, cạn còn 1 bát, bỏ bã, uống 1 lần. Dùng ngải nhung để cứu ở huyệt quan nguyên cho dẫn khí giáng xuống. Vị trí huyệt quan nguyên: Từ rốn đo thẳng xuống 3 tấc, hoặc đặt lòng bàn tay ngay dưới rốn, huyệt ở ngón tay thứ tư dưới rốn.

Sau khi người bệnh đã tỉnh táo, cần uống tiếp ngay bài “Giảm vị ô phụ nhục quế thang”: phụ tử 12g, thược dược 12g,  cam thảo 8g, ô đầu 12g, nhục quế 8g, hoàng kỳ 12g. Đun ô đầu với 3 bát nước mật, cạn còn 1 bát thì bỏ ô đầu ra, thêm 3 bát nước và các thuốc khác vào quấy đều, đun lấy 1 bát, bỏ bã, chia uống 3 lần.

Bệnh hàn cước khí sau khi đã khỏi nhưng bệnh nhân cứ đến sáng sớm thì đại tiện lỏng nát và tinh thần mệt mỏi, đó là do dương khí ở tỳ, thận đều hư nên cho uống bài “Phụ tử lý trung thang”: phụ tử 8g, bạch truật 10g, cam thảo 10g, can khương 10g, nhân sâm 10g. Đun các vị với 3 bát nước, cạn còn 1 bát, bỏ bã, uống làm 1 lần. Gia giảm: muốn cho dẫn thuốc vào can thì gia mộc qua 10g; muốn dẫn vào tỳ thì thêm bạch truật thành 12g; muốn vào phế, gia tang bạch bì 10g; muốn dẫn vào tâm thì gia phục linh 10g; bụng đau nhiều thì gia mộc hương 6g; khát nước và hạ lợi, gia thêm bạch truật thành 20g; nếu mệt mỏi chỉ muốn nằm, gia thêm phụ tử thành 12g; bụng đầy thì giảm bỏ vị cam thảo; nếu nôn ọe thì giảm bỏ bạch truật, gia thêm khương chấp (nước ép gừng tươi) 1 thìa và bán hạ 12g; dưới rốn có động khí thì giảm bỏ bạch truật, gia thêm quế tâm 8g; tâm hạ quý gia phục linh 12g; hàn tích kết hung, gia chỉ thực 10g.


Lương y: Thảo Nguyên
Ý kiến của bạn
Tags: