Dung dịch axit này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản của người bệnh. Rất nhiều người có triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản với các mức độ khác nhau. Từ mức độ nhẹ xảy ra một lần một tuần, hoặc trào ngược axit trung bình đến nặng xảy ra ít nhất ≥từ 2 lần tuần.
Các triệu chứng thường gặp là
- Ợ nóng : cơn nóng rát ở ngực, bắt đầu từ phía sau xương ức và di chuyển về phía cổ, họng. Ợ nóng nhiều hơn khi cúi gập người và khi nằm.
- Cảm giác thức ăn hoặc nước trào ngược lên cổ họng hoặc miệng, đặc biệt là khi cúi hoặc nằm xuống. Điều này có thể để lại vị đắng (do trào ngược dịch mật) hoặc vị chua (do trào ngược dịch vị) trong miệng.
- Một số triệu chứng ít phổ biến hơn, bao gồm đau họng dai dẳng, khàn tiếng, ho mạn tính, khó nuốt hoặc nuốt đau, hen suyễn, đau ngực không giải thích được, hơi thở hôi, cảm giác một khối u trong cổ họng.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày - thực quản: Có các nguyên nhân từ thực quản, từ dạ dày và các ảnh hưởng từ cơ quan khác trong cơ thể.
Nguyên nhân do thực quản: Suy cơ thắt dưới thực quản: Các yếu tố gây suy cơ thắt thực quản: Rối loạn nhu động thực quản, giảm tiết nước bọt (hút thuốc lá...), các thuốc kích thích thụ cảm, ức chế , kháng tiết choline, theophylline, các chất cafein, rượu, thuốc lá, chocolate hay thức ăn nhiều mỡ; thoát vị hoành.
Nguyên nhân tại dạ dày: Ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày (viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị... làm cho các chất trong dạ dày chậm lưu thông xuống ruột từ đó làm tăng áp lực trong dạ dày). Áp lực ổ bụng tăng đột ngột: Khi ho, hắt hơi hoặc gắng sức cũng có thể là nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản.
Một số nguyên nhân khác: Stress làm tăng tiết cortisol (cortisol làm tăng axit trong dạ dày), stress làm rối loạn nhu động thực quản. Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính axit (cam, chanh...) khi đói, ăn đồ ăn nhanh, chiên rán...; béo phì; có thai; lạm dụng thuốc kháng sinh…
Những yếu tố bẩm sinh: Cơ thắt thực quản dưới yếu, bệnh nhân bị sa dạ dày, hay có thoát vị cơ hoành, chấn thương tai nạn... Ở trẻ nhỏ là sinh lý bình thường với triệu chứng điển hình là nôn trớ.
Theo y học cổ truyền, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có các triệu chứng thuộc chứng vị quản thống. Bệnh sinh do 2 nhóm nguyên nhân:
- Ngoại nhân: Hàn, thấp tà. Hàn tà, ăn thức ăn sống lạnh làm cho vị bị hàn, gây đau thường thấy biểu hiện tỳ vị hư hàn.
- Nội nhân: Ẩm thực thất điều (ăn đồ sống lạnh, ăn uống thất thường...); tình - chí uất kết (lo lắng, suy nghĩ, tức giận thái quá kéo dài). Ăn uống thất thường, ăn nhiều thức béo ngọt làm thấp nhiệt sinh ra ở vị hoặc thức ăn không tiêu hóa được tích lại gây đau, biểu hiện đau do nhiệt hoặc thực tích, trùng tích. Hàn tà, hoặc thấp nhiệt, hoặc ăn uống thất thường lâu ngày làm cản trở công năng của tỳ vị, can mộc tương thừa mà sinh bệnh, lâu ngày khí huyết suy kém đưa đến tỳ vị hư hàn; Do tình chí thất điều (tức giận, buồn bực thái quá kéo dài) làm việc sơ tiết của can khí bị rối loạn. Can khí hoành nghịch làm vị hoặc trệ hoặc nghịch không thông; gây ra đau biểu hiện can vị bất hòa hoặc can khí phạm vị.
Như vậy dù phát sinh là nguyên nhân nào, cũng dẫn đến vị, can, tỳ bị tổn thương. Các tạng này ảnh hưởng lên nhau phối hợp với nguyên nhân gây bệnh và thể trạng - cơ địa của người bệnh:
Các bệnh cảnh lâm sàng và điều trị
1. Đau thượng vị do hàn tà: Cảm nhiễm ngoại hàn hoặc ăn thức ăn sống lạnh.
Pháp trị: Tán hàn chỉ thống.
Bài thuốc: Lương phụ hoàn (cao lương khương, hương phụ); bán hạ hậu phác thang (bán hạ, hậu phác, tử tô, phục linh, sinh khương).
2. Đau thượng vị do thức ăn đình trệ:
Pháp trị: Tiêu thực đạo trệ.
Bài thuốc: Tiêu thực thang (vỏ bối, trần bì, la bặc tử, chỉ thực, vỏ rụt).
3. Can khí phạm vị (can vị bất hòa).
Khí uất:
Pháp trị: Sơ can lý khí.
Bài thuốc: Điều khí thang (hương phụ, thanh bì, vỏ rụt, chỉ xác, ô dược, trần bì); bình vị tán (thương truật; trần bì, hậu phác; cam thảo); sài hồ sơ can tán (sài hồ, thược dược, chỉ xác, hương phụ, cam thảo, xuyên khung).
Hỏa uất:
Pháp trị: Sơ can, tiết nhiệt, chỉ thống.
Bài thuốc: Tiêu dao tán gia vị (sài hồ, đương quy, bạch truật, bạch thược, bạch linh, chích thảo, gia thêm uất kim, hương phụ); hoàng cầm thang gia giảm (hoàng cầm, thược dược, cam thảo, đại táo).
Tỳ vị hư hàn:
Pháp trị: Ôn trung tán hàn, chỉ thống.
Bài thuốc: Hương sa lục quân (đảng sâm, bạch truật, bạch linh; cam thảo; trần bì; bán hạ; mộc hương; sa nhân); huỳnh kỳ kiến trung thang (hoàng kỳ, sinh khương, cam thảo; hương phụ, quế chi, bạch thược, đại táo, cao lương khương, di đường).
Một số bài thuốc nam thường dùng
- Bài thuốc nam: Hương phụ (cỏ cú): 08g; cúc tần 8g; thủy xương bồ (bồ bồ) 8g; mã đề 12g; nghệ vàng 6g. Trên lâm sàng có tác dụng làm giảm cơn đau nóng rát ợ chua.
- Mai mực 40g; cam thảo 24g; bối mẫu 12g.
- Đởm kim hoàn: Bột nghệ 32%; bột trần bì 32%; bột mật heo 32%; thỏ ty tử 4%.