1. Chức năng và vai trò của tỳ vị
Theo Sách Nội kinh: Tỳ là nơi đảm nhiệm nguồn dinh dưỡng nuôi cơ thể. Lý Đông Viên, đã xây dựng học thuyết tỳ vị tổng kết rằng: Tỳ vị là nguồn gốc phát triển của cơ thể, tỳ vị bị tổn thương thì trăm bệnh phát sinh...
Vị tương đương với dạ dày, tỳ tương đương với các tuyến tiêu hóa, từ các tuyến nước bọt cho tới gan, tụy và ruột non.
Theo Đông y, tỳ đi lên là thuận, tỳ bệnh sinh rối loạn tiêu hóa gây đại tiện lỏng. Vị đi xuống là thuận, khi đau dạ dày vị khí đi nghịch lên gây nôn, ợ chua. Vị ưa đồ mát, ăn nhiều cay nóng sinh lở miệng, gọi là chứng vị nhiệt. Tỳ ưa đồ ấm nóng, nếu ăn phải đồ lạnh hoặc để lạnh bụng sinh ra chứng tỳ hư hàn, đại tiện lỏng, sống phân.
Trong Đông y, tỳ vị có vai trò quan trọng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Tỳ hư yếu, ăn uống kém, mệt mỏi kéo dài... Tỳ khỏe thì cơ thể khỏe mạnh.
Nhân sâm điều trị tỳ khí hư nhược, ăn uống kém.
2. Các vị thuốc tác dụng vào hệ tiêu hóa
- Nhân sâm: Tăng cường sức khỏe, cường tim, hạ đường máu, tăng tiết nội tiết tố sinh dục, bảo vệ gan, giải độc...
- Hoàng kỳ: Nâng cao khả năng miễn dịch, lợi tiểu, bảo vệ gan, kháng khuẩn...
- Bạch truật: Tăng chuyển hóa, chống viêm, hạ đường máu, bảo vệ gan, ức chế tế bào ung thư...
- Cam thảo: Chống viêm, chống co thắt ống tiêu hóa, lành vết loét tiêu hóa, bảo vệ gan, giải độc, tăng khả năng miễn dịch...
Một số vị thuốc khác như: Trần bì, sa nhân, hậu phác, mộc hương... chứa tinh dầu, ấm nóng, có tác dụng kháng khuẩn, tăng tiết dịch tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột.
3. Bài thuốc cổ phương cải thiện hệ tiêu hóa
3.1.Bài Tứ quân tử thang
Thành phần: Nhân sâm 16g; bạch linh 16g, bạch truật 16g; cam thảo 12g.
Cách dùng: Nhân sâm bỏ cuống, cam thảo chích, phục linh bỏ vỏ. Các vị trên + nước 1800ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Ngày sắc 1 thang, uống chia đều làm 3 lần.
Công dụng: Cam ôn ích khí kiện tỳ dưỡng vị. Chữa các chứng tỳ vị khí hư vận hóa kém, ăn kém, tứ chi vô lực, tiếng nói nhỏ yếu, da trắng nhợt, mạch tế.
Phương giải bài thuốc: Nhân sâm đại bổ nguyên khí, kiện tỳ dưỡng vị. Bạch truật khổ ôn kiện tỳ táo thấp. Phục linh, bạch truật tăng tác dụng kiện tỳ trừ thấp, thúc đẩy quá trình vận hóa. Cam thảo chích cam ôn điều hòa trung tiêu.
Gia giảm bài thuốc: Nếu ngực bụng khó chịu, hoặc nôn hoặc tiêu lỏng gia: Trần bì để lý khí hòa vị gọi là "Dị công tán". Nếu đàm thấp có các chứng: Không muốn ăn, buồn nôn, nôn, hoặc ho có đờm gia trần bì, bán hạ để chỉ nôn gọi là Lục quân tử thang. Nếu hàn thấp trệ ở trung tiêu có các chứng: Ăn kém, bụng trên căng đầy, đau nôn, đại tiện lỏng gia hương phụ (nay dùng mộc hương), sa nhân để lý khí chỉ thống gọi là "Hương sa lục quân tử thang".
Bài thuốc cổ phương cải thiện hệ tiêu hóa
3.2. Bài lục thần tán
Thành phần: Nhân sâm 12gam, bạch truật 16gam, phục linh 16gam, cam thảo 8gam, biển đậu 12gam, hoàng kỳ 12gam.
Cách dùng: Nhân sâm bỏ cuống, cam thảo chích, phục linh bỏ vỏ. Các vị trên + sinh khương 3 miếng, đại táo 3 quả và nước 1800ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 3 lần.
Công dụng: Bổ tỳ, ích khí, dưỡng vị. Chữa các chứng tỳ vị hư nhược, khí huyết bất túc, ăn uống kém, người gầy yếu, mệt mỏi, mình nóng, bụng đầy kém tiêu, mạch vi tế.
Phương giải bài thuốc: Nhân sâm cam ôn để đại bổ nguyên khí, kiện tỳ dưỡng vị. Bạch truật khổ ôn kiện tỳ táo thấp. Phục linh, bạch truật tăng tác dụng kiện tỳ trừ thấp, thúc đẩy quá trình vận hóa. Cam thảo chích tính cam ôn để điều hòa trung tiêu. Biển đậu bổ tỳ chỉ tả. Hoàng kỳ bổ khí kiện tỳ. Đại táo dưỡng vị hòa trung. Sinh khương tân khai chỉ nôn trợ tỳ vị, kiện vận giúp quá trình tiêu hoá.
3.3. Bài sâm linh bạch truật tán
Thành phần: Nhân sâm 200gam, bạch linh 200gam, bạch truật 200gam, cam thảo 200gam, bạch biển đậu 100gam, liên nhục 100gam, hoài sơn 200gam, cát cánh 100gam, ý dĩ 100gam, sa nhân 100gam.
Cách dùng: Bạch biển đậu tẩm sinh khương trấp, vi sao, nhân sâm bỏ cuống, cam thảo chích, cát cánh sao vàng. Các vị sao giòn tán mịn tinh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15gam với nước đại táo. Trẻ em tùy tuổi cho liều thích hợp.
Công dụng: Bổ khí kiện tỳ, hòa vị thẩm thấp. Chữa các chứng tỳ vị hư nhược ăn uống kém tiêu hoặc thổ hoặc tả, chân tay vô lực, người gầy, mạch hư.
Phương giải bài thuốc: Biển đậu, hoài sơn, liên nhục có tác dụng bổ tỳ. Sa nhân ôn trung, hòa vị lý khí. Ý dĩ lý tỳ thẩm thấp. Cát cánh dẫn thuốc vào phế tăng cường công năng ích khí. Bài thuốc được kết cấu từ bài Tứ quân gia vị. Tứ quân cam ôn ích khí kiện tỳ dưỡng vị.
Mời bạn xem thêm video
Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà