Bài thuốc bổ phế dưỡng tâm

SKĐS - Theo Đông y, “Cái thần của 5 tạng đều thuộc về tâm (tim), khi tâm lo lắng thì phế (phổi) phản ứng theo. Nếu lo lắng nhiều thì dương khí căng thẳng, dinh khí và vệ khí ngày càng hao mòn làm liên lụy đến phế.

Trong Đông y tâm chứa thần, phế chứa khí, đó là hai tạng dương, nếu vui quá, hoặc buồn quá đều làm thần khí hao tán, tinh thần kiệt quệ... “.

Nguyên nhân thường do nội thương mệt nhọc, hoặc tâm và phế mắc bệnh kéo dài làm công năng của hai tạng tâm và phế đều suy nhược, dẫn đến phế khí bất túc, tâm khí hao tổn. Hoặc do các tạng khác mắc bệnh liên lụy đến hai tạng này mà sinh bệnh.

Điều trị: Bổ phế dẹp suyễn ích khí dưỡng tâm.

Bài thuốc Bổ phế thang gia giảm: nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, tử uyển 8g, thục địa 16g, ngũ vị tử 4g, tang bạch bì 12g.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.

Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm các vị khác như sau:

Tâm phế khí hư mắc chứng hư lao: Do tâm phế khí hư dẫn đến tông khí (khí của thức ăn đồ uống kết hợp với khí trời để sinh ra khí và huyết) không đủ, khí không thúc đẩy được huyết vận chuyển làm tim mạch vô lực mà sinh bệnh.

Biểu hiện: Bệnh nhân đoản hơi, hồi hộp, tiếng nói nhỏ, mặt nhợt nhạt, tự ra mồ hôi, đêm ngủ không yên, hay mỏi mệt, sức yếu, ho thở gấp.

Điều trị: Bổ ích khí của tâm phế.

Bài thuốc Bảo nguyên thang phối hợp với Bổ phế thang gia giảm: nhân sâm 12g, nhục quế 6g, hoàng kỳ 12g, chích thảo 4g.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Tâm phế khí hư sinh ra chứng toát mồ hôi. Mồ hôi là dịch của tâm. Phế hợp với bì mao, khi tâm phế khí hư, bì mao đóng không kín, dịch của tâm tiết ra ngoài sinh ra chứng toát mồ hôi.

Biểu hiện: Bệnh nhân ra mồ hôi, sợ gió, hoặc ra mồ hôi mà tâm hồi hộp, ngủ không yên, hay cảm mạo, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

Bài thuốc bổ phế dưỡng tâmNhân sâm là vị thuốc có mặt trong các bài thuốc bổ phế, ích khí, dưỡng tâm.

Điều trị: Dưỡng tâm, ích khí cố biểu.

Bài thuốc Ngọc bình phong tán phối hợp với bài Quế chi cam thảo thang: hoàng kỳ 12g, phòng phong 8g, bạch truật 12g, quế chi 8g, cam thảo 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp.

Cách dùng: Ngày 1 một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, sau khi ăn.

Tâm phế khí hư sinh chứng run tay run chân hoặc co giật: Bệnh nhân thể trạng hư yếu, hay mệt mỏi, trí tuệ không minh mẫn, thường do khí của tâm phế thoát ra ngoài, hoặc hãm xuống dưới.

Biểu hiện: Bệnh nhân đoản hơi, thở ngắt quãng, ra mồ hôi, tay chân lạnh, sắc mặt trắng nhợt, có khi bị ngất xỉu.

Điều trị: Ích khí cố thoát.

Bài thuốc Tứ vị hồi dương ẩm: nhân sâm 20g, phụ tử chế 8g, bào khương 12g, cam thảo 6g. Có thể gia thêm một số vị cho thích hợp với từng bệnh nhân.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.


BS. Minh Đức
Ý kiến của bạn