1.Các biểu hiện ho do đàm thấp
Theo y học hiện đại ho có nhiều nguyên nhân như viêm họng, mũi xoang, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, lao, các bệnh về phổi, huyết áp…
Ho do đàm thấp phần nhiều do phế tỳ đàm ũng trệ. Biểu hiện ho đờm nhiều, thở mệt, khò khè, hông ngực buồn, đầy tức, chán ăn, mệt mỏi, lưỡi trắng nhợt, mạch hoạt.
Dưới đây là bài thuốc cổ phương gia giảm thường dùng:
2. Bài thuốc
-Thành phần bài thuốc gia giảm: Trần bì 12g, hậu phác 12g, thương truật 12g, cam thảo 6g.
-Cách dùng: Các thuốc tán bột mịn mỗi lần uống 12g với nước sắc gừng 2 lát, táo 2 quả. Có thể dùng làm thuốc thang sắc uống, theo phương, lượng gia giảm.
-Công dụng: Táo thấp kiện tỳ.
-Chủ trị: Tỳ vị không hòa không muốn ăn uống, bụng chướng đầy đau, nôn, ợ hơi nuốt chua, hoặc trong miệng nhạt chán, lười chỉ muốn nằm, thân thể nặng nề, khớp xương đau, đại tiện chảy, lưỡi trắng nhờn mà rêu dày.
-Dẫn giải phương thuốc: Thương truật kiện tỳ táo thấp là chủ dược, hậu phác trừ thấp giảm đầy hơi, trần bì lý khí hóa trệ, sinh khương, đại táo, cam thảo điều hòa tỳ vị.
-Ứng dụng lâm sàng và gia giảm: Trên lâm sàng dùng chữa chứng tỳ vị thấp trệ có triệu chứng đầy bụng, miệng nhạt, nôn, buồn nôn, chân tay mệt mỏi, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhớt dày.
-Nếu thấp nhiệt nặng gia hoàng cầm, hoàng liên.
-Nếu thực tích bụng đầy, đại tiện táo kết gia đại phúc bì, la bạc tử, chỉ xác để hạ khí thông tiện.
-Nếu bên trong thấp trệ, thêm ngoại cảm, triệu chứng có nôn, bụng đầy, sốt sợ lạnh, gia hoắc hương, chế bán hạ để giải biểu hóa trọc.
-Nếu sốt rét (thấp ngược) mình mẩy nặng đau, mạch nhu, lạnh nhiều nóng ít, dùng bài này hợp "Tiểu sài hồ thang" để trị.
Bài này gia tang bạch bì gọi là bài "Đối kim ẩm tử" trị chứng tỳ vị thấp, người nặng da phù.
Trên lâm sàng còn dùng bài này trị viêm dạ dày mạn tính, đau dạ dày cơ năng, bụng đầy, ăn kém, rêu lưỡi trắng dày.
Chú ý: Bài thuốc vị đắng cay, ôn táo dễ tổn thương tân dịch, âm huyết, nên dùng thận trọng đối với phụ nữ có thai.
-Phụ phương:
+ Trị ho do đờm thấp, tỳ thấp phối hợp bài 'Ngọc trúc ẩm trương thị y thông'. Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Ngọc trúc 12g, cát cánh 10g, phục linh 14g, quất bì 12g, sinh khương 16g, tế tân 8g, xuyên bối mẫu 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng trị ho suyễn đờm dãi nhiều, bụng ngực đầy chướng do hỏa.
+ Trị ho do đờm thấp, tỳ thấp phối hợp bài 'Định suyễn thang nhiếp sinh' gia giảm. Thành phần bài thuốc gồm: Ma hoàng 12g, tang bạch bì 12g, hạnh nhân 8g, tô tử 8g, bán hạ 12g, bạch quả 10g, hoàng cầm 12g, khoản đông hoa 12g, cam thảo 4g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng: Giáng khí bình suyễn, ôn hóa đàm thấp, thanh nhiệt.
Để phòng các chứng ho khi thời tiết chuyển mùa, cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh ở nơi gió lùa. Mặc quần áo đủ ấm, tránh để lạnh các vùng như ngực, cổ, bàn chân… để tránh cơ thể bị cảm nhiễm. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong tiết trời giao mùa bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và vận động thể chất phù hợp, chế độ sinh hoạt điều độ…
Lưu ý: Bài thuốc trên chỉ có tính tham khảo. Mọi người cần có sự thăm khám của bác sĩ để có hướng điều trị cụ thể. Tránh tự ý dùng thuốc có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tai biến mạch máu não gia tăng ở người trẻ: Làm thế nào để phát hiện sớm?