Mùa xuân năm 1971, binh nhì Nguyễn Quốc Triệu ra trận với khí thế hăng hái của tuổi 20. Chàng trai Kinh Bắc không biết mình sẽ vào mặt trận nào? Đôi khi trái tim mơ mộng của anh bâng khuâng một cách học trò rằng không biết trong ấy có hoa sim không nhỉ. Và anh em trong đơn vị, kể cả mấy chàng trai miền quan họ đồng ngũ cũng không ai biết rằng trong ba lô của Triệu có cuốn sổ nhỏ chép bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Té ra anh chàng mê mẩn bài thơ này đến nỗi dù đã thuộc làu làu nhưng vẫn chép vào sổ tay mang ra trận. Hữu Loan với Màu tím hoa sim hồi ấy đâu có được phổ cập. Không biết bằng cách nào mà nhiều chàng trai, cô gái vừa qua tuổi ô mai trường huyện lại thuộc Màu tím hoa sim và "bí mật" chép cho nhau và đọc cho kỳ thuộc. Màu tím hoa sim bám riết binh nhì Nguyễn Quốc Triệu. Anh hay ngâm nga mỗi chặng nghỉ ven rừng, bên suối:
Nàng có ba người anh đi
bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Tôi người vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình thương
em gái
Thích thì ngâm nga vậy thôi chứ đâu có nàng nào. Cũng như nhiều chàng trai trong đơn vị hầu hết đều chưa có mảnh tình vắt vai. Vậy mà anh vẫn mơ hoài một bóng hoa sim trên những nẻo đường hành quân... Và anh ngâm thầm những lời thơ da diết:
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong
chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt...
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đọc Màu tím hoa sim cho nhà thơ Hữu Loan nghe. Ảnh: Trần Đình Thảo |
Thoáng chốc im tiếng súng, anh nhẩm lại lời thơ:
Ráng vàng ma và sừng rúc
điệu
quân hành
Vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh
Vào thăm thẳm chiều hoang
màu tím...
Và cũng có đôi lần anh nhớ tới câu thơ không muốn nhớ:
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại...
Không, nhất định mình sẽ trở lại và sẽ đến thăm Hữu Loan, nhà thơ của Màu tím hoa sim. Anh Triệu nhủ lòng như vậy.
Vậy mà phải 38 năm kể từ những ngày máu lửa ấy, anh binh nhì Nguyễn Quốc Triệu, người Kinh Bắc ở Quảng Trị ấy, nay là Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế, mới thực hiện được tâm niệm khi đọc và thuộc những câu thơ tình yêu, tình vợ chồng trong chiến tranh hay bậc nhất của thi đàn Việt Nam ở chiến trường: gặp nhà thơ Hữu Loan. Cuộc viếng thăm của một cựu chiến binh Quảng Trị với nhà thơ Vệ quốc đoàn đúng vào dịp 60 năm bài thơ Màu tím hoa sim ra đời và những người lính Cụ Hồ vừa kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Người lính trẻ năm nào nắm chặt bàn tay gầy guộc của nhà thơ vừa bước sang tuổi 95 để thăm hỏi, chúc tụng và nói về hoa sim tím...
Nước mắt ngày gặp mặt
Bó hoa tặng nhà thơ Hữu Loan của người cựu chiến binh Nguyễn Quốc Triệu không có hoa sim tím bởi lẽ bây giờ đã thất mùa và ít dần đi những đồi hoa. Và nhà thơ của chúng ta cũng không ngồi dậy được để nhận hoa. Ông bị ốm mấy bữa rồi. Ông nằm đó, mệt nhọc, hom hem, da bọc xương. Mấy chuyên gia y tế và cánh phóng viên chương trình O2TV trong đoàn nhìn ông ái ngại, lo cho sức khỏe của nhà thơ cao niên bậc nhất thi đàn Việt Nam hôm nay. Thoáng hiện lên những chi tiết trong tiểu sử hào hùng và cay đắng của nhà thơ. Còn đâu rồi diễn giả cuốn hút lòng người trong buổi mít-tinh hưởng ứng Tuần lễ vàng ở xứ Thanh, đâu rồi người chủ bút báo Chiến sĩ của sư đoàn 304 và đâu rồi hình ảnh ông Tú Loan đẩy xe cút kít kiếm tiền nuôi vợ nuôi con và nuôi mình? Tấm ảnh cũ thời trai trẻ khi ông làm gia sư để có cô nàng yêu hoa sim tím, khi làm ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa phụ trách một lúc cả 4 ty giáo dục, thông tin, thương chính và công chính, còn đâu cái lần ông cưỡi con ngựa bất kham nhất đơn vị... Và trên tường, bức ảnh của một nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Hóa chụp ông quá đẹp, tiên phong đạo cốt như tiên ông, mắt cười, miệng cười, chòm râu bạc long lanh, nghe nói do một nhà thơ lớp con cháu thời chống Mỹ ở Hội Nhà văn có cái bài thơ về mấy anh em trên một chiếc xe tăng mang về tặng. Bà Phạm Thị Nhu, người con gái mê nghe ông giảng Kiều 60 năm trước, trở thành vợ ông sau cái đận cải cách nghiệt ngã với gia đình bà, được ông cưu mang, nói với khách rằng tưởng ông đã... đi trong cơn viêm phổi, người nóng rực và đỏ như con tôm luộc. Người từng mê ông giảng Kiều, được ông đưa về làm vợ trong lúc bi quan tuyệt vọng nhất, bất chấp thị phi này nọ, chung tình với ông hơn nửa thế kỷ đã cùng ông có tới 10 người con, đã quen với cảnh tài tử văn nhân đến thăm ông, vẫn không hết ngạc nhiên vì đoàn khách. Họ đến, họ ngồi lặng lẽ, thăm hỏi ân cần với tất cả lòng ngưỡng mộ, tri ân với nhà thơ.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh (giữa) và con trai nhà thơ Hữu Loan. |
Nàng có ba người anh đi bộ
đội...
Dòng thơ cuốn hút cả người đọc và người nghe... Ông lão nhà thơ gần trăm tuổi rưng rưng chìm vào kỷ niệm.
Đến câu thơ da diết thương cảm đến rùng mình:
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng...
thì ông không sao đọc trôi chảy được nữa. Hẳn vì quá cảm động, ông Triệu đọc lẫn hai từ rờn rợn câu: Gió sớm thu về gờn gợn nước sông... thì nhà thơ cố nâng cánh tay yếu yếu lên: “Bộ trưởng ơi, xin sửa lại”. Miệng đọc thành tiếng : Gió sớm thu về rờn rợn nước sông... Rờn rợn chứ không phải là gờn gợn.
Ông Tiến sĩ - Bộ trưởng rùng mình, ngắc ngứ một hồi vì xúc động. Chao ơi, chỉ nhầm một phụ âm đầu mà nhà thơ vẫn không chịu. Gờn gợn khác với rờn rợn nhiều lắm.
Không lẽ chữ nghĩa trong đơn thuốc lại vận vào đây?
Không được phép sai! Nhà thơ già xem chừng xúc động quá không thể tiếp tục câu chuyện với khách được. Kinh nghiệm của người bác sĩ khiến ông Bộ trưởng biết rằng nên để lão nhà thơ nghỉ ngơi dù trong lòng muốn tiếp tục câu chuyện với thần tượng thi ca mà mình từng ngưỡng mộ suốt mấy chục năm trời nay mới được hạnh ngộ.
Tiến sĩ Triệu ra trò chuyện với bà Phạm Thị Nhu vợ nhà thơ Hữu Loan và anh con trai thứ tư, anh Nguyễn Hữu Vũ Thắng, nay đã ở tuổi ngoài bốn chục. Hóa ra đây là cậu bé làm thơ tặng bố.
Thơ rằng:
Bố ta đi xe cút kít
ò e út ít
đủn chèo lỗ đít
út ít ò e
ò e út ít...
Không biết rằng may hay không may khi Vũ Thắng không theo nghề của bố. Bà Nhu ngồi đó trên chiếc võng mắc trong vườn tiếp chuyện Bộ trưởng. Bà kể rằng chuyện tình của bà với ông Tú Loan là chuyện của số phận, tình đời. Đã lấy nhau rồi thì phải chung số phận. Bà bảo rằng bà thua ông 16 tuổi, sống với ông gần 60 năm rồi, đã trải qua bao nhiêu là cơ hàn khổ ải. Ngước nhìn về phía núi Vân Hoàn, bà nói rằng bà thương ông hơn cả thương thân. Chỉ có khoai với cháo mà ông ấy phải đẩy xe cút kít chở đá đi khắp làng bán lấy tiền nuôi con. Suốt đời bà chỉ thương ông ấy nhất. Nay con cháu đề huề phương trưởng thì ông ấy không được khỏe mạnh. Được cái con đàn, trừ cô út đang ở Hàn Quốc không về, các con thay nhau trực luân phiên chăm bố chăm mẹ.
Cậu nhân viên Phòng văn hóa huyện Nga Sơn được triệu tập cấp tốc đi với đoàn cứ tiếc hùi hụi vì không biết được về thăm nhà thơ để tập trước mấy bài phổ theo thơ của cụ. Cậu ngồi bấm guitare những nốt nhạc quen quen của Màu tím hoa sim. Thấy vậy, tôi nhủ cậu vào hát cho nhà thơ nghe. Dễ chừng lâu lâu rồi không có "nhạc sống" của mình, hát cho mình nghe thì phải, nên nhà thơ sẵn sàng gật đầu đồng ý ngay. Đôi mắt tinh anh ngày nào như sáng lại sau từng câu hát. Ông nắm lấy bàn tay Tiến sĩ Triệu vẻ hài lòng...
Cuộc hạnh ngộ trong mơ của anh binh nhì Nguyễn Quốc Triệu năm xưa với nhà thơ của Màu tím hoa sim rồi cũng phải dừng. Nhà thơ nghe chừng thấm mệt vì tiếp khách đã lâu, cần được nghỉ ngơi, yên tĩnh. Và Bộ trưởng cũng cần trở ra huyện để gặp Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, ông Mai Văn Ninh cũng vừa tới nơi. Chia tay thật bịn rịn. Hai người cựu chiến binh thuộc hai thế hệ nắm chặt tay nhau, lưu luyến giã từ. Ra đến huyện, trong câu chuyện với Chủ tịch tỉnh Thanh, ông vẫn chưa nguôi xúc động khi đọc lại bài thơ tình thế kỷ này với giọng hào sảng.
Trần Đình Thảo