Bài tập và xoa bóp bấm huyệt cho người mắc hội chứng QT kéo dài

11-11-2024 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng QT kéo dài là một rối loạn hoạt động điện của tim, có thể gây ra rối loạn nhịp tim, mất kiểm soát nhịp tim đột ngột. Các bài tập vận động và xoa bóp bấm huyệt nhẹ nhàng, ít áp lực lên tim là một lựa chọn hỗ trợ đắc lực trong điều trị hội chứng này.

1. Lợi ích của các bài tập đối với người mắc hội chứng QT kéo dài

Người mắc hội chứng QT kéo dài có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng như ngừng tim đột ngột, ngất xỉu, chết đuối trong khi bơi, thậm chí là đột tử không rõ nguyên nhân.

Mặc dù trong nhiều trường hợp người mắc hội chứng QT kéo dài được khuyên không nên tập thể dục, nhưng nếu biết cách đảm bảo an toàn, không gây tăng áp lực lên tim, các bài tập vận động và xoa bóp bấm huyệt nhẹ nhàng có những lợi ích đối với sức khỏe của người mắc hội chứng này, hỗ trợ lưu thông máu tốt, duy trì sự dẻo dai của cơ bắp, cải thiện tâm trạng, điều này rất có lợi trong quá trình điều trị hội chứng QT kéo dài.

small_20200620_045207_755267_u_tieu_khung_4_max_1800x1800_jpg_4d3d63e995

Người mắc hội chứng QT kéo dài nên tập luyện an toàn.

2. Một số bài tập vận động đối với người mắc hội chứng QT kéo dài

2.1 Bài tập hít thở sâu và thiền

Nhiều người bệnh mắc hội chứng QT kéo dài được khuyên nên hạn chế tập thể dục, chính vì vậy bài tập hít thở sâu và thiền có thể nói là phù hợp với hầu hết các trường hợp mắc hội chứng QT kéo dài.

Người bệnh có thể chọn một nơi yên tĩnh, ngồi thoải mái, thực hiện hít vào từ từ, tập trung trí lực vào hơi thở, giữ nguyên rồi thở ra từ từ. Thông qua bài tập này người bệnh có thể kiểm soát nhịp tim, giảm stress và đặc biệt là có thể thực hiện trong các tình huống căng thẳng.

Nhung-Loi-Ich-Cua-Th

Người mắc hội chứng QT kéo dài nên thực hiện thiền để giảm căng thẳng.

2.2 Yoga nhẹ nhàng và giãn cơ

Người mắc hội chứng QT kéo dài có thể chọn một số bài tập tư thế yoga nhẹ nhàng và giãn cơ như tư thế em bé, tư thế cây… để luyện tập hằng ngày. Cũng có thể kết hợp các bài tập này với việc tập trung vào hơi thở.

2.3 Đi bộ chậm và đều

Bài tập đi bộ chậm và đều sẽ giúp lưu thông máu mà không gây áp lực quá mức lên tim. Người bệnh nên chọn quãng đường bằng phẳng, không có dốc để hạn chế sự gia tăng nhịp tim đột ngột. Chỉ nên đi bộ trong thời gian ngắn, tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe của bản thân và dừng lại ngay nếu cảm thấy mệt hay chóng mặt.

2.4 Đi xe đạp chậm

Cũng giống như việc đi bộ chậm và đều, đi xe đạp cũng là bài tập vận động tăng cường lưu thông máu nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến tim.

Người bệnh nên chọn những cung đường bằng phẳng, tránh leo dốc, hoặc có thể chọn phương án đạp xe tại chỗ trong nhà.

3. Một số huyệt có thể day ấn hỗ trợ điều trị hội chứng QT kéo dài

Huyệt nội quan

Vị trí: Phía trên mặt trong cổ tay, giữa hai gân lớn ở cẳng tay, từ nếp lằn cổ tay đo lên 2 thốn.

Tác dụng: Điều hòa nhịp tim, làm dịu cảm giác lo âu, hồi hộp, giảm căng thẳng.

Huyệt tâm du

Vị trí: Cạnh cột sống, từ dưới mỏm gai sau đốt sống lưng thứ 5 (L5) đo ra 1,5 thốn.

Tác dụng: Điều hòa khí huyết, giúp ổn định nhịp tim.

Huyệt thần môn

Vị trí: Bờ trong cổ tay, nằm trên vị trí giao giữa nếp lằn cổ tay và đường thẳng kẻ từ kẽ ngón tay út và ngón áp út.

Tác dụng: Điều hòa hỏa khí trong cơ thể, giúp thư thái hệ thần kinh, điều hòa nhịp tim, giảm căng thẳng, lo âu.

Lưu ý: Mỗi huyệt vị nên day ấn trong khoảng 1-2 phút, day và ấn vào từ từ đến khi có cảm giác hơi căng tức là được, không nên day ấn quá mạnh, thực hiện 1-2 lần mỗi ngày.

content_huyet-than-mon-3

Vị trí huyệt thần môn.

4. Một số lưu ý khi tập vận động và xoa bóp bấm huyệt đối với người mắc hội chứng QT kéo dài

- Người mắc hội chứng QT kéo dài chỉ nên tập vận động khi có người giám sát hoặc trong điều kiện có người hỗ trợ ngay khi cần thiết.

- Đối với người mắc hội chứng QT kéo dài việc giữ nhịp tim ổn định, không để tim phải chịu áp lực quá lớn là rất quan trọng. Chính vì vậy, người bệnh không nên tập quá sức, cần tránh các bài tập nặng, cường độ cao, các bài tập, hoạt động gây tăng nhịp tim đột ngột; nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, nhịp nhàng, giữ tốc độ chậm và ổn định.

- Tránh luyện tập trong môi trường có nhiệt độ cao, uống đủ nước trong và sau khi luyện tập.

- Việc xoa bóp bấm huyệt cũng chỉ nên thực hiện một cách nhẹ nhàng, với lực ấn vừa phải, nhịp đều đều, chậm rãi. Nên tránh xoa bóp, bấm huyệt khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, khi đói hoặc ngay sau khi ăn. Và không được dùng việc xoa bóp bấm huyệt thay thế các phương pháp điều trị y tế.

- Lắng nghe cơ thể, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như chóng mặt, khó thở, đau ngực, hồi hộp người bệnh nên dừng lại, nghỉ ngơi và yêu cầu hỗ trợ y tế nếu cần thiết.

Mời bạn xem tiếp video:

Tập thể dục buổi chiều có thể giảm nguy cơ bệnh tim | SKDS


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn