Năm nay tùy từng địa phương, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh kéo dài từ 9 - 17 ngày. Nhiều người cho rằng, đến người lớn còn muốn nghỉ trọn vẹn, vậy tại sao lại giao bài tập cho học sinh, nên để các em được hưởng thụ kỳ nghỉ Tết truyền thống trọn vẹn. Việc giao bài tập về nhà trong dịp này không giúp học giỏi hơn mà làm các em thêm căng thẳng, áp lực không cần thiết…Có người lại lo lắng trong kỳ nghỉ Tết dài, nếu không có bài tập, học sinh liệu có mải chơi quên hết kiến thức đã học và sẽ bối rối khi trở lại trường...
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bài tập Tết vẫn cần thiết. Tuy vậy, quan niệm về bài tập Tết phải được mở ra. Giáo viên giao bài tập về nhà cần phải có nghệ thuật để khiến học sinh cảm thấy hứng thú, tò mò, muốn chinh phục những điều mới và tự giác làm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, thay vì giao bài tập kiểu truyền thống, thầy cô cần đưa ra các nhiệm vụ cho học sinh theo từng lứa tuổi, cấp học khác nhau. Ví dụ như tìm hiểu ý nghĩa phong tục, tập quán ngày Tết của gia đình; tham gia một hoạt động cùng với cả gia đình để học thêm một kỹ năng mới.
Qua những hoạt động đó, học sinh tự đánh giá và báo cáo quá trình. Học sinh cũng có thể thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất sáng tạo như viết nhật ký, sáng tác hoặc lên kế hoạch... Việc thực hiện nhiệm vụ này cũng chính là cách trao cho học sinh trách nhiệm tự định hướng, tự tìm hiểu, triển khai, tự đánh giá… "Thầy cô sáng tạo trong cách giao nhiệm vụ sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực cho học trò - điều mà nền giáo dục mới hướng tới".
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, với trên dưới 10 ngày nghỉ lễ, học sinh khó có thể quên đi thói quen học tập trước đó. Tết sẽ là quãng nghỉ tuyệt vời để tái tạo sức khỏe tinh thần, vừa có thể tạo môi trường giúp những đứa trẻ có ý tưởng sáng tạo cho tương lai.
"Tôi nghĩ rằng nghỉ Tết là một cơ hội để chúng ta có thể làm được rất là nhiều việc có giá trị. Ở một góc độ nào đó, đây là cơ hội để các bạn làm phong phú trải nghiệm của mình. Trách nhiệm của các thầy cô chỉ là cái người truyền cảm hứng, định hướng để các bạn tự xác định được nhiệm vụ mà mình hoàn thành trong Tết. Đấy là bài tập tốt nhất. Hãy để cho cái Tết xảy ra với một cái phong cách tự nhiên nhất và con cái có thể trải nghiệm được cái Tết một cách trọn vẹn nhất, vui vẻ nhất", PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên dạy Ngữ văn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, giáo dục học sinh là cả một quá trình, không vì làm bài tập ngày Tết mà trở nên giỏi hơn, kỷ luật hoặc trách nhiệm hơn. Cũng không vì cho trẻ được thoải mái, giảm gánh nặng bài vở ngày Tết, ngày lễ mà trẻ học kém hơn.
Theo cô Hiền, ở cấp tiểu học và đầu THCS, nhiều thầy cô đổi mới cách giao bài, nghiêng về vận dụng, ôn tập những kiến thức đã học gắn với nội dung môn học như sưu tầm, ghi lại hình ảnh chuẩn bị trong ngày Tết gồm: thăm ông bà và người thân, họ hàng, gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ Tết...
Bài tập thường thiết kế dạng trò chơi tương tác theo nhóm để học sinh vừa ôn bài, vừa giữ liên hệ với các bạn trong lớp. Giáo viên khuyến khích học sinh bằng cách khen thưởng, lì xì đầu năm. Cách làm này không chỉ giúp người học hào hứng vận dụng kiến thức đã học, mà còn làm sâu sắc thêm hoạt động Tết của mình với gia đình.