Bài tập tốt đối với bệnh nhân ung thư gan

10-06-2024 10:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Việc duy trì thói quen tập luyện trong quá trình điều trị ung thư gan vô cùng quan trọng, điều này có lợi cho cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của người bệnh, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lợi ích của các bài tập đối với bệnh nhân ung thư gan

Các bài tập giúp bệnh nhân ung thư gan cải thiện sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Cụ thể, các bài tập với bệnh nhân ung thư gan sẽ đem lại những hiệu quả như:

  • Giảm nguy cơ trầm cảm và lo âu.
  • Tăng cường mức năng lượng, cải thiện giấc ngủ và giảm mệt mỏi.
  • Giảm khả năng xuất hiện các tác dụng phụ về thể chất như bệnh thần kinh, phù bạch huyết, loãng xương và buồn nôn.
  • Duy trì khả năng di chuyển và sự độc lập.
  • Cải thiện thăng bằng để giảm nguy cơ té ngã và các chấn thương khác.
  • Ngăn ngừa teo cơ và tăng cường sức mạnh.
  • Giúp cho các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
  • Cải thiện tỷ lệ sống sót và giảm nguy cơ mắc các loại ung thư khác.
  • Ngăn ngừa các bệnh mạn tính khác như bệnh tim và đái tháo đường

Bài tập tốt đối với bệnh nhân ung thư gan- Ảnh 1.

Tập luyện giúp người bệnh ung thư gan tăng cường sức khỏe.

Một số bài tập tốt cho người bệnh ung thư gan

Tham gia vào nhiều loại bài tập trong và sau khi điều trị sẽ giúp bệnh nhân ung thư gan duy trì sức khỏe. Một số bài tập tốt cho bệnh nhân ung thư gan có thể kể đến như:

Bài tập hít thở giảm căng thẳng cho người bệnh ung thư gan

Một số bệnh nhân ung thư gan có thể gặp khó khăn trong việc thở, điều này ngăn cản họ hoạt động thể chất. Bằng cách di chuyển không khí vào và ra khỏi phổi, các bài tập hít thở cải thiện sức bền và giảm căng thẳng và lo âu.

Bài tập kéo giãn

Khi phục hồi sau một số phương pháp điều trị ung thư, việc kéo giãn đặc biệt có lợi. Ví dụ, trong khi liệu pháp xạ trị hạn chế phạm vi chuyển động và gây cứng cơ, kéo giãn hàng ngày giúp khôi phục tính linh hoạt và cải thiện tư thế.

Ngoài ra, kéo giãn giúp cơ thể tự sửa chữa bằng cách tăng lưu thông máu và oxy đến cơ bắp.

Bài tập tốt đối với bệnh nhân ung thư gan- Ảnh 2.

Người bệnh ung thư gan thực hiện các bài tập kéo giãn giúp cơ thể linh hoạt hơn.

Bài tập thăng bằng

Mất thăng bằng là một tác dụng phụ tiềm tàng của ung thư gan và các phương pháp điều trị của nó. Các bài tập thăng bằng giúp ngăn ngừa chấn thương do té ngã, giúp bệnh nhân lấy lại chức năng và khả năng di chuyển cần thiết để trở lại các hoạt động hàng ngày một cách an toàn.

Bệnh nhân có thể thực hiện một số bài tập thăng bằng đơn giản như đứng bước tại chỗ, ngồi xuống rồi đứng lên và đứng trên một chân.

Tập thể dục nhịp điệu

Tập thể dục nhịp điệu sử dụng các nhóm cơ lớn và tăng nhịp tim, có thể trì hoãn sự khởi phát của các tác dụng phụ trong quá trình điều trị và giảm mức độ nghiêm trọng của chúng, duy trì tâm trạng và cải thiện mức năng lượng.

Ngoài ra, loại hình tập thể dục này làm tăng sức mạnh cho tim và phổi và giúp bệnh nhân cảm thấy bớt mệt mỏi trong quá trình điều trị.

Đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu dưới nước, khiêu vũ, quần vợt, đạp xe và bơi lội cũng là những môn luyện tập có tác dụng tương tự tập thể dục nhịp điệu mà bệnh nhân có thể lựa chọn.

Bài tập tốt đối với bệnh nhân ung thư gan- Ảnh 3.

Tập thể dục nhịp điệu dưới nước giúp tăng mức năng lượng cho người bệnh ung thư gan.

Tập luyện sức mạnh

Teo cơ thường xảy ra khi bệnh nhân ít hoạt động hơn trong quá trình điều trị và phục hồi ung thư gan. Tuy nhiên, tập luyện sức mạnh, hay tập luyện đối kháng, có thể giúp duy trì và tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện cân bằng, giảm mệt mỏi và hỗ trợ các hoạt động hàng ngày.

Tập luyện sức mạnh cũng giúp chống lại loãng xương, sự yếu dần của xương mà các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra. 

Để tập luyện sức mạnh, người bệnh có thể thực hiện các bài tập như gập bụng, chống đẩy, tập mang vác theo vật nặng, hoặc các bài tập Pilates.

Bài tập thiền định

Thiền định được chứng minh là đem lại nhiều lợi ích đối với bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng. Thiền mang lại cho bệnh nhân ung thư sự kết nối với hơi thở, tâm trí mở rộng và tĩnh lặng.

Đối với bệnh nhân ung thư gan, thiền định giúp kiểm soát nhiều vấn đề như đau đớn, khó ngủ, mệt mỏi…

Tùy theo điều kiện của từng bệnh nhân, mỗi ngày có thể thực hành 20 - 30 phút thiền định, việc này nếu  duy trì đều đặn, sau một thời gian sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn với bệnh nhân ung thư gan.

Bài tập tốt đối với bệnh nhân ung thư gan- Ảnh 4.

Thiền định giúp người bệnh ung thư gan kiểm soát đau đớn, cải thiện giấc ngủ.

Những lưu ý khi tập luyện

Chương trình tập thể dục tốt nhất cho bệnh nhân ung thư gan sẽ phụ thuộc vào tuổi, mức độ thể chất hiện tại và giai đoạn điều trị y tế của từng bệnh nhân.

Những người bệnh tuổi cao, tình trạng bệnh lý nặng nề, hay vừa trải qua đợt điều trị cơ thể chưa phục hồi tuy vẫn được khuyến cáo cần duy trì vận động nhưng chỉ nên tập luyện ở cường độ thấp, vận động nhẹ nhàng, đợi đến khi cơ thể hồi phục mới bắt đầu quá trình tập luyện.

Ngược lại, với những bệnh nhân có thể trạng tốt, sức khỏe ổn định hơn có thể nâng dần cường độ các bài tập thể lực sao cho phù hợp với ngưỡng chịu đựng của cơ thể.

Vì vậy, người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn trước khi bắt đầu bất kỳ loại hình tập thể dục mới nào.

Ngoài các bài tập, một chế độ ăn cân bằng, giữ cho tinh thần luôn luôn lạc quan, thoải mái chính là những phương pháp vô cùng tuyệt vời giúp cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân ung thư gan.

Mời bạn xem tiếp video:

Làm sao để phát hiện sớm ung thư gan? 


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn