Bài tập tốt cho người bệnh xơ cứng bì toàn thể

07-07-2024 06:54 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể là bệnh nặng, có nhiều biểu hiện và diễn biến phức tạp. Ngoài điều trị, bệnh nhân cần thường xuyên tập thể dục thể thao nhằm duy trì độ mềm dẻo của chi, ngón và độ nhạy cảm của da...

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh xơ cứng bì toàn thể

Xơ cứng bì toàn thể là bệnh tự miễn mạn tính, ảnh hưởng tới da, các mô liên kết và cơ quan nội tạng.

Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô, dẫn tới việc sản xuất quá nhiều protein collagen trên các mô liên kết. 

Tình trạng này khiến da dày lên, xơ hóa, tích tụ mô sẹo, nghiêm trọng hơn xơ cứng bì khu trú - vốn chỉ ảnh hưởng tới da và có thể tiến triển tốt dần theo thời gian.

Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng xơ cứng bì toàn thể. Mục tiêu điều trị là tập trung giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh, đồng thời phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra lên các cơ quan nội tạng. 

Bệnh nhân cần duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao nhằm duy trì độ mềm dẻo của chi, ngón và độ nhạy cảm của da, cải thiện sức mạnh cơ bắp và khả năng vận động. Bởi các hoạt động thể chất sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, nhờ đó giảm tình trạng xơ cứng biểu bì da, bệnh nhân duy trì sự độc lập trong các hoạt động thường ngày.

Bài tập tốt cho người bệnh xơ cứng bì toàn thể- Ảnh 1.

Xơ cứng bì toàn thể là bệnh tự miễn mạn tính, ảnh hưởng tới da, các mô liên kết và cơ quan nội tạng.

2. Các bài tập tốt cho chứng xơ cứng bì toàn thể

Một số bài tập dưới đây có thể giúp làm mềm da, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng ở người bệnh xơ cứng bì toàn thể:

- Đi bộ: Các chuyển động khi đi bộ sẽ giúp thúc đẩy lưu thông máu đi khắp cơ thể, rất tốt để giảm tình trạng xơ cứng biểu bì da ở bệnh nhân mắc xơ cứng bì toàn thể. Hơn nữa, đi bộ cũng là liệu pháp lành mạnh để giảm căng thẳng, thư giãn tinh thần. Tùy vào từng thể trạng, nhìn chung bạn nên duy trì 150 phút đi bộ mỗi tuần, có thể đi với tốc độ thoải mái, không cần quá gắng sức đi nhanh.

- Yoga: Không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt, yoga còn giúp người tập thư giãn tâm trí, tập trung vào hơi thở. Các bài tập yoga thường có nhịp độ chậm rãi, nhẹ nhàng mà người tập có thể vừa thực hành, vừa lắng nghe cơ thể. Đây cũng là hoạt động phù hợp với bệnh nhân xơ cứng bì toàn thể với mục tiêu duy trì độ mềm dẻo của chi, ngón và khả năng vận động.

Nếu chưa từng tập yoga trước đấy, bạn nên bắt đầu tham gia tập theo lớp hoặc nhóm, có sự hướng dẫn của huấn luyện viên để làm quen và tập đúng kỹ thuật.

- Pilates: Tương tự như yoga, các bài tập pilates là sự kết hợp động tác tăng cường sức mạnh và kéo giãn toàn bộ cơ thể, mang lại lợi ích tích cực cho chứng xơ cứng bì toàn thể. Trước khi thực hành, bạn nên trao đổi với huấn luyện viên để xây dựng kế hoạch tập luyện phù hợp với sức khỏe của mình.

Bài tập tốt cho người bệnh xơ cứng bì toàn thể- Ảnh 2.

Các bài tập pilates rất phù hợp với bệnh nhân xơ cứng bì toàn thể.

3. Lưu ý trong quá trình tập luyện

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đối với người bệnh xơ cứng bì toàn thể, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại bài tập và cường độ tập sao cho phù hợp, tránh tập luyện quá sức gây phản tác dụng. 

Trong quá trình tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể và tự điều chỉnh nhịp độ. Đặc biệt, cần duy trì thói quen vận động thường xuyên, đều đặn để nhận được những lợi ích tích cực từ tập luyện.

Ngoài tập thể dục, cần tích cực xoa bóp nhẹ nhàng vài lần mỗi ngày để giảm căng thẳng cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu và giảm đau do xơ cứng bì toàn thể.

Mời bạn đọc xem thêm:

Xơ cứng bì toàn thể và thuốc trịXơ cứng bì toàn thể và thuốc trị

Xơ cứng bì toàn thể (SSc) là một bệnh hệ thống mô liên kết. Tần suất SSc khoảng 2,3 – 10/1.000.000 người dân. 85% trường hợp tuổi mắc bệnh từ 20 – 60. Phụ nữ thường mắc bệnh này từ 30 - 40 tuổi, nam giới thì tuổi trung bình mắc bệnh cao hơn.


ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền
Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn