Bài tập tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim

19-09-2024 14:34 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thiếu máu cơ tim gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài việc tuân thủ điều trị thì duy trì chế độ luyện tập phù hợp là một trong những cách góp phần cải thiện sức khỏe trái tim.

Bài tập tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim

TS.BS Phan Thảo Nguyên – Phó giám đốc Bệnh viện E cho biết: "Mô hình bệnh tật bắt đầu thay đổi, các bệnh lý tim mạch cũng thay đổi. Hiện tại, trên thế giới, tim mạch là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong đối với bệnh không lây nhiễm. Việt Nam cũng không loại trừ tình trạng đó. Trong 5 năm trở lại đây, các bệnh lý về tim mạch cũng xuất hiện nhiều hơn, trong đó có thiếu máu cơ tim…".

Ngoài việc tuân thủ điều trị thì duy trì chế độ luyện tập phù hợp là một trong những cách góp phần cải thiện sức khỏe trái tim.

1. Vai trò của tập luyện đối với người thiếu máu cơ tim

Bệnh thiếu máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi lượng máu đến cơ tim giảm đi khiến cho tim không nhận đủ lượng oxy và dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động co bóp và đẩy máu đi nuôi cơ thể.

Tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim thường xảy ra do sự tắc nghẽn hay hẹp của một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch nuôi tim (thuật ngữ chuyên môn gọi là động mạch vành).

Thiếu máu cơ tim có thể diễn biến ổn định, mạn tính, cũng có thể xảy ra cấp tính tình trạng tắc nghẽn động mạch vành hay còn gọi là nhồi máu cơ tim. Đây là tình trạng có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, thiếu máu cơ tim còn dẫn tới các vấn đề khác như suy tim, loạn nhịp tim và cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Thể dục thể thao luôn đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người, phòng ngừa được nhiều bệnh tật. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Chuyên khoa tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo người dân cần thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, đặc biệt nên duy trì một chế độ luyện tập khoa học, hợp lý để phòng tránh các bệnh rối loạn chuyển hóa là nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch nói chung, đặc biệt là bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng.

2. Những bài tập tốt cho người thiếu máu cơ tim

Bài tập tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim- Ảnh 1.

Những bài thể dục nhịp điệu Aerobic rất tốt cho người mắc bệnh thiếu máu cơ tim.

Thể dục nhịp điệu Aerobic

Thể dục nhịp điệu Aerobic hay còn được gọi là thể dục thẩm mỹ. Những bài tập này giúp người tập liên tục di chuyển các cơ lớn ở cánh tay, chân và hông. Từ đó giúp cho việc thở được nhanh và sâu hơn, giúp tối đa hóa lượng oxy trong máu. Tim sẽ đập nhanh hơn, giúp tăng lượng máu đến các cơ và trở lại phổi. Điều này vô cùng có lợi đối với người mắc bệnh thiếu máu cơ tim.

Khi mới bắt đầu tập aerobic, người tập thường cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, về lâu dài, tập aerobic giúp tăng cường sức chịu đựng của cơ thể, giảm mệt mỏi tốt hơn. Đồng thời, thể lực của tim, phổi, sức mạnh của xương và cơ cũng được cải thiện theo thời gian.

Đi bộ, thể dục nhịp chậm hay thể dục nhịp điệu dưới nước đều là những bài tập aerobic cần thiết cho tim mạch.

Thời gian lý tưởng để người mắc bệnh tim mạch thực hiện các bài tập aerobic là 20 - 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 lần/ tuần.

Đi bộ

Đi bộ là hình thức tập luyện đơn giản và dễ dàng nhất, bất kể độ tuổi nào cũng có thể thực hiện nhằm nâng cao sức khỏe. Đi bộ được coi là một trong những bộ môn hữu ích giúp rèn luyện sức khỏe tim mạch.

Chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, hệ thống tim mạch của bạn sẽ thích nghi và cải thiện. Việc đi bộ nhanh thậm chí còn làm tăng lợi ích nhiều hơn. Nó giúp giảm huyết áp tâm thu và tâm trương, đồng thời giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Đây là một trong những phương pháp luyện tập lý tưởng bởi người bệnh không cần phải chuẩn bị gì cả, có thể linh động đi bộ ở ngoài trời, trong nhà hoặc trên máy đi bộ. Cường độ tập luyện có thể tự thay đổi sao cho phù hợp với mức độ cơ thể của người bệnh.

Bơi lội

Bài tập tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim- Ảnh 2.

Tăng cường sức khỏe tim mạch là một trong nhưng lợi ích đầu tiên mà bơi lội đem lại.

Tăng cường sức khỏe tim mạch là một trong nhưng lợi ích đầu tiên mà bơi lội đem lại cho người bệnh. Bơi lội thường xuyên giúp cải thiện sự co bóp của tim, giảm huyết áp, nhịp tim thấp hơn và làm tăng dung tích phổi là những ích lợi tiếp theo mà bơi lội đem lại cho người bệnh nếu như họ chăm chỉ luyện tập mỗi ngày.

Thời gian luyện tập lý tưởng để cải thiện sức khỏe tim mạch là 150 phút bơi mỗi tuần.

Tuy nhiên để có hiệu quả tích cực nhất, tránh trường hợp người tập có thể vượt quá phạm vi nhịp tim mục tiêu khi bơi, người mắc bệnh thiếu máu cơ tim vẫn nên nghe theo sự tư vấn của các bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập bằng phương pháp bơi lội.

Đạp xe

Những người mắc bệnh tim nói chung, bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng rất khó để tìm được một môn thể thao luyện tập sao cho an toàn, dễ dàng, phù hợp và khoa học. Bởi thế đạp xe cũng là một gợi ý tốt, là một trong những phương pháp tập luyện tốt cho tim mạch. Phương pháp luyện tập này không quá khó để thực hiện, chỉ cần có một chiếc xe đạp, ai cũng có thể tham gia được.

Đạp xe làm tăng nhịp tim, giúp máu tuần hoàn khắp cơ thể tốt hơn. Vì thế, đạp xe là một trong những bài tập được Tổ chức Y tế quốc gia Anh khuyến nghị là bài tập lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo liên quan đến tim và ung thư. Điều này cũng đã được khẳng định trong một nghiên cứu của Đại học Glasgow. Nghiên cứu được thực hiện trên 260.000 người tình nguyện, trong vòng 5 năm cho thấy việc đạp xe đi làm có thể làm giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.

Lưu ý, người mắc bệnh tim mạch nói chung, bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng cần phải biết cách vận động hợp lý, phù hợp với sức khỏe bản thân để đạt được lợi ích tốt nhất. Để tránh những rủi ro không đáng có, người bệnh không nên luyện tập quá sức và tập luyện theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Chế độ ăn tốt cho người thiếu máu cơ timChế độ ăn tốt cho người thiếu máu cơ tim

SKĐS - DASH là chế độ ăn được nhiều bác sĩ khuyến cáo nên dùng cho người mắc bệnh tim mạch nói chung, đặc biệt là những người mắc bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng.


Hồng Thủy
Ý kiến của bạn