Hà Nội

Bài tập tốt cho bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật

SKĐS - Bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ung thư vú giúp phục hồi hồi cử động, sức mạnh của vai và cánh tay, hạn chế sự hình thành mô sẹo, cải thiện hệ tim mạch, hệ thống xương...

Sau phẫu thuật ung thư vú, do vết thương chưa lành, tổn thương vùng nách nên ảnh hưởng đến một số hoạt động hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, chải tóc, vận động vai và cánh tay…

Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật đang được thầy thuốc Khoa Phẫu thuật lồng ngực, BV Bạch Mai triển khai giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi cử động, sức mạnh của vai và cánh tay, hạn chế sự hình thành mô sẹo, cũng như giảm tỷ lệ và mức độ của phù bạch huyết, cải thiện hệ tim mạch, hệ thống xương, giảm căng thẳng lo lâu, giúp ngủ ngon…

Theo các bác sĩ, 30 phút tập thể dục hàng ngày có thể làm giảm 50% nguy cơ K vú tái phát và tăng tỷ lệ sống lên 70%. Do vậy, sau phẫu thuật cần bắt đầu tập luyện sớm (nếu có thể), nên tập 2 hoặc 3 lần một ngày để phòng ngừa biến chứng và phục hồi sức mạnh và hoạt động của cánh tay.

Để việc luyện tập được thực hiện một cách thuận lợi và an toàn phù hợp với từng giai đoạn của người bệnh; Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng thành các clip hướng dẫn luyện tập với các bài tập cụ thể cho người bệnh sau phẫu thuật.

1. Tuần đầu sau phẫu thuật

- Bài tập 1: Gấp duỗi cánh tay (Có thể tập ở tư thế nằm hoặc ngồi)

Người bệnh nằm nghiêng về phía bên bình thường hoặc ngồi trên ghế có gối đỡ sau lưng, tay bên mới mổ duỗi thẳng ra trước trên một gối đỡ ở mức cao hơn mức ở tim.

Sau đó từ nắm chặt rồi mở bàn tay bên mới mổ ra đến mức tối đa, thực hiện từ 15 đến 25 lần. Từ từ và nhẹ nhàng gấp duỗi khuỷu tay phía bên mới mổ đến mức tối đa từ 15 đến 25 lần.

Bài tập này giúp làm giảm phù nề sau phẫu thuật do sử dụng các cơ như một cái bơm làm tang tuần hoàn ở tay. Mỗi ngày tập 02 lần.

- Bài tập 2: Nhún và xoay hai vai

Người bệnh ngồi hoặc đứng, đầu cổ thẳng hai vai thả lỏng và ngang bằng nhau. Từ từ nâng hai khớp vai lên phía tai đến mức tối đa, giữ ở mức đó 5-10 giây rồi hạ vai xuống về mức ban đầu, thư giãn rồi làm lại 5-10 lần. Mỗi ngày tập 02 lần.

- Bài tập 3: Nâng hai tay

Người bệnh ngồi hoặc đứng, đầu cổ thẳng, hai vai thả lỏng và giữ ngang bằng nhau.

Đan hai bàn tay vào nhau đặt phía trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong rồi duỗi thẳng tay ra trước. Sau đó từ từ nâng hai tay lên phía trên đầu cho đến khi người bệnh cảm thấy hai tay bị kéo căng nhẹ, giữ tay ở vị trí đó 1-2 giây rồi từ từ hạ thấp tay xuống trở về vị trí ban đầu. Làm lại 5-10 lần, mỗi ngày tập hai lần.

 Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ung thư vú - Ảnh 1.

Điều dưỡng Phùng Văn Thắng, Khoa Phẫu thuật lồng ngực, BV Bạch Mai hướng dẫn bài tập nâng hai tay.

- Bài tập 4: Ép xương bả vai

Người bệnh ngồi trên ghế không có tựa lưng hoặc đứng, đầu cổ thẳng, hai vai thả lỏng, hai tay duỗi cạnh thân mình, khớp khủy hai bên gấp.

Từ từ ép và đẩy hai vai xương bả vai lại với nhau, trong khi vẫn giữ khớp vai ở vị trí cố định, không nâng lên hạ xuống, không nhún vai. Giữ ở vị trí đó 5-10 giây, thư giãn rồi trở lại tư thế ban đầu. Làm như vậy 5-10 lần. Mỗi ngày tập hai lần.

- Bài tập 5: Gấp khớp vai với hai tay khoanh trước ngực

Người bệnh ngồi trên ghế không có tựa lưng hoặc đứng, đầu cổ lưng thẳng, hai tay thả lỏng giữ ngang bằng nhau.

Dùng tay lành đỡ cho tay bên mới mổ bằng cách nắm tay lành vào khuỷu tay bên mới mổ rồi nâng lên phía trước cho đến khi khớp khủy tay bằng với khớp vai, giữ ở vị trí đó 5-10 giây. Sau đó đưa tay về vị trí ban đầu và làm lại như vậy 5-10 lần. Mỗi ngày tập 2 lần.

- Bài tập 6: Dạng khớp vai với khuỷu tay gập

Người bệnh ngồi hoặc đứng, đầu cổ lưng thẳng, hai vai thả lỏng và giữ ngang bằng nhau, dạng hai tay sang hai bên, gấp khớp khuỷu và đặt hai tay lên hai vai.

Sau đó nâng khủy tay hai bên lên cho đến khi ngang bằng hai vai, giữ như vậy vài giây sau đó đưa khớp khủy về vị trí cũ và làm lại 5 -10 lần. Mỗi ngày tập hai lần sáng chiều.

 Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ung thư vú - Ảnh 2.

Bài tập dạng khớp vai với khuỷu tay gập.

- Bài tập 7: Gấp khớp vai với khuỷu tay gập

Duỗi hai tay ra phía trước, gấp hai khuỷu tay, đặt hai bàn tay lên hai vai. Nâng khuỷu tay hai bên lên đến ngang bằng vai, giữ như vậy vài giây.

Đưa hai khủy tay về vị trí cũ ban đầu và tập lại 5-10 lần như vậy. Mỗi ngày tập hai lần.

2. Tuần 2 sau phẫu thuật

- Bài tập 1: Gấp khớp vai hai bên

Người bệnh đứng ngồi hoặc nằm ngửa. Duỗi thẳng hai tay ra phía trước, hai tay song song với nhau. Sau đó nâng hai tay lên phía đầu càng nhiều càng tốt đến mức tối đa. Giữ vài giây sau đó đưa về vị trí ban đầu và làm lại 5-10 lần, mỗi ngày tập hai lần.

- Bài tập 2: Dạng ép kết hợp xoay trong khớp vai

Người bệnh đứng hoặc ngồi. Dạng và duỗi hai tay sang hai bên ngang vai, bàn tay ngửa. Đưa hai tay cao lên ngang tai rồi đưa hai tay xuống dưới, hai lòng bàn tay sát nhau sau mông. Nghỉ vài giây sau đó tập lại 5-10 lần như vậy. Mỗi ngày tập 02 lần sáng và chiều.

- Bài tập 3: Dạng khớp vai với khủy tay gập

Người bệnh đứng, ngồi hoặc nằm ngửa, đầu và cổ thẳng, hai lòng bàn tay áp sau gáy. Sau đó từ từ đẩy hai khủy tay ra sau, kéo dãn vai và tay ra phía ngoài, giữ như vậy trong vài giây, trở lại vị trí ban đầu và tập nhắc lại 5-10 lần.

- Bài tập 4: Xoay trong khớp vai

Người bệnh đứng hoặc ngồi thẳng cân xứng hai bên. Sau đó đặt bàn tay bên mới mổ ra sau, mu bàn tay áp sát lưng rồi từ từ đẩy bàn tay lên trên càng nhiều càng tốt đến mức tối đa. Dừng ở đó vài giây rồi đưa tay trở về vị trí cũ và làm lại 5-10 lần, mỗi ngày tập 01 lần.

3. Tuần 3 sau phẫu thuật

- Bài tập 1: Gấp khớp vai hai bên với gậy

Bài tập được thực hiện ở 03 vị trí nhằm tăng cường vận động về phía trước của vai.

+ Vị trí 1: Người bệnh nằm ngửa, hai chân gấp, nắm hai bàn tay vào “gậy tập” khoảng cách rộng bằng vai, lòng bàn tay úp xuống. Sau đó duỗi thẳng hai tay ra trước, nâng gậy tập lên phía đầu cho đến khi thấy vai tay bị kéo căng, giữ ở vị trí đó 1-2giây, đưa hai tay về vị trí bắt đầu. Làm lại như vậy 5-7 lần.

+ Vị trí 2: Thực hiện bài tập như trên nhưng khoảng cách giữa hai bàn tay nắm vào gậy rộng hơn khoảng cách giữa hai vai.

+ Vị trí 3: Thực hiện bài tập như trên nhưng lòng bàn tay ngửa, khoảng cách giữa hai bàn tay bằng khoảng cách giữa hai khớp háng. Mỗi ngày tập hai lần sáng chiều.

 Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ung thư vú - Ảnh 4.

Bài tập gấp khớp vai hai bên với gậy.

- Bài tập 2: Tạo hình đại bàng

Người bệnh nằm ngửa trên giường hoặc trên sàn nhà, duỗi thẳng hai tay sang hai bên. Sau đó đưa hai tay lên phía đầu, rồi đưa xuống phía đùi và ngược lại 5-10 lần. Mỗi ngày tập 2 lần.

- Bài tập 3: Dạng và khép vai

Bài tập này giúp tăng cường vận động về phía trước của ngực và khớp vai. Có thể mất vài tuần tập như thế này để đạt mức khuỷu tay chạm sàn nhà. Nếu người bệnh thấy đau hoặc kim châm ở vai hãy kê một gối nhỏ phía sau đầu, trên khớp vai bên mới phẫu thuật.

Người bệnh nằm ngửa, hai chân gấp, hai bàn tay cài vào nhau phía sau gáy, hai tay hướng lên trần nhà. Nếu ở tư thế này mà người bệnh thấy khó chịu thì đặt hai bàn tay đã cài các ngón vào nhau lên trán, lòng bàn tay xoay ngửa.

Sau đó đưa hai khuỷu tay xuống dưới phía sàn nhà đến mức tối đa, giữ vị trí đó 1-2 giây, làm lại như vậy 5-10 lần. Mỗi ngày tập 02 lần.

- Bài tập 4: Điều chỉnh tư thế

Bài tập giúp điều chỉnh tư thế đúng và tăng cường vận động của khướp vai. Nên tập trước gương để kiểm tra tư thế và vận động. Có thể tập ở tư thế ngồi trên ghế không có tựa lưng, hoặc đứng. Mỗi ngày tập 02 lần.

Bệnh nhân hai tay duỗi dọc hai bên thân, khuỷu tay duỗi, lòng bàn tay hướng về phía thân mình. Sau đó căng lồng ngực, từ từ đẩy và ép hai xương bả vai sát lại nhau và xoay tay ra ngoài, lòng bàn tay hướng về phía trước. Giữ như vậy 5-10 giây, sau đó thư giãn rồi trở lại tư thế ban đầu. Làm lại 5-10 lần.

- Bài tập 5: Ngón tay leo tường

Người bệnh quay mặt về phía tường, cách khoảng 5cm, đặt hai bàn tay lên tường ở mức cao ngang vai.

Bò bằng các ngón tay hoặc trượt bàn tay lên tường đến khi người bệnh thấy căng thì đưa tay lên trở lại vị trí ban đầu. Làm lại 5-10 lần như vậy. Mỗi ngày tập 02 lần sáng, chiều.

Bò lần tường làm tăng vận động của khớp vai, người bệnh cố gắng hàng ngày nhích tay lên cao hơn ngày hôm trước.

4. Lưu ý khi tập luyện

- Các bài tập cần đảm bảo an toàn và phù hợp với tình trạng sức khỏe. Các bài tập không được gây đau hoặc châm chích trong khi tập, nếu các triệu chứng này xuất hiện cần dừng tập ngay.

- Mặc quần áo rộng rãi, tinh thần thoải mái trước khi bắt đầu.

- Khoảng 3-6 tuần sau phẫu thuật là giai đoạn đầu của lành vết thương và sau khi tháo bỏ dẫn lưu. Người bệnh tránh nâng nhấc các vật nặng trên 0,5kg bằng tay bên mổ.

Vì sao trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ?Vì sao trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ?

SKĐS - Rối loạn phổ tự kỷ làm một rối loạn tâm thần liên quan đến sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và giao tiếp xã hội của bệnh nhân, gây mất khả năng tương tác và giao tiếp xã hội.


Anh Ngọc
Ý kiến của bạn