Đối với người bệnh viêm cột sống dính khớp (AS), bên cạnh các bài tập giúp giữ cho cột sống linh hoạt, các bài tập thở sâu sẽ giúp giữ cho thành ngực đàn hồi và duy trì khả năng hít thở sâu của người bệnh.
Hình ảnh viêm cột sống dính khớp.
Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu không thực hiện các bước phòng ngừa, AS có thể làm cho việc thở sâu trở nên khó khăn hơn.
Ở nhịp thở bình thường, các xương sườn di chuyển lên và xuống mỗi khi hít vào và thở ra. Ở những người bị AS, các khớp xương sườn gắn với cột sống có thể bị cứng lại hoặc dính lại do viêm. Kết quả là, xương sườn có thể mất khả năng nâng lên và hạ xuống, khiến người bệnh cảm thấy khó thở, ngay cả sau khi hoạt động vừa phải.
Có tới 1/3 số người bị viêm cột sống dính khớp giảm sự giãn nở của thành ngực. Ngoài viêm thành ngực, tình trạng viêm sụn kết nối xương sườn với xương ức ở người bệnh AS, có thể khiến việc hít thở sâu rất đau đớn, TS John Reveille, phó chủ tịch bộ phận bệnh thấp khớp và di truyền miễn dịch lâm sàng tại Trung tâm Khoa học Y tế ĐH Texas-Houston (McGovern) cho biết.
Những người mới được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp nên bắt đầu thực hiện các bài tập hít thở sâu và các bài tập kéo dài cột sống ngay lập tức và ngừng hút thuốc. Vì nicotine có trong thuốc lá thúc đẩy quá trình viêm và là một trong những yếu tố nguy cơ đến sự dính khớp của cột sống. Điều này có thể làm cho việc thở khó khăn hơn do gây tổn thương phổi và đường hô hấp.
Các bài tập hít thở sâu có thể giúp duy trì khả năng di chuyển xương sườn, về cơ bản, giúp ngăn chặn sự hợp nhất và cứng lại của xương sườn.
1. Bài tập thở hướng tâm
Các bài tập hít thở sâu có thể giúp giữ cho xương sườn và thành ngực linh hoạt.
Ngồi trên ghế hoặc nằm ngửa và hít thở sâu:
- Khi hít vào phồng bụng lên, mở rộng xương sườn dưới, tiếp đến là ngực trên (đây là cách bạn nên hít vào cho mỗi bài tập hít thở sâu).
- Khi bạn thở ra, hãy quay đầu về một bên vai - chừng nào bạn cảm thấy thoải mái - và thở ra trong ba nhịp "ha ha ha". Khi bạn làm điều này, hãy tập trung vào hơi thở, tách mình ra khỏi quá khứ và bất kỳ trải nghiệm khó khăn hay hối tiếc nào.
- Sau đó, quay lại về phía trung tâm và hít thở sâu. Đối với lần thở ra tiếp theo, hãy xoay người về phía vai kia, sau đó chúm môi và thổi ra một luồng khí duy nhất. Lúc này, cũng cần tập trung vào hơi thở…
- Lặp lại quá trình này.
2. Bài tập thở tạo năng lượng
Ở tư thế ngồi hoặc đứng, vươn người và một cánh tay lên cao đến mức có thể thoải mái nhất.
- Hít sâu và từ từ uốn cong khuỷu tay nhiều nhất có thể.
- Sau đó, thở ra nhanh chóng đồng thời kéo cánh tay xuống về phía ngực (tưởng tượng như bạn đang kéo xuống một sợi dây). Nếu có thể, hãy thở ra đủ nhanh để bạn cảm thấy gần như bị đấm vào ngực.
- Thư giãn cánh tay của bạn, sau đó chuyển sang tay bên kia và lặp lại động tác này.
3. Bài tập thở giảm căng thẳng
- Bắt đầu ở tư thế ngồi, đặt tay trên đầu gối.
- Trượt hai tay dọc theo đùi về phía hông, đưa hai khuỷu tay về phía sau và gần nhau sao cho thoải mái.
- Giữ cằm hơi hếch một cách thoải mái, nhưng nâng phần ngực trên lên một chút và kéo dài lưng dưới và hông ra phía sau để tạo độ cong nhẹ về phía sau cho cột sống.
Ở vị trí này, hãy hít thở sâu và nghĩ về "hòa bình" hoặc "sức mạnh"
- Sau đó, từ từ thở ra, đồng thời trượt tay về đầu gối và hạ thấp ngực, vai sao cho cúi người về phía trước ít hoặc nhiều nhất có thể.
- Lặp lại quá trình này.
4. Bài tập thở thư giãn và vặn người
- Nằm ngửa, sử dụng gối hoặc chăn gấp để hỗ trợ đầu, vai và đầu gối (nếu cần) để tạo sự thoải mái. Bài tập này có thể được thực hiện trên giường.
- Dành một chút thời gian thư giãn tay, chân và hàm một cách có ý thức.
- Sau đó nâng hai đầu gối gần ngực, rồi hạ cả hai đầu gối sang một bên trong khi quay đầu sang hướng đối diện (vặn người). Góc vặn này có thể rộng hoặc hẹp sao cho thoải mái nhất.
- Hít vào sâu và thở ra chậm trong vài phút, cảm thấy mình chìm vào tư thế vặn mình. Sau đó, đưa đầu và đầu gối của bạn trở lại trung tâm, và chuyển sang bên kia.
Mời độc giả xem thêm video:
Tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi