Hà Nội

Bài tập thể dục hỗ trợ, phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả cho dân văn phòng

23-08-2024 15:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thói quen tập thể dục đều đặn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là giúp phòng ngừa bệnh trĩ đối với những người làm văn phòng.

Lợi ích của việc tập thể dục đối với người bệnh trĩ

Nhiều người đặt câu hỏi liệu mắc bệnh trĩ có nên tập thể dục thể thao hay không? Trên thực tế, thể dục rất có lợi cho con người, kể cả người bị trĩ. Các bài tập giúp lưu thông khí huyết. Việc vận động sẽ giúp hạn chế tình trạng ngồi một chỗ quá lâu dẫn đến trĩ, đồng thời giúp thư giãn tinh thần nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.

BS. Nguyễn Phối Hiền (Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Cơ sở 3) cho biết, tập thể dục có tác dụng kích thích chức năng ruột, hạn chế táo bón (nguyên nhân gây bùng phát bệnh trĩ).

Tập thể dục làm tăng nhịp tim sẽ làm tăng lưu lượng máu đến vùng trực tràng, giúp củng cố các mô hỗ trợ (giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát) và cung cấp chất dinh dưỡng cũng như oxy đến các vùng bị viêm (để giúp giảm các đợt bùng phát).

Thói quen tập thể dục đều đặn mang đến nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe, đặc biệt là giúp phòng ngừa bệnh trĩ cho dân văn phòng một cách hiệu quả. Tập thể dục đúng cách sẽ giúp:

- Kích thích máu huyết lưu thông, ngăn ngừa tình trạng ứ đọng máu ở vùng hậu môn hình thành nên các búi trĩ, giảm sưng tấy tĩnh mạch, các búi trĩ cũng không còn sưng to như trước nữa.

- Hỗ trợ giảm cân: Béo phì có thể làm tăng áp lực lên khu vực hậu môn và dẫn đến bệnh trĩ. Tập thể dục có thể hỗ trợ giảm cân, duy trì vóc dáng cân đối, giảm áp lực lên vùng hậu môn, phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.

- Cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và chống táo bón: Tập thể dục sẽ kích thích hoạt động co bóp của nhu động ruột, tăng khả năng bài tiết chất thải ở ruột già. Hệ tiêu hóa nhờ đó hoạt động hiệu quả hơn, chống táo bón và ngăn ngừa bệnh trĩ.

- Tốt cho cơ co thắt ở hậu môn: Tập thể dục đúng cách giúp các cơ co thắt ở hậu môn được thư giãn, tăng sức bền và độ đàn hồi.

Do đó, khi mắc trĩ, người bệnh nên tập thể dục, tuy nhiên cần tập các bài tập nhẹ nhàng, đúng cách.

Bài tập thể dục hỗ trợ, phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả cho dân văn phòng- Ảnh 1.

Thói quen tập thể dục đều đặn mang đến nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe, đặc biệt là giúp phòng ngừa bệnh trĩ. Ảnh minh họa: TL

Các bài tập chữa bệnh trĩ đơn giản và hiệu quả

Các bài tập chữa bệnh trĩ có khả năng hỗ trợ tăng trương cơ lực vùng hạ vị. Từ đó, thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong cơ thể để giảm kích thước, co búi trĩ.

Các bài điều trị bệnh trĩ thường là các bài tập nhẹ nhàng, không gây áp lực lên vùng hậu môn. Đặc biệt, chúng ta có thể nhìn thấy hiệu quả nếu người bệnh kiên trì tập luyện trong thời gian dài.

Dưới đây là các bài tập thể dục đơn giản, hiệu quả cho người mắc bệnh trĩ:

Bài tập yoga hỗ trợ tiêu hóa

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Đứng trên thảm tập với tư thế thẳng, hai chân rộng bằng vai, hai tay đặt song song với phần thân, lòng bàn tay nắm hờ lại.

- Cúi hai đầu gối xuống nhưng vẫn giữ lưng thẳng, hít sâu, khép chặt miệng, lưỡi uốn lên hàm trên.

- Đồng thời thực hiện nhót hậu môn và duy trì trong khoảng 10 giây. Sau đó trở về tư thế ban đầu và lặp lại động tác từ 5-7 lần.

Bài tập thiền thư giãn

Bài tập thiền sẽ giúp thư giãn tinh thần và cơ thể, kích thích máu được lưu thông tốt, các cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru, phòng ngừa nhiều bệnh trong đó có bệnh trĩ.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm ngửa trên sàn, hai mắt nhắm hờ, hai tay buông thõng để dọc thân, hai chân duỗi thẳng mở rộng bằng vai.

- Tập trung vào phần bụng rồi hít từ từ vào cảm nhận bụng phồng lên, thở ra sao cho bụng xẹp xuống.

- Hít thở đều đặn trong khoảng 30 phút.

Bài tập đi bộ chữa bệnh trĩ

Đi bộ mang lại rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe giúp cải thiện chức năng xương khớp, thư giãn, cải thiện hô hấp mà còn hỗ trợ cải thiện và điều trị bệnh trĩ rất tốt. Mỗi ngày, nên dành 30 phút đi bộ vào buổi sáng, chiều hoặc tối để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ cũng như cải thiện tình trạng bệnh trĩ hiệu quả.

Bài tập thể dục hỗ trợ, phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả cho dân văn phòng- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Đứng thẳng người, cong gập các ngón chân lại và bám sát vào mặt đất, hai tay đặt song song hai bên thân, tập trung tinh thần vào vùng bụng dưới.

- Tiếp theo, vừa co thắt hậu môn vừa đi bộ, chú ý bước chậm và giữ hơi thở đều đặn, không nên đi quá nhanh.

- Đi bộ như thế trong khoảng 3-5 phút, sau đó thả lỏng cơ thể trở lại trạng thái bình thường để giúp phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả nhất.

Bài tập chữa bệnh trĩ bằng tư thế Balasana

Tư thế Balasana giúp tăng lưu thông xung quanh hậu môn đồng thời làm giảm táo bón nhờ việc thư giãn lưng dưới, hông và chân. Bài tập này còn giúp xoa bóp các cơ quan nội tạng giúp giảm áp lực lên vùng bụng dưới.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Ngồi về phía sau, đặt hông trên gót chân.

- Mở rộng cánh tay ra trước mặt hoặc thả lỏng chúng dọc theo cơ thể.

- Giữ nguyên vị trí này trong tối đa 5 phút sau đó trở về trạng thái ngồi ban đầu.

Bài tập chống chân lên tường (Viparita Karani)

Viparita Karani là một trong những những bài tập yoga giúp điều trị bệnh trĩ hiệu quả. Tư thế này giúp thúc đẩy tuần hoàn đến hậu môn, đồng thời còn giúp giảm bớt sự khó chịu và kích ứng.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Đặt một tấm thảm yoga gần tường hoặc không cần tường.

- Nằm ngửa trên thảm, đưa chân lên tường sao cho gót chân hướng lên trần nhà và đầu gối hơi trùng một chút.

- Điều chỉnh vị trí cơ thể để cảm thấy thoải mái, lưng được hỗ trợ. Thư giãn toàn bộ cơ thể, hít thở sâu và đều đặn.

- Giữ tư thế này trong 5-20 phút, tùy thuộc vào cảm nhận của bản thân. Từ từ hạ chân xuống, nghỉ ngơi trước khi đứng dậy.

Bài tập co cơ sàn chậu giúp điều trị bệnh trĩ

Bài tập co cơ sàn chậu giúp thư giãn cơ vòng hậu môn và ngăn ngừa việc rặn khi đi tiêu. Vì vậy bài tập này được đánh giá là một trong những bài tập điều trị bệnh trĩ và kiết lỵ hiệu quả.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm ngửa hoặc ngồi trên sàn.

- Co cơ hậu môn lại như thể đang ngăn mình thải khí.

- Giữ nguyên sự co thắt này trong 5 giây.

- Thực hiện siết và thư giãn các cơ nhanh nhất có thể.

- Tiếp tục càng lâu càng tốt.

Thư giãn trong 10 giây sau đó lặp lại 5 lần bài tập.

Lưu ý: Nên thực hiện bài tập này từ 2 - 4 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài tập thể dục hỗ trợ, phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả cho dân văn phòng- Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Bài tập co thắt cơ hậu môn

Đây là một trong những bài tập phòng ngừa bệnh trĩ cho dân văn phòng phổ biến và dễ tập nhất. Có thể thực hiện bài tập ở các tư thế nằm, ngồi hoặc đứng đều được.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Thả lỏng toàn thân, tập trung chú ý vào vùng bụng.

- Hít một hơi thật sâu, kẹp chặt cả hai bên mông và đùi, đồng thời co thắt cơ hậu môn tương tự như khi nhịn đại tiện, lưỡi uốn lên hàm trên.

- Duy trì trạng thái và nín thở trong khoảng 10 giây rồi thở ra từ từ, thả lỏng cơ thể cho cơ hậu môn trở về bình thường, đồng thời lưỡi cũng hạ xuống.

- Nghỉ khoảng 30 giây rồi tập tiếp, mỗi buổi nên tập từ 20-30 lần.

Bài tập cho vùng đan điền

Vùng đan điền là vùng bụng dưới gần xương mu, cũng là nơi tập trung khí của cơ thể. Bài tập này có khả năng tác động giúp búi trĩ đang sa ra ngoài và co lại một cách tự nhiên, kích thích phản ứng tự động co thắt ở hậu môn và thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm trên giường hoặc trên thảm tập, hai chân duỗi thẳng, tay đặt song song với phần thân.

- Mắt nhắm hờ, tập trung hết về vùng đan điền, hít thở sâu đồng thời co thót hậu môn, nắm chặt lòng bàn tay, cắn chặt hai hàm răng, các ngón chân cong lên phía trên.

- Duy trì tư thế này trong 5 – 7 giây, thở ra từ từ và thả lỏng toàn thân. Nghỉ ngơi tại chỗ từ 1 – 2 phút rồi thực hiện tiếp trong 30 phút để mang đến hiệu quả tốt nhất.

Bài tập nằm ngửa nâng hậu môn

Bài tập này dân văn phòng có thể áp dụng ngay tại nơi làm việc khi có thời gian rảnh rỗi. Bài tập giúp hậu môn co thắt, hạn chế tình trạng rối loạn đại tiện, ngăn ngừa táo bón và các bệnh lý ở trực tràng – hậu môn.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm ngửa, co hai gối và giữ cho hai gót chân sát vào mông.

- Tiến hành chống đỡ thân dưới bằng bằng lòng bàn chân rồi từ từ nâng vùng chậu lên, sau đó hít sâu vào và co thắt hậu môn lại.

- Sau đó, thả lỏng cơ thể trở về trạng thái bình thường và lặp lại từ 10 – 20 lần.

Bài tập Kegel

Kegel là một trong các bài tập thể dục cho người bệnh trĩ phổ biến và hiệu quả nhất mà ai cũng có thể áp dụng.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm ngửa trên mặt phẳng, co gối, dùng sức nâng phần hông sao cho 2 mông thẳng với thân, lòng bàn chân đặt xuống sàn để chống đỡ.

- Nâng phần xương chậu ưỡn lên cao, cùng lúc nhíu hậu môn lại khoảng 5 lần, sau đó trở lại tư thế ban đầu và lặp lại động tác từ 15-20 lần.

Bài tập thể dục hỗ trợ, phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả cho dân văn phòng- Ảnh 6.

Kegel là một trong các bài tập thể dục cho người bệnh trĩ phổ biến và hiệu quả nhất mà ai cũng có thể áp dụng. Ảnh minh họa: TL

Bài tập Bridge

Bridge là động tác tác động lên vòng 2 và vòng 3, kích thích hoạt động của nhóm cơ mông và vùng hông, giảm áp lực lên cột sống và hậu môn, phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm ngửa, thẳng lưng trên thảm tập, 2 bàn chân đặt thẳng trên sàn, 2 gối gập cong lại, 2 tay duỗi thẳng 2 bên, lòng bàn tay úp xuống.

- Hóp bụng, nâng chân, hông và lưng lên khỏi sàn, sao cho chân song song với sàn, căng cứng cơ mông, giữ thẳng lưng.

- Thở ra, nâng chân trái lên càng cao càng tốt, sau đó hít vào và hạ xuống, lưu ý không để chân chạm sàn. Tiếp tục lặp lại cho đến khi đủ số lần yêu cầu.

Bài tập cho vùng hậu môn

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm ngửa, đan chéo 2 chân, hai tay chống eo, co hậu môn lại và duy trì trong vòng 5 giây.

- Sau đó thả lỏng, điều hòa hơi thở và lặp lại động tác từ 15-20 lần.

Hoặc có thể thực hiện cách sau:

- Ngồi hai chân đan chéo, hai tay chống eo và đứng dậy từ từ, trong lúc đứng dậy thì co thót hậu môn và duy trì tư thế trong 5 giây.

- Sau đó thả lỏng cơ thể và trở lại tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 15-20 lần.

Bài tập hít thở xoa bụng

Hệ tiêu hóa không khỏe mạnh có thể là nguyên nhân gây mắc bệnh trĩ. Khi tiêu hóa kém, chứng táo bón kéo dài sẽ hình thành các búi trĩ. Có thể cải thiện hoạt động của tiêu hóa bằng phương pháp hít thở xoa bụng.

Để thực hiện bài tập này thực hiện theo các bước dưới đây:

- Nằm ngửa trên sàn và thả lỏng toàn thân, đặt hai bàn tay chéo lên nhau, từ từ xoa bụng theo chiều kim đồng hồ.

- Vừa xoa vừa hít thở đều đặn, hít vào phình bụng lên và thở ra thì xẹp bụng xuống. Bạn có thể thực hiện động tác này nhiều lần trong ngày.

Người bị bệnh trĩ cần tránh những gì khi tập thể dục?

Tập thể dục rất có lợi cho sức khỏe kể cả người bị trĩ. Các bài tập giúp hệ tuần hoàn lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng ứ trệ máu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh trĩ không nên tập những bài tập quá sức; không nên tập các động tác gây giãn cơ hậu môn, tác động trực tiếp đến hậu môn vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến búi trĩ.

Những động tác nhẹ nhàng, đơn giản sẽ có ích cho bệnh nhân và tránh được tình trạng lợi bất cập hại.

Bệnh nhân trĩ cần tránh những bài tập yêu cầu thể lực cao như: đẩy tạ, đá bóng, chạy nước rút, chống đẩy... Ngoài ra một số động tác như gập bụng, squad cần được hạn chế. Khi tập, cơ hậu môn sẽ căng ra, áp lực về bụng cũng nhiều hơn. Điều này rất dễ khiến bệnh trĩ càng lúc càng nặng hơn.

Đối với các bài thể dục mà người bị bệnh trĩ nên tập, có thể cân nhắc những bài tập nhẹ nhàng, cường độ vừa phải. Một số môn thể thao có thể kể đến như: Cầu lông, đi bộ, tập các động tác yoga nhẹ nhàng... để tránh tạo áp lực quá lớn gây lòi búi trĩ.

Bệnh trĩ dùng thuốc như thế nào?Bệnh trĩ dùng thuốc như thế nào?

SKĐS - Bệnh trĩ rất phổ biến, nếu không được can thiệp sớm có thể gây nhiễm trùng lan rộng vùng hậu môn và gây nhiễm trùng máu... Vậy có những biện pháp và nào dùng để điều trị?

6 dấu hiệu bệnh trĩ nội trĩ ngoại ở nam và nữ thường gặp sớm nhất6 dấu hiệu bệnh trĩ nội trĩ ngoại ở nam và nữ thường gặp sớm nhất

Dấu hiệu bệnh trĩ nội bao gồm chảy máu khi đi vệ sinh, đau rát và ngứa ở vùng hậu môn. Triệu chứng trĩ ngoại thường gây sưng tấy búi trĩ và đau đớn khi ngồi hoặc đi lại. Nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh trĩ nội và trĩ ngoại giúp việc điều trị trở nên hiệu quả hơn.


L.Vũ (t/h)
Ý kiến của bạn