Bài tập phục hồi chức năng sau đột quỵ

26-06-2020 14:29 | Y học 360

SKĐS - Phục hồi chức năng sau đột quỵ có thể là một quá trình lâu dài và phức tạp. Quá trình này phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh mà đột quỵ gây ra. Mất thăng bằng và kiểm soát thường là những vấn đề phổ biến nhất. Một số bài tập sau có thể tăng tốc độ phục hồi chức năng.

Giữ cân bằng

Hầu hết người bệnh sẽ mất khả năng phối hợp và giữ thăng bằng sau đột quỵ, khiến cho những hành động đơn giản như đứng và đi lại trở nên khó khăn. Các bài tập sau đây có thể cải thiện đáng kể sự cân bằng và phối hợp:

Bài 1: Cố gắng đứng thẳng, tay vịn trên cạnh bàn để ổn định tư thế. Chuyển trọng lượng cơ thể lên 1 chân, đẩy chân còn lại ra sau. Duy trì sự cân bằng và giữ chân trong khoảng 10 giây. Hạ chân từ từ và tiếp tục động tác chuyển trọng lượng cơ thể sang chân bên kia và đổi chân, lặp lại động tác đẩy chân ra sau.

Bài 2: Sau khi thực hiện bài tập đầu tiên một thời gian, người bệnh nên tăng trình độ của bài tập 1, cũng ở tư thế đứng ổn định, thay vì vung chân ra sau thì bạn hãy cố nâng chân lên phía trước mặt, đầu gối gập. Giữ yên vị trí chân nâng cao trong khoảng 10 giây và sau đó trở về vị trí bắt đầu. Lặp lại tương tự với chân bên kia. Bên chân bị ảnh hưởng có thể khó, cần người khác hỗ trợ ban đầu.

Mức độ nâng cao của bài tập liên quan đến việc giữ vững cơ thể ở tư thế đứng thẳng với trọng lượng dồn trên 1 chân và vung chân còn lại ra sau, ra trước.

Tập cơ cốt lõi

Bài tập này cần thiết cho cơ cốt lõi và hông đã trở nên yếu đi sau đột quỵ. Bạn có thể tăng cường các cơ này thông qua các bài tập sau đây.

Bài tập phục hồi chức năng sau đột quỵTập cơ lõi.

Bài tập cơ bản

Nằm với một cái gối đặt dưới khớp gối. Sau đó từ từ nhấc lưng lên khỏi sàn. Duy trì vị trí đó trong một thời gian và trở về vị trí bắt đầu.

Bài tập nâng cao mức độ vừa

Dựa lưng vào tường, hai bàn chân cách nhau khoảng 20 cm. Sử dụng tường để hỗ trợ trọng lượng của lưng và cơ thể, sau đó từ từ gập đầu gối để hạ thấp cơ thể ở xuống mức có thể. Giữ yên vị trí trong khoảng 10 giây và sau đó trượt ngược lên phía trên về vị trí ban đầu, luôn dựa vào tường để hỗ trợ cơ thể.

Bài tập phục hồi chức năng sau đột quỵTập thăng bằng.

Bài tập nâng cao

Phiên bản nâng cao của bài tập này là giữ một quả bóng tập thể dục giữa tường và cơ thể của bạn trong khi gấp đầu gối của bạn để từ từ hạ cơ thể xuống tư thế ngồi xổm.

Bài tập vai

Để tăng cường cơ vai cho tay bị ảnh hưởng, bạn nên thực hiện vài lần mỗi ngày, tốt nhất là vào buổi sáng và lúc đi ngủ bài tập sau đây:

Nằm ngửa, hai cánh tay duỗi hai bên thân. Giữ thẳng khuỷu tay, nâng cánh tay bị ảnh hưởng lên với bàn tay hướng lên trần nhà. Trong khi đó đồng thời cố gắng nâng bả vai nhấc khỏi sàn. Giữ nguyên tư thế trong 3-5 giây và trở về vị trí bắt đầu. Lặp lại tương tự 10 lần.

Bài tập phục hồi chức năng sau đột quỵTập vai với người hỗ trợ.

Nếu chưa thực hiện được một mình, bạn có thể nhờ người khác hỗ trợ ở tư thế ngồi trên giường. Giữ vai ổn định, từ từ nâng khuỷu tay lên cao ngang vai, tay gấp vuông góc, bàn tay hướng ra phía trước. Giữ nguyên tư thế trong 3-5 giây và trở về vị trí bắt đầu. Lặp lại tương tự 10 lần.

Bài tập đầu gối

Đây là một trong những bài tập phục hồi chức năng đột quỵ tốt nhất để cải thiện chuyển động của đầu gối khi đi bộ. Thực hiện bài tập ít nhất 2 lần một ngày.

Bài tập phục hồi chức năng sau đột quỵTập đầu gối.

Nằm trên sàn và nằm nghiêng về phía không bị ảnh hưởng. Co đầu gối để thêm hỗ trợ và ổn định cơ thể. Đặt cánh tay bị ảnh hưởng ở phía trước để được hỗ trợ. Sau đó co đầu gối bên chân bị ảnh hưởng và từ từ đưa gót chân về phía mông. Từ từ duỗi thẳng chân về tư thế ban đầu. Lặp lại các động tác. Trong quá trình tập đảm bảo hông của bạn giữ thẳng.

Bài tập cơ mặt

Người bị đột quỵ cần tập để cải thiện biểu cảm khuôn mặt. Với mỗi bài tập, bạn nên hướng sự tập trung vào kết nối não-cơ. Đây là một vài gợi ý:

Mỉm cười: Tất cả những gì bạn phải làm là mỉm cười, hoặc ít nhất là cố gắng mỉm cười. Lúc đầu mỉm cười mím chi (không để lộ răng). Sau đó, cố gắng mỉm cười một lần nữa với môi mở ra từ từ để lộ răng. Sau đó, mím môi như thổi nến hoặc gửi một nụ hôn gió. Hãy cố gắng sử dụng các cơ trên khuôn mặt.

Đọc nguyên âm: Bạn phải phát âm từng nguyên âm với toàn lực. Việc này bắt các cơ xung quanh hàm và môi phải tham gia. Hãy cố phóng đại từng âm thanh và cố gắng để phát âm chính xác.

Tập nâng lông mày: Đột quỵ có thể dẫn đến mất kiểm soát cơ mặt. Lúc đầu, bạn nên bắt đầu bằng cách nâng và hạ lông mày theo nhịp chậm, có kiểm soát. Sau đó, nâng chân mày lên cao nhất có thể và giữ vị trí trong vòng 10 - 15 giây. Lặp lại nhiều lần.

Tập mắt: Khi tập thể dục cho mắt, bạn cũng sẽ được tập luyện cơ mặt. Bắt đầu bằng cách mở và nhắm mắt theo kiểu chậm, có kiểm soát và đảm bảo không di chuyển lông mày. Sau đó, từ từ nhắm mắt bên mặt bị ảnh hưởng mà không để môi nhếch lên trên hoặc lông mày di chuyển xuống. Tập nháy mắt cũng có thể giúp cải thiện biểu cảm trên khuôn mặt.

Tập mũi: Bắt đầu tập mũi bằng cách nhăn mũi và sau đó hít sụt sịt. Tiếp theo, co rút mạnh lỗ mũi và giữ nguyên vị trí càng lâu càng tốt. Lặp lại nhiều lần mỗi ngày.


BS. Phan Thanh Hương
Ý kiến của bạn