1. Vai trò của tập luyện với người mắc tật viễn thị
Tập thể dục không chỉ tốt cho cơ và tim mà còn rất tốt cho mắt và cả người mắc tật viễn thị. Sau đây là cách duy trì hoạt động có thể giúp mắt bạn khỏe mạnh.
- Cải thiện lưu thông máu trong mắt: Máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả mắt. Khi tập thể dục, nhịp tim tăng lên và máu lưu thông tự do hơn, sẽ mang nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn đến mắt, giúp mắt hoạt động tốt hơn và khỏe mạnh hơn.
- Ngăn ngừa các tình trạng về mắt như tăng nhãn áp: Áp lực nội nhãn về cơ bản là áp suất bên trong mắt, nếu cao có thể gây hại và thường liên quan đến bệnh tăng nhãn áp - một tình trạng mắt nghiêm trọng, có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn tới mất thị lực. Hoạt động thể chất đã được phát hiện là giúp giảm áp lực này, giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.
- Tăng cường xử lý thị giác và chức năng nhận thức: Tập thể dục không chỉ giúp tăng cường cơ bắp mà còn giúp não bộ sắc bén hơn. Điều này bao gồm các phần não giúp bạn nhìn và xử lý thông tin thị giác. Vì vậy, bằng cách duy trì hoạt động, bạn không chỉ giữ cho cơ thể khỏe mạnh mà còn cải thiện khả năng nhận thức về thị giác (chức năng nhìn).
2. Một số bài tập tốt nhất cho người mắc viễn thị
Tập thể dục giúp bạn duy trì thị lực sắc nét và giữ cho đôi mắt ở trạng thái tốt nhất có thể. Việc kết hợp tập thể dục vào thói quen hàng ngày không phải là điều khó khăn. Đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bất kỳ hoạt động nào làm tăng nhịp tim đều có thể mang lại điều kỳ diệu cho thị lực.
2.1 Các bài tập mắt hữu ích dành cho những người bị viễn thị
Sử dụng các kỹ thuật rèn luyện và bài tập cho mắt sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe của mắt. Một số bài tập cho mắt có thể giúp cải thiện thị lực cho những người bị viễn thị.
- Bài tập tăng cường cơ mắt
Bài tập này giúp rèn luyện độ đàn hồi của cơ mắt, một yếu tố quan trọng để uốn cong thủy tinh thể và cần thiết để mắt bạn có thể hội tụ ánh sáng một cách chính xác:
- Di chuyển mắt sang bên trái và cố gắng nhìn vào tai trái, giữ nguyên. Sau một lúc làm tương tự với bên phải.
- Giữ đầu thẳng, hãy hướng mắt theo đường chéo, cả lên và xuống (nhìn vào lông mày khi nhìn lên và vai khi nhìn xuống).
- Giữ cơ thể đứng yên, hướng thẳng, di chuyển mắt lên trên hết cỡ, sau đó nhìn xuống chân, giữ nguyên một lúc.
- Lặp lại tất cả các bước này nhiều lần.
- Kết thúc bài tập bằng cách đảo mắt theo một vòng tròn hoàn chỉnh, cố gắng loại bỏ mọi căng thẳng và áp lực khỏi mắt và cơ mặt.
Hãy thử bài tập này hai lần một ngày, một lần khi thức dậy và một lần trước khi đi ngủ.
- Bài tập xoay ngón tay cái
Có nhiều bài tập luyện mắt phổ biến khác giúp đối phó với tình trạng viễn thị. Sau đây là một bài tập luyện sử dụng ngón tay cái:
- Nhắm một mắt và che bằng một tay.
- Tay còn lại vươn về phía trước xa nhất có thể, bàn tay nắm chặt, hướng ngón tay cái lên trên
- Tập trung tầm nhìn và sự chú ý vào ngón tay cái, trong khi từ từ di chuyển cánh tay theo vòng tròn.
- Trong khi theo dõi ngón tay cái, hãy từ từ di chuyển cánh tay ba lần theo mỗi hướng.
- Bắt đầu di chuyển toàn bộ cơ thể trong khi theo dõi ngón tay cái.
- Từ từ bỏ tay đang che mắt ra và chú ý đến sự khác biệt giữa hai mắt.
Bài tập xoay ngón tay cái giúp phát triển mắt và cải thiện nhận thức, giúp ích cho khả năng thị giác. Đảm bảo rằng thực hiện các bài tập này mỗi ngày.
- Bài tập chuyển tiêu điểm: Nhìn thẳng về phía trước rồi nhanh chóng chuyển tiêu điểm giữa hai vật thể ở xa nhiều lần. Đảm bảo chớp mắt giữa các lần tập trung để mắt không bị căng thẳng vì tập trung quá nhiều và quá thường xuyên vào một vật thể.
- Bài tập nhắm mục tiêu ở khoảng cách gần: Tìm một vật ở khoảng cách gần và tập trung vào vật đó trong khoảng 20 giây trước khi chuyển tiêu điểm sang một vật xa hơn trong 20 giây nữa, lặp lại quá trình này nhiều lần mà không làm mắt căng thẳng quá mức trong suốt bài tập.
- Bài tập chuyển động mắt: Chọn ba mục tiêu khác nhau trong tầm nhìn của bạn: Một mục tiêu cận cảnh, một mục tiêu trung bình và một mục tiêu xa, nhanh chóng di chuyển mắt qua lại giữa chúng trong khi hình dung ra hai đường chéo nối mỗi mục tiêu để tạo thành hình chữ "X" (nói cách khác là di chuyển mắt như thể bạn đang vẽ một hình dạng tương tự chữ X). Ngoài ra, hãy nhớ hít thở sâu nhiều lần trong suốt bài tập này để thư giãn mọi căng thẳng hoặc mệt mỏi mà bạn có thể cảm thấy trong buổi tập này.
Bằng cách kết hợp các bài tập mặt đơn giản dễ thực hiện này vào thói quen hàng ngày, hỗ trợ mắt viễn thị khỏe mạnh hơn, có thể loại bỏ nhu cầu đeo kính và kính áp tròng.
2.2 Các hoạt động khác
- Các hoạt động hiếu khí:
+ Đi bộ: Đi bộ thường xuyên giúp tăng lưu lượng máu và cung cấp oxy cho mắt.
+ Đạp xe: Điều này thúc đẩy hệ thống tuần hoàn tốt hơn, cho phép máu giàu oxy đến mắt một cách hiệu quả
- Rèn luyện sức mạnh
Rèn luyện sức mạnh hoặc các hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe toàn thân cũng có thể gián tiếp hỗ trợ sức khỏe thị lực bằng cách tăng cường khả năng duy trì lưu lượng máu tốt của cơ thể, do đó hỗ trợ sức khỏe của mắt, bao gồm:
+ Chống đẩy: Bài tập này tác động đến nhiều cơ trong cơ thể và thúc đẩy lưu lượng máu tốt.
+ Nhảy tấn và ngồi xổm: Các bài tập này tác động đến phần thân dưới và cải thiện sức mạnh, do đó thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn…
3. Lưu ý khi tập luyện
Bằng cách đưa các bài tập này vào thói quen hàng ngày, có thể giúp hỗ trợ thị lực khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến thị lực. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc kiểm tra mắt thường xuyên với bác sĩ nhãn khoa là điều cần thiết. Các bài tập này là phương pháp hỗ trợ chứ không phải là phương pháp thay thế cho việc chăm sóc mắt chuyên nghiệp.
Khi tập luyện cần lưu ý:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Đối với các bài tập chuyên biệt cho mắt, nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa trước khi thực hiện.
- Đặt mục tiêu thực tế, cụ thể: Nếu bạn mới tập thể dục, hãy bắt đầu với các bài tập ngắn hơn, dễ thực hiện hơn. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu bằng cách đi bộ 10 phút, rồi tăng dần thời lượng cũng như cường độ tập luyện… và kiên trì tập luyện.
- Xem xét lịch trình phù hợp: Chọn thời điểm trong ngày mà bạn có nhiều khả năng thực hiện nhất. Nếu bạn là người của buổi sáng, hãy cân nhắc dành thời gian để tập thể dục trước khi bắt đầu ngày mới.
- Thực hiện cùng một thói quen có thể trở nên nhàm chán, do đó, kết hợp các hoạt động khác nhau để tạo nên sự thú vị trong tập luyện và rèn luyện cơ thể.
Bắt đầu một thói quen tập thể dục không phải là một nhiệm vụ khó khăn nhưng bằng cách đặt ra các mục tiêu thực tế, lập kế hoạch phù hợp với sở thích của cá nhân, tìm các hoạt động ưa thích và đưa chúng vào cuộc sống hàng ngày, bạn có thể xây dựng thói quen tập thể dục bền vững. Điều này không chỉ thúc đẩy sức khỏe tổng thể của bạn mà với các hoạt động phù hợp, bạn cũng có thể hỗ trợ thị lực khỏe mạnh.
Tin có thể bạn quan tâm: