Bài tập nào tốt cho người hoại tử chỏm xương đùi?

05-12-2024 17:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập luyện thể chất có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bị hoại tử chỏm xương đùi...

1. Vai trò của tập luyện đối với người hoại tử chỏm xương đùi

Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng một phần hoặc toàn bộ chỏm xương đùi bị hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến hủy hoại cấu trúc xương và khớp, gây đau đớn, giảm chức năng vận động, thậm chí tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh bao gồm các chấn thương như gãy xương, trật khớp háng hoặc sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài, nghiện rượu hoặc do các bệnh lý như lupus ban đỏ, bệnh hồng cầu hình liềm hay viêm khớp dạng thấp...

Triệu chứng thường gặp là đau âm ỉ ở vùng háng, đùi, hoặc mông, cường độ đau tăng dần khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Nếu không được điều trị, tình trạng đau có thể trở nên liên tục và nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển.

Điều trị bao gồm các biện pháp không phẫu thuật như giảm tải trọng lên khớp, sử dụng thuốc giảm đau, hoặc phẫu thuật thay khớp háng trong các trường hợp nặng. Việc phát hiện và can thiệp sớm có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn chức năng khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Bài tập nào tốt cho người hoại tử chỏm xương đùi?- Ảnh 1.

Tập luyện thể chất có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bị hoại tử chỏm xương đùi, nếu được thực hiện đúng cách và phù hợp với tình trạng bệnh. Mặc dù bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi cần hạn chế các hoạt động tạo áp lực lớn lên khớp háng, nhưng các bài tập nhẹ nhàng được hướng dẫn khoa học có thể mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Một trong những vai trò chính của tập luyện là giúp duy trì sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp háng, đặc biệt là nhóm cơ vùng mông, đùi và hông. Các cơ khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tốt hơn cho khớp, giảm tải trọng lên chỏm xương đùi bị tổn thương; đồng thời, tập luyện giúp cải thiện sự linh hoạt và phạm vi vận động của khớp háng, giúp bệnh nhân di chuyển dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, các bài tập thể dục còn kích thích tuần hoàn máu, giúp tăng cường khả năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến vùng bị tổn thương, hỗ trợ quá trình hồi phục của xương. Tập luyện cũng góp phần giảm đau tự nhiên thông qua việc kích thích cơ thể sản xuất các chất giảm đau nội sinh như endorphin, từ đó giúp người bệnh giảm sự phụ thuộc vào thuốc giảm đau.

2. Những bài tập tốt nhất cho người hoại tử chỏm xương đùi

Bài tập nào tốt cho người hoại tử chỏm xương đùi?- Ảnh 2.

Tư thế cây cầu kích thích lưu thông máu đến chỏm xương đùi (ảnh minh họa).

2.1. Tư thế cây cầu

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa trên thảm tập, hai tay xuôi theo người, đầu gối co lại, lòng bàn chân chạm đất.

+ Từ từ nâng hông lên, tay có thể nắm lại dưới hông hoặc có thể giữ xuôi dọc cơ thể như ban đầu.

+ Giữ tư thế trong 10-15 giây, sau đó hạ người về tư thế ban đầu.

+ Thực hiện tư thế 10- 15 lần.

- Tác dụng: Tư thế cây cầu giúp nâng vùng hông lên cao, từ đó kích thích lưu thông máu đến chỏm xương đùi, cải thiện khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất, hỗ trợ quá trình phục hồi; đồng thời tư thế này còn có tác dụng kéo giãn nhẹ nhàng vùng hông và đùi, giúp cải thiện độ linh hoạt của khớp háng.

2.2. Bài tập đá chân trước - sau

- Cách thực hiện:

+ Đứng thẳng, tay bám vào tường, ghế hoặc một điểm tựa để giữ thăng bằng.

+ Hai chân thẳng, cơ thể thả lỏng.

+ Đưa một chân về phía trước trong phạm vi thoải mái, sau đó đá nhẹ nhàng ra phía sau.

+ Chuyển động phải chậm rãi và có kiểm soát, không dùng lực để đá quá mạnh.

+ Lặp lại động tác từ 10-15 lần rồi đổi bên và lặp lại tương tự.

+ Trong suốt quá trình, giữ nhịp thở đều và cố gắng duy trì tư thế thẳng.

- Tác dụng: Động tác đá chân giúp khớp háng trở nên linh hoạt hơn, giảm tình trạng cứng khớp do hoại tử chỏm xương đùi; đồng thời bài tập này còn giúp duy trì sức mạnh, kích hoạt các nhóm cơ vùng hông và đùi, giảm nguy cơ teo cơ do giảm vận động.

2.3. Bài tập nâng chân bên hông

Bài tập nào tốt cho người hoại tử chỏm xương đùi?- Ảnh 3.

Bài tập nâng chân bên hông giúp duy trì cân bằng lực giữa hai bên khớp háng (ảnh minh họa).

- Cách thực hiện:

+ Nằm nghiêng bên phải trên thảm tập, đặt một chiếc khăn nhỏ hoặc tay phải dưới đầu để hỗ trợ đầu và cổ.

+ Đặt tay trái ở phía bên hông trái hoặc trước thắt lưng để ổn định phần trên cơ thể. Hai chân mở rộng hoàn toàn và xếp chồng lên nhau mà không khóa đầu gối, cơ thể tạo thành một đường thẳng.

+ Bắt đầu chuyển động lên bằng cách nâng chân trái lên cách chân phải 20-30 cm, giữ tư thế 3-5 giây.

+ Từ từ hạ chân trở lại vị trí ban đầu và đổi chân

- Tác dụng: Bài tập này giúp duy trì cân bằng lực giữa hai bên khớp háng, ngăn ngừa lệch trục do đau hoặc yếu cơ. Điều này đặc biệt quan trọng với người bị hoại tử chỏm xương đùi, vì họ dễ mất cân bằng khi di chuyển.

2.4. Bài tập kéo giãn cơ hông ở tư thế đứng

- Cách thực hiện:

+ Đứng thẳng. Đặt tay trên hông hoặc trên đầu gối về phía trước.

+ Tiến một bước về phía trước bằng chân phải để bạn đang đứng ở tư thế tách đôi.

+ Hạ đầu gối phải xuống sao cho nó ở một góc 90 độ. Chân trái duỗi thẳng ra phía sau.

+ Giữ tư thế trong 20 - 30 giây. Thả ra và đổi chân bên kia.

- Tác dụng: Bài tập giúp kéo giãn cơ gấp háng, giúp làm giảm sự căng thẳng ở khu vực xung quanh khớp háng, có thể giúp giảm đau do hoại tử chỏm xương đùi gây ra. Ngoài ra, việc kéo giãn thường xuyên giúp duy trì sự linh hoạt cho khớp và cơ vùng hông, ngăn ngừa tình trạng cơ bị teo hoặc khớp bị cứng do ít vận động.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Đối với người bị hoại tử chỏm xương đùi, cần bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ khi cơ thể quen dần với các chuyển động, tránh bắt đầu với những bài tập mạnh ngay lập tức.

- Không thực hiện các động tác gây áp lực mạnh hoặc gập khớp háng quá mức, đặc biệt là khi thực hiện các động tác có thể tạo áp lực trực tiếp lên chỏm xương đùi.

- Tập luyện đúng kỹ thuật và kiểm soát động tác giúp giảm thiểu rủi ro chấn thương, nâng cao hiệu quả, hãy luôn nhớ thở sâu và đều trong suốt buổi tập.

- Các bài tập thể dục và yoga tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi chiều. Đây là thời gian cơ thể đã sẵn sàng và linh hoạt hơn, giúp giảm nguy cơ chấn thương, tăng hiệu quả tập luyện.

- Khi cơ thể đang bị bệnh, đặc biệt là khi có các triệu chứng như sốt, cảm cúm, mệt mỏi, hoặc bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào thì không nên tập luyện. Tập luyện trong thời gian này có thể làm cơ thể bị suy yếu, làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phát hiện hoại tử chỏm xương đùi với biểu hiện đau vùng hông, hạn chế co duỗi đùi | SKĐS


BSNT Phan Bích Hằng
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn