Hà Nội

Bài tập nào tốt cho người bệnh trầm cảm?

02-11-2024 07:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập thể dục giúp ngăn ngừa và cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó làm giảm triệu chứng trầm cảm, có thể phòng ngừa tái phát bệnh…

1. Lợi ích của tập thể dục với người bệnh trầm cảm

Tập thể dục thường xuyên là một cách tốt để giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát chứng trầm cảm như:

  • Giúp nâng cao tâm trạng thông qua việc cải thiện thể lực.
  • Cải thiện giấc ngủ.
  • Tăng mức năng lượng.
  • Giúp ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực.
  • Giúp mọi người cảm thấy bớt cô đơn hơn khi tập thể dục cùng người khác.

Tập thể dục giúp giải phóng endorphin - là chất hóa học tự nhiên trong não có thể cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng, tăng cảm giác hạnh phúc, giúp người bệnh thoát khỏi vòng suy nghĩ tiêu cực gây ra trầm cảm và lo lắng.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập thể dục có thể là một phương pháp điều trị hữu ích vừa phải cho chứng trầm cảm nhẹ đến trung bình ở người lớn. Do đó, tập thể dục nên được coi là một thay đổi lối sống quan trọng, được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị trầm cảm khác. Những người mắc bệnh tim hoặc hô hấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình tập thể dục.

2. Các bài tập dễ thực hiện cho người trầm cảm

2.1 Chạy bộ giúp tăng cường tâm trạng tự nhiên

Chạy bộ giúp kích thích một số chất hóa học trong não, giải phóng endorphin, tăng cảm giác hưng phấn. Người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn về tổng thể bằng cách giảm căng cơ, cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm lo lắng.

Nên chạy bộ ít nhất 30 phút/ngày, trong 3-5 ngày/tuần, có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm. Nếu bạn không có nhiều thời gian, thậm chí chỉ cần tập thể dục từ 10 - 15 phút cũng cũng tạo ra sự khác biệt.

2.2 Bài tập trọng lượng

người phụ nữ nâng tạ ngồi trên quả bóng tập thể dục trong nhà

Tập tạ giúp tăng lưu lượng máu, tăng cơ, cải thiện cơ thể, hình ảnh… tăng cảm giác hài lòng.

Các bài tập rèn luyện sức mạnh như tập tạ cũng giúp giảm các triệu chứng trầm cảm. Đối với một số người bị trầm cảm ở mức độ nhẹ đến trung bình, tập tạ có thể là một phương pháp luyện tập mang tính thiền định. Khi tập tạ, tâm trí sẽ tập trung vào nhiệm vụ trước mắt mà không nghĩ đến bất cứ điều gì khác.

Ngoài ra, tập tạ giúp tăng lưu lượng máu, tăng cơ, cải thiện cơ thể, hình ảnh… tăng cảm giác hài lòng. Chỉ cần bắt đầu từ từ, sử dụng sự hỗ trợ của huấn luyện viên cá nhân nếu cần.

2.3 Yoga

Tập yoga là một hoạt động khác có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm, đặc biệt là khi kết hợp với các phương pháp điều trị thông thường, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức.

Yoga có tác dụng chống trầm cảm rất tốt, do cải thiện tính linh hoạt, liên quan đến chánh niệm, giúp phá vỡ những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, tăng sức mạnh, làm cho bạn nhận biết được hơi thở của mình, cải thiện sự cân bằng...

2.4 Thái cực quyền

Người phụ nữ trưởng thành tập Thái Cực Quyền ngoài trời

Thái cực quyền là phương pháp có thể giúp giảm bớt trầm cảm.

Với việc thực hành các động tác chậm rãi, nhẹ nhàng của thái cực quyền giúp giảm căng thẳng, giảm các triệu chứng trầm cảm.

Luyện tập thái cực quyền trong môi trường nhóm cũng đóng một vai trò trong việc giảm trầm cảm. Lớp học nhóm có thể củng cố ý thức tự chủ, kết nối với những người khác.

3. Lưu ý khi tập luyện ở người bệnh trầm cảm

Những người bị trầm cảm có thể thấy khó khăn khi bắt đầu hoặc tạo động lực để tiếp tục tập thể dục trong thời gian dài.

Dưới đây mà một số cách giúp bạn bắt đầu:

- Bắt đầu từ đơn giản: Bắt đầu với các hoạt động đơn giản như mua sắm, làm vườn hoặc các công việc nhỏ của gia đình. Tăng dần mức độ hoạt động để cải thiện sự tự tin, tạo động lực cho các hoạt động năng động hơn.

- Làm những điều mình thích: Những người bị lo âu hoặc trầm cảm thường mất hứng thú, niềm vui khi làm những việc mà họ từng thích. Lên kế hoạch cho các hoạt động mà bạn từng thấy thú vị, hấp dẫn, thư giãn hoặc thỏa mãn với bạn bè hoặc gia đình… theo thời gian, những hoạt động này sẽ lại trở nên thú vị.

- Giao lưu với người khác: Những người mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm thường xa lánh người khác, nhưng việc tiếp tục giao lưu là một phần quan trọng của quá trình phục hồi. Giữ liên lạc với bạn bè và gia đình có thể giúp tăng cường sức khỏe, sự tự tin, đồng thời tạo cơ hội để giao lưu.

- Lên kế hoạch: Lập kế hoạch cho thói quen tập luyện giúp mọi người trở nên năng động hơn. Đảm bảo rằng một số hình thức tập thể dục được đưa vào mỗi ngày. Cố gắng tuân thủ kế hoạch càng chặt chẽ càng tốt, nhưng phải linh hoạt.

- Đặt mục tiêu hợp lý: Nhiệm vụ của bạn không nhất thiết phải đi bộ một giờ, năm ngày một tuần. Hãy suy nghĩ thực tế về những gì bạn có thể làm. Sau đó bắt đầu từ từ rồi tăng dần theo thời gian. Hãy lập kế hoạch phù hợp với nhu cầu, khả năng của bạn thay vì đặt ra những mục tiêu mà bạn khó đạt được.

- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới để đảm bảo an toàn cho bạn. Bác sĩ sẽ xem xét bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng, tình trạng sức khỏe và có lời khuyên hữu ích về việc bắt đầu và tập luyện đúng hướng.

Đối với hầu hết người lớn khỏe mạnh, hướng dẫn tập thể dục của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến nghị ít nhất 150 phút hoạt động aerobic vừa phải mỗi tuần, hoặc dành ít nhất 75 phút hoạt động aerobic mạnh mẽ mỗi tuần.

Hãy đặt mục tiêu tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, nhưng ngay cả một lượng nhỏ hoạt động thể chất cũng có thể hữu ích. Hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như 10 - 15 phút mỗi lần, suốt cả ngày cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nếu bạn tập thể dục thường xuyên nhưng các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, hãy gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nên nhớ, tập thể dục và hoạt động thể chất là những cách tuyệt vời để giảm bớt các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng, nhưng chúng không thay thế liệu pháp trị liệu hoặc thuốc.

Mời bạn xem thêm video:

Thực phẩm nào tốt cho việc hỗ trợ điều trị trầm cảm?


BS. Tăng Minh Hoa
Ý kiến của bạn