Hà Nội

Bài tập nâng cao sức khỏe cho người bệnh ung thư âm đạo

28-10-2024 10:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Phụ nữ bị ung thư âm đạo cần xây dựng cho mình những bài tập thể dục thể thao hợp lý để cải thiện sức khỏe tổng thể, nâng cao tinh thần và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

1. Vai trò của luyện tập với người bị ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo là một loại ung thư xảy ra trong âm đạo phụ nữ (phần ống cơ nối tử cung với bộ phận sinh dục ngoài) khi các tế bào trong âm đạo nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ thể. Mặc dù một số loại ung thư có thể lan (di căn) đến âm đạo từ những nơi bộ phận khác trong cơ thể, nhưng ung thư bắt đầu từ âm đạo (ung thư âm đạo nguyên phát) là rất hiếm.

Dấu hiệu của ung thư âm đạo không phải lúc nào cũng có các triệu chứng rõ ràng.

Tuy nhiên, bên cạnh ung thư cổ tử cung, hầu hết các bệnh ung thư âm đạo có thể do nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV) dai dẳng.

Ngoài ra, bệnh viêm âm đạo nếu không được điều trị sớm và dứt điểm thì nguy cơ phát triển thành ung thư là rất lớn.

Bài tập nâng cao sức khỏe cho người bệnh ung thư âm đạo- Ảnh 1.

Dấu hiệu của ung thư âm đạo không phải lúc nào cũng có các triệu chứng rõ ràng. Ảnh minh họa

Đến nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ nguyên nhân gây ung thư âm đạo. Vì vậy, việc chủ động tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bằng lối sống lành mạnh, vận động hằng ngày, vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là vùng sinh dục... là điều tốt nhất để phòng ngừa viêm nhiễm, nâng cao sức khỏe tổng thể, phòng ngừa ung thư.

Đối với bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư âm đạo nói riêng, cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp và một số bài tập nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Theo BS. Phan Bích Hằng, BV Đại học Y Hà Nội khi luyện tập cơ thể sẽ tiết ra các loại hormon hạnh phúc có thể kể đến như: Endorphin, serotonin và dopamin... giúp người bệnh giảm đi sự lo lắng, căng thẳng và đau khổ về cảm xúc, tạo thêm động lực sống và cảm giác hạnh phúc hơn, hài lòng về cuộc sống hiện tại.

2. Bài tập tốt cho bệnh nhân ung thư âm đạo

2.1 Bài tập thở

Khi thực hiện bài tập thở giúp người bệnh khởi động quá trình tập luyện và giảm căng thẳng, người bệnh tập trung và thư giãn hơn.

Cách thực hiện:

Ngồi hoặc nằm thoải mái trên sàn.

Hít vào nhẹ nhàng bằng mũi theo nhịp đếm đến 3 hoặc 4 (tùy theo nhịp nào thoải mái nhất đối với bạn), sau đó thở ra nhẹ nhàng bằng mũi theo nhịp đếm gấp đôi (6 hoặc 8).

Tiếp tục cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái. Bài tập thở có thể thực hiện tại nhà hoặc trong phòng chờ trước khi gặp bác sĩ hay trước và sau các thủ thuật, hóa trị.

2.2 Bài tập Yoga

Nghiêng cổ

Bài tập này giúp tăng cường cơ cổ, thư giãn cổ, lưng trên và giảm căng thẳng.

Bài tập nâng cao sức khỏe cho người bệnh ung thư âm đạo- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cách thực hiện:

Ngồi thẳng trên ghế hoặc sàn. Giữ đầu thẳng, mắt nhìn về phía trước. Hít thở đều đặn trong suốt quá trình tập động tác này.

Nhẹ nhàng nghiêng đầu sang trái, kéo tai trái về phía vai trái. Giữ nguyên tư thế trong 30 giây và cảm nhận sự kéo giãn cơ cổ bên phải.

Từ từ xoay đầu về phía trước và di chuyển sang phải cho đến khi tai phải gần vai phải. Giữ nguyên tư thế và cảm nhận sự kéo giãn ở cơ cổ bên trái.

Thực hiện 5 lần lặp lại mỗi bên. Nếu cảm thấy khó chịu trong khi thực hiện động tác này, hãy dừng lại ngay lập tức.

2.3 Tư thế ngọn núi (Tadasana)

Bài tập này giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện tư thế, tăng cường sự tập trung.

Cách thực hiện:

Ngồi thẳng trên ghế hoặc ở tư thế khoanh chân thoải mái trên sàn, cột sống lưng thẳng, hai tay thả lỏng hai bên. Giữ hơi thở thư giãn và đều đặn.

Kéo giãn nhẹ cột sống và kéo dài cổ. Thả lỏng và thư giãn các cơ trên khuôn mặt.

Khi hít vào, đưa vai lên ngang tai và thở ra, thả lỏng vai xuống hoàn toàn. Giữ vai ổn định ở tư thế này.

Giữ nguyên tư thế trong 30 giây đến vài phút, sau đó thả ra.

2.4 Tư thế con mèo/con bò (Chakravakasana)

Tư thế này tăng cường lưu thông máu đến bụng, kéo giãn lưng và phần thân.

Cách thực hiện:

Đặt 2 lòng bàn tay chống xuống thảm trải sàn, cánh tay thẳng, chống hai đầu gối và mũi chân xuống sàn, tạo thành tư thế giống như em bé đang tập bò.

Với tư thế con bò, bạn hít vào, uốn cong nhẹ cột sống về phía sau. Đồng thời xoay vai về phía xương bả vai. Tư thế này giống như con bò đang uống nước. Bạn nâng cằm và ngực bằng cách nhìn lên trần nhà mà không xoay cổ.

Với tư thế con mèo, bạn thở ra, hóp bụng vào cột sống và đẩy lưng lên về phía trần nhà. Tư thế sẽ trông giống như một con mèo đang duỗi lưng. Bạn đưa vai về phía trước và thả cằm về phía ngực bằng cách nhìn về phía rốn nhưng không ép cằm vào ngực.

Xen kẽ giữa tư thế con bò và con mèo trong 3 - 5 lần hít vào và thở ra.

2.5 Tư thế đầu gối chạm ngực biến thể (Pawanmuktasana)

Khi thực hiện tư thế này sẽ giúp người bệnh săn chắc bụng, giảm căng thẳng ở lưng, giúp giảm đầy hơi.

Cách thực hiện:

Nằm ngửa, hai chân khép lại, hai tay thả lỏng dọc theo cơ thể.

Hít vào, sau đó, khi thở ra, cong đầu gối phải và kéo về phía ngực.

Nhẹ nhàng nắm chặt tay quanh ống chân.

Hít thở sâu và chậm trong khi nhẹ nhàng giữ chân ở tư thế này.

Khi thở ra, thả chân, tay ra và đưa về vị trí ban đầu.

Lặp lại ở phía bên kia.

2.6 Thư giãn sâu (Savasana)

Tư thế này giúp thư giãn cơ thể, làm dịu hơi thở, tâm trí.

Cách thực hiện:

Nằm trên sàn hoặc giường, kê một chiếc gối dưới đầu và nếu muốn, kê một chiếc gối dưới đầu gối.

Thư giãn cánh tay bên cạnh cơ thể, lòng bàn tay hướng lên trên. Nhắm mắt lại.

Bắt đầu cảm nhận cơ thể và hướng suy nghĩ từ bàn chân, cảm nhận mọi căng thẳng tan biến ở bàn chân, sau đó là mắt cá chân, cẳng chân, đầu gối và đùi.

Tiếp tục quét qua thân, cánh tay, đầu và mặt.

Cảm nhận chút căng thẳng cuối cùng trôi lên đỉnh đầu.

Tập trung vào hơi thở khi bạn hít vào và thở ra nhẹ nhàng, giữ nguyên tư thế này trong thời gian bạn muốn, nhưng ít nhất là trong vài phút.

Sau đó, nhẹ nhàng lắc lư các ngón tay và ngón chân, cánh tay và chân, trước khi ngồi dậy.

Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện đi bộ ngắn, bơi lội nếu tình trạng sức khỏe cho phép.

3. Lưu ý khi tập luyện cho người bị ung thư âm đạo

Đối với phụ nữ bị ung thư âm đạo cần lựa chọn những bài tập sao cho phù hợp với thể trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh và các phương pháp điều trị đang áp dụng.

Bài tập nâng cao sức khỏe cho người bệnh ung thư âm đạo- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tốt nhất, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào. Trong quá trình tập cần khởi động kỹ trước khi tập và thả lỏng sau khi tập. Lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi. Nếu cảm thấy đau bất kỳ chỗ nào, nên ngừng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

3.1. Thời điểm tập tốt nhất trong ngày

Người bệnh nên tập luyện vào thời điểm cơ thể cảm thấy thoải mái nhất, thường là vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối sau khi ăn tối ít nhất 2 giờ. Tránh tập luyện ngay sau khi ăn hoặc khi trời quá nóng hoặc quá lạnh.

3.2. Người đang ốm có nên tập không?

Nếu đang bị cảm lạnh hoặc cúm nhẹ, bạn vẫn có thể tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga. Tuy nhiên, nếu bạn bị sốt, ớn lạnh hoặc đau nhức cơ thể, hãy nghỉ ngơi cho đến khi cảm thấy khỏe hơn. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện nếu bạn đang mắc bất kỳ bệnh lý nào khác.

3.3. Cách tập không gây hại

Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc huấn luyện viên thể dục để xây dựng chương trình tập luyện phù hợp với bản thân. Theo dõi sức khỏe của bản thân trong khi tập luyện và báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi nào. Ngừng tập luyện và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cảm thấy đau.


M.H (th)
Ý kiến của bạn