1. Vai trò của tập luyện nâng cao sức khỏe đối với người bệnh u nang buồng trứng
1.1 Tập thể dục có thể làm dịu các triệu chứng
Theo đánh giá vào tháng 2 năm 2019 của 27 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Systematic Reviews, hoạt động thể chất thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, hoạt động xã hội và sức khỏe tinh thần.
TS. Felice Gersh, chuyên gia sức khỏe sinh sản tại Mỹ cũng cho biết, tập thể dục có tác dụng cải thiện giấc ngủ, nâng cao tâm trạng, giúp người bệnh u nang buồng trứng giảm căng thẳng, lo âu có thể dẫn đến stress, giúp giảm đau đầu, đau vùng chậu...
1.2 Quản lý lượng đường trong máu
U nang buồng trứng ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng và hoạt động của buồng trứng. Từ đó, cơ thể người phụ nữ không thể hấp thu insulin một cách trọn vẹn, sinh ra tình trạng kháng insulin. Lúc này, lượng insulin tích tụ trong máu cũng tăng cao hơn mức bình thường, không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng hỗ trợ các hoạt động của cơ thể. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường do kháng insulin gây ra.
1.3 Tập thể dục thúc đẩy giảm cân
Ngoài ra, kháng insulin cũng khiến cho nội tiết tố nam androgen dần tăng lên ở người bệnh u nang buồng trứng. Dưới tác động của nội tiết tố này, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, bao gồm cả tình trạng thừa cân, cân nặng tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, vùng được cho là phát triển và to hơn chính là vùng bụng.
Tin vui là theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), khi tập thể dục kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm cân, giảm nồng độ androgen và đưa chu kỳ kinh nguyệt trở lại đúng hướng và cải thiện cơ hội mang thai, cũng như giảm mụn trứng cá và cải thiện tình trạng rậm lông.
2. Các bài tập hiệu quả dành cho người bệnh u nang buồng trứng
Không có bài tập nào tốt nhất cho tất cả người bệnh u nang buồng trứng. Tuy nhiên, người bệnh nên thực hiện các hoạt động yêu thích và có thể thực hiện thường xuyên nhằm đạt được những mục tiêu về sức khỏe. Các bài tập nhẹ nhàng sẽ hỗ trợ giảm kích thước u nang buồng trứng. Bạn có thể tham khảo một số tư thế yoga sau:
2.1. Tư thế cánh bướm
Tư thế cánh bướm giúp chị em kéo căng và thư giãn cơ vùng xương chậu, do đó rất hiệu quả trong việc giảm bớt khó chịu trong chu kỳ hành kinh, cũng như cải thiện chứng đau do u nang buồng trứng.
Hướng dẫn:
Chị em ngồi trên thảm, giữ cơ thể thẳng và tập trung vào nhịp thở; Tiến hành gập gối sao cho hai lòng bàn chân chạm vào nhau và gót chân chạm vào xương chậu: Từ từ đưa chân đến gần cơ thể càng sâu càng tốt và dùng hai tay nắm lấy hai chân; Hít vào và nâng chân lên, sau đó hạ xuống giống như cánh bướm đang vỗ; Tập lặp lại trong 5 phút.
2.2. Tư thế bướm ngả người
Tư thế tập này tương tự tư thế cánh bướm, nhưng khi thực hiện thì chị em cần nằm xuống. Tư thế bướm ngả người kích thích các cơ quan trong ổ bụng người tập.
Hướng dẫn:
Bắt đầu bằng tư thế ngồi trên thảm, gối gấp và đặt bàn chân vào nhau, tương tự như thế cánh bướm; Đặt tay phải trên bụng và tay trái trên tim; Hít sâu và dần dần bắt đầu nghiêng cột sống ra sau cho đến khi lưng tựa vào thảm phía sau; Chống đầu gối xuống sàn và nâng bàn chân lên ngang đùi; Giữ tư thế này trong 5 nhịp thở và lặp lại 10 phút.
2.3. Tư thế rắn hổ mang
Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana) là tư thế yoga cơ bản giúp uốn dẻo lưng, kéo căng cơ và tăng cường sức mạnh cho cánh tay cũng như phần bả vai. Tư thế yoga này cũng giúp làm ấm cơ thể và cải thiện lưu thông máu. Do đó cải thiện các bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng và kinh nguyệt của phụ nữ, trong đó có bệnh u nang buồng trứng.
Hướng dẫn:
Người tập nằm úp mặt trên thảm, hai tay co lại và lòng bàn tay úp xuống thảm. Phần khuỷu tay hơi gập nhẹ; Mở rộng lồng ngực và thư giãn vai; Hít vào thật sâu, sau đó thở ra và đẩy cơ thể ra sau; Giữ tư thế này và thở tự do.
2.4. Tư thế Chakki Chalanasana
Tư thế này bắt chước hoạt động của một cối xay lúa bằng tay di động. Các động tác giúp mở rộng khung xương chậu và cân bằng nội tiết tố nữ, qua đó giúp cải thiện tình trạng u nang buồng trứng.
Hướng dẫn:
Người tập ngồi trên sàn hoặc thảm với 2 chân dang rộng; Các ngón tay đan vào nhau, lòng bàn tay hướng vào nhau, cánh tay rộng bằng vai nhưng để ở phía trước; Hít thở sâu và bắt đầu tạo một vòng tròn tưởng tượng với thân trên và thân mình, cánh tay di chuyển theo lưng; Hít vào khi di chuyển về phía trước và bên phải, thở ra khi di chuyển về phía sau và sang trái; Lặp lại quá trình này 10 đến 15 lần theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ.
3. Người bệnh u nang buồng trứng cần tránh loại bài tập nào?
Mặc dù các tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp thúc đẩy sức khỏe tối ưu, qua đó hỗ trợ giảm kích thước khối u nang buồng trứng, tuy nhiên, những bài tập thể dục cường độ cao lại mang lại tác dụng ngược lại khi có thể khiến u nang vỡ hoặc tăng khả năng xoắn cuống. Hậu quả là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Đau bụng đột ngột và dữ dội kết hợp tiền sử đã được chẩn đoán u nang buồng trứng sẽ gợi ý đến khả năng xoắn hoặc vỡ u.
Hiểu điều này giúp người bệnh u nang buồng trứng lựa chọn loại hoạt động phù hợp với mục tiêu của bản thân, khiến mình cảm thấy thoải mái và thích thú khi tập.
4. Lưu ý trong quá trình tập luyện dành cho người bệnh u nang buồng trứng
- Bắt đầu chậm: Nếu bạn mới tập thể dục và đặc biệt nếu bị đau khớp nên bắt đầu từ từ, nên tránh các động tác, bài tập có khả năng gây tổn hại cho khớp hoặc lưng.
- Chú ý sự khó chịu hoặc đau đớn: Bạn nên tránh bất kỳ loại hoạt động nào gây đau, tê hoặc chóng mặt trong khi tập thể dục hoặc sau đó. Nghỉ ngơi hoặc giảm cường độ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi.
- Kiên nhẫn: Khi thể lực được cải thiện, bạn có thể tăng dần cường độ để nâng cao sức khỏe, cải thiện triệu chứng. Nhưng trên hết, người bệnh nên kiên nhẫn thực hiện đều đặn, trong thời gian dài để thấy hiệu quả.
Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau. Hãy tham vấn bác sĩ và các chuyên gia trị liệu để có được bài tập phù hợp với thể trạng riêng, giúp cải thiện sức khỏe ở người bệnh u nang buồng trứng.