Bài tập làm chậm quá trình tiến triển của bệnh bạch biến

07-07-2024 09:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bạch biến là một rối loạn tự miễn dịch có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Đây là bệnh chưa có cách điều trị triệt để nhưng việc thực hiện các bài tập có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh bạch biến

Tập luyện tăng cường thể lực: Các bài tập nhảy dây, đi bộ, tập thở hay yoga... giúp người bệnh bạch biến nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe.

Làm chậm sự phát triển của bệnh: Nguyên tắc cơ bản nhất của việc tập luyện hàng ngày là giúp người bệnh điều hòa hơi thở. Từ đó, giúp họ theo dõi nhịp tim, duy trì huyết áp thích hợp, chống lại các vấn đề liên quan như cholesterol và bệnh đái tháo đường... 

Khi các bộ phận của cơ thể hoạt động nhịp nhàng, trơn tru sẽ giúp người bệnh có nhiều khả năng chống lại sự phát triển của bệnh bạch biến hơn.

Cải thiện tinh thần: Bệnh bạch biến thường xuất hiện quanh khuỷu tay hoặc vai nhưng cũng có thể gặp ở chân, mặt và quanh mắt. Điều này thường gây tâm lý mất tự tin cho người bệnh. Các bài tập thể dục và yoga giúp người bệnh duy trì tâm trí bình tĩnh và tăng cường sự tự tin.

Ngăn ngừa biến chứng: Bệnh bạch biến không phải là căn bệnh đe dọa tính mạng nhưng có thể gây ra các rối loạn khác. Các bài tập và hoạt động thể chất giúp người bệnh tăng cường thể lực, sức đề kháng để ngăn ngừa biến chứng.

Bạch biến là gì | BvNTP

Bạch biến là một rối loạn tự miễn dịch có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.

2. Các bài tập tốt cho người bệnh bạch biến

2.1. Các tư thế yoga

Tư thế hoa sen

Tác dụng: Tư thế này giúp bạn giải tỏa căng thẳng, tăng tuần hoàn máu và trẻ hóa làn da.

Cách thực hiện: Ngồi thoải mái, giữ cột sống thẳng, đầu và ngực thẳng.

Đặt chân phải lên đùi trái, sau đó đặt chân trái lên đùi phải.

Thực hiện ngồi hoa sen kết hợp với hít thở sâu trong 1 - 2 phút.

Tư thế cái cây

Tác dụng: Tư thế cái cây giúp kéo giãn cột sống và hông, tăng cường sức mạnh cho cánh tay và chân. Tư thế này cũng giúp thư giãn hệ thần kinh và hệ bạch huyết.

Cách thực hiện: Đứng thẳng trên một chân, đặt chân còn lại vào góc đùi trong của chân kia.

Đưa hai tay qua đầu, chắp lại tạo nên hình tượng của một cây.

Cố gắng giữ nguyên tư thế trong ít nhất 30 giây và mở mắt để giữ thăng bằng.

Tư thế cá sấu hay tư thế tấm ván thấp

Tác dụng: Hỗ trợ điều trị bệnh bạch biến, làm dịu tâm trí.

Cách thực hiện:

Bắt đầu với tư thế tấm ván plank, hai chân rộng bằng hông, vai thẳng hàng với cổ tay, từ đỉnh đầu xuống gót chân là một đường thẳng.

Xô người về phía trước, hạ thấp cánh tay sao cho hai khuỷu tay áp vào hai bên sườn.

Hít thở đều và giữ tư thế trong vài nhịp thở.

Tư thế hoa sen - Yoga Club Vietnam

Tư thế hoa sen giúp bạn giải tỏa căng thẳng, tăng tuần hoàn máu và trẻ hóa làn da.

2.2. Các bài tập thở

Thở mũi luân phiên

Tác dụng: Đây là một kỹ thuật thở giúp thông tắc nghẽn, hỗ trợ các rối loạn hô hấp, dị ứng mũi và làm sạch cơ thể. Bài tập thở cũng mang lại sự bình yên, tĩnh lặng cho toàn bộ cơ thể. Bài tập này  giúp người bệnh vượt qua chứng trầm cảm, lo lắng, căng thẳng của bệnh bạch biến và các bệnh ngoài da khác.

Cách thực hiện:

Bài tập thở này được thực hiện bằng cách bịt lỗ mũi phải bằng ngón tay cái và hít vào bằng lỗ mũi trái.

Bịt lỗ mũi trái bằng ngón tay áp út và thở ra bằng lỗ mũi phải.

Hơi thở đại dương

Tác dụng: Bài tập thở này nhằm mục đích loại bỏ các khối tắc nghẽn, cải thiện lưu thông máu lên mặt, mang lại làn da sáng mịn và giải độc cơ thể. Ngoài ra, bài tập này còn giúp giảm căng thẳng và lo lắng, giúp người bệnh ngủ ngon hơn.

Cách thực hiện:

Hít vào bằng mũi, hạn chế phần sau cổ họng và phát ra âm thanh "ha" khi thở ra trước tiên bằng miệng, sau đó bằng mũi trong suốt nhịp thở.

Thở cân bằng

Tác dụng: Với bài tập này, người tập hít vào và thở ra rất mạnh mang lại hiệu ứng làm mát cho da, giúp làm giảm nếp nhăn, nhiễm trùng da, cải thiện lưu thông máu lên não, hỗ trợ kiểm soát bệnh bạch biến.

Cách thực hiện: Ngồi thẳng lưng ở tư thế thoải mái. Hai tay đặt trên đầu gối.

Hít vào một hơi thật sâu và thở hết ra với lượng thời gian bằng nhau. Có nghĩa, khi bạn hít vào và đếm đến 6 thì khi thở ra cũng đếm đến 6.

3. Những lưu ý khi tập luyện với người bệnh bạch biến

Thời điểm tập tốt trong ngày: Với các bài tập dành cho người bệnh bạch biến, tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng sớm, ở nơi yên tĩnh, thoáng mát. Không nên tập vào buổi tối do có thể gây đổ mồ hôi, khó ngủ.

Cách tập không gây hại cơ thể: Không thực hiện các bài tập này ở người bệnh bạch biến đang mang thai hoặc bị chấn thương cổ nghiêm trọng, đau lưng hoặc các vấn đề khác về cột sống.

Nếu thực hiện tập luyện ngoài trời, nên mặc áo dài tay mỏng và bôi kem chống nắng. Tuy nhiên, tốt nhất người bệnh bạch biến nên tập luyện trong nhà, ở nơi có không gian mát mẻ.

Ngoài ra, người bệnh bạch biến không nên tập các bài tập tác động mạnh, mang tính đối kháng cao.

Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện.

Mời bạn xem thêm video

Phương pháp giúp bệnh nhân bạch biến xoá bỏ tự ti, hòa nhập cuộc sống.


DS. Nguyễn Thị Hồng
Ý kiến của bạn