Bài tập khí công điều hòa khí huyết

SKĐS - Theo y học cổ truyền khí là năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Huyết là nguồn nuôi dưỡng các cơ quan tạng phủ.

Khí huyết đầy đủ, âm dương cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh. Tập luyện thường xuyên, vận động hợp lý đóng một vai trò không nhỏ để lưu thông khí huyết, tăng cường khả năng chống chọi của cơ thể với những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, phòng ngừa bệnh tật, duy trì và nâng cao sức khỏe.

Vùng đan điền.

Vùng đan điền.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một bài tập vận động toàn diện, tác động đến toàn bộ cơ thể có tác dụng điều hòa khí huyết toàn thân, xoa bóp nội tạng nhằm nâng cao thể lực, có lợi cho người mắcbệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, các bệnh tim mạch để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

Tư thế chuẩn bị: Đứng thẳng hai chân dạng rộng bằng vai, đầu thẳng, mắt nhìn về phía trước , các cơ mặt giãn, thả lỏng cơ bắp nửa thân trên, 2 tay buông xuôi dọc theo thân mình, bàn tay mở tự nhiên, 2 mông ép vào nhau, thót hậu môn, hơi trùng 2 gối, 2bàn chân bám chặt mặt đất, tập trung ý nghĩ về vùng đan điền (vùng hạ vị gần khớp mu, nơi tàng trữ khí của cơ thể) loại bỏ mọi suy nghĩ khác.

Động tác 1:

Từ từ nâng 2 tay ra trước và nâng lên trên theo hình vòng cung, hai gan tay hướng xuống dưới. Hít vào nhẹ nhàng, tập trung ý nghĩ, tưởng tượng có một luồng khí chạy từ thắt lưng ra hông xuống qua 2 gối tới bàn chân. Khi 2 bàn tay nâng tới tầm ngang vai từ từ xoay 2 cẳng tay hướng vào trong, nhẹ nhàng gấp khuỷu tay, mặt mu 2 bàn tay đối nhau, ngón cái hướng xuống dưới các ngón còn lại hướng về phía trước. Vẫn tiếp tục hít vào, xoay mặt gan bàn tay hướng về phía trước, các ngón tay hướng lên trên, hai bàn tay giữ ở ngang tầm mắt, các nhau một khoảng 40cm. Giữ như vậy đồng thời nín thở trong vòng vài giây.

Động tác 2:

Tiếp ngay sau động tác 1, bắt đầu thở ra từ từ nhẹ nhàng, đưa 2 tay về phía sau ngang 2 bên tai đồng thời co các ngón tay như nắm quả bóng, các ngón tay trông giống như móng vuốt của con hổ vồ mồi. Thả lỏng 2 vai và khuỷu tay, ưỡn ngực ra trước, tập trung ý nghĩ để điều khí về vùng đan điền.

Động tác 3:

Từ tư thế động tác 2 hít vào từ từ đồng thời đưa 2 tay đang nắm “vuốt hổ” ra phía trước , cổ tay gập ra sau, hai cẳng tay hướng đối vào nhau, hai mỏi đầu dưới xương trụ hướng lên trước, khủyu tay trùng xuống, thóp bụng, lưng thẳng, hai mắt nhìn theo tay.

Động tác 4:

Sau khi hít vào sâu như trên, thu tay vòng xuống dưới vào trong về phía bụng dưới các ngón tay vẫn hơi khum lai, nín thở giữ tư thế này trong vài giây. Sau đó thở ra một ít.

Động tác 5:

Xoay nhanh và mạnh cánh tay vào trong, hướng lòng bàn tay ra phía trước xuôi vai, trùng khuỷu tay, gập cổ tay ra sau, đẩy mạnh bàn tay về phía trước như đẩy một vật nặng với một lực cố gắng ở bàn và ngón tay. Cùng lúc 2 gối trùng hẳn xuống như xuống tấn, thở ra nhanh và mạnh, bật ra tiếng “Hei” đồng thời cột sống lưng xô về phía trước, hậu môn thót lại. Động tác này đòi hỏi phải tiến hành nhanh và dứt khoát.

Động tác 6:

Tiếp tục thở ra phần khí còn lại, duỗi thẳng các ngón tay ra phía trước, đồng thời xoay cánh tay ra ngoài, lòng bàn tay đang hướng ra trước xoay dần xuống dưới rồi vòng hướng lên trên. Thu tay vào phía bụng, hạ xuống dưới, đưa 2 khủyu tay ra ngoài, các ngón tay chĩa vào nhau cùng lúc nâng người từ từ thẳng gối lên. Trở về vị trí ban đầu hít vào và quay trở lại động tác 1.

Sáu động tác trên tạo thành một vòng liên hoàn không nghỉ tương ứng với 2 thì hít thở. Mỗi lần có thể tập từ 10-30 lượt tùy theo khả năng. Sau khi hoàn thành động tác cuối cùng (ở lượt tập cuối) từ từ hạ tay xuống qua vòng bụng dưới, rồi xuôi 2 tay theo người, thả lỏng cơ bắp toàn thân. Hít thở bình thường có khoảng 10 nhịp và kết thúc bài tập

Ưu điểm của bài tập này là có sự phối hợp giữa các động tác chậm đều và những động tác nhanh mạnh, xen kẽ giữa động và tĩnh, giúp cơ thể duy trì được trạng thái vừa dẻo dai vừa mạnh mẽ như loài hổ. Bài tập đòi hỏi phải kiên trì dần dần mới thành thạo.


BS. Thanh Hà
Ý kiến của bạn