Bài tập hỗ trợ trị tăng huyết áp trẻ em

12-08-2024 12:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Giống như người lớn, tăng huyết áp trẻ em không có dấu hiệu đặc trưng nhất định nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Bên cạnh việc điều trị, trẻ em cũng có thể thực hiện các bài tập theo độ tuổi để ổn định huyết áp.

1. Vai trò của tập luyện với bệnh tăng huyết áp trẻ em

- Giảm các triệu chứng lo âu, lo lắng, căng thẳng giúp trẻ vui vẻ, năng động, hòa nhập xã hội.

- Tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch cho cơ thể, đẩy lùi bệnh tật.

- Giúp giảm cân, giảm béo phì, cơ xương cứng chắc khỏe mạnh hơn.

- Tập luyện vừa sức giúp trẻ ăn ngon hơn, ngủ ngon sâu giấc.

- Ổn định nhịp tim, huyết áp, tăng cường trí nhớ.

đo ha

Tăng huyết áp trẻ em có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

2. Các bài tập tốt cho bệnh tăng huyết áp trẻ em

Trẻ từ 13 - 17 tuổi: Khi tập phải tham khảo ý kiến bác sĩ, có người lớn theo dõi.

Tư thế anh hùng

Giúp trẻ thư giãn, lưu thông khí huyết, ổn định huyết áp.

Cách thức thực hiện:

  • Quỳ gối trên thảm, điều chỉnh lưng thẳng, hướng hai đầu gối sát vào nhau.
  • Từ từ hạ người ngồi xuống sao cho mông đặt thoải mái giữa hai bắp chân.
  • Đặt hai tay lên đùi, lòng bàn tay úp xuống và nhìn thẳng về phía trước.
  • Hít thở đều và sâu. Giữ nguyên tư thế trong 2 - 3 phút.
tu-the-anh-hung

Tư thế anh hùng giúp trẻ mắc tăng huyết áp thư giãn.

Tư thế gập người về trước

Thư giãn, lưu thông khí huyết.

Cách thực hiện:

  • Ngồi thẳng lưng, chân duỗi thẳng phía trước. Các ngón chân thả lỏng.
  • Hít vào và nâng hai tay lên qua đầu, kéo giãn cánh tay.
  • Thở ra và gập người về phía trước. Cằm cố gắng chạm cẳng chân.
  • Kéo căng cánh tay ra xa nhất có thể, kéo giãn cột sống.
  • Lặp lại 03 lần.

Tư thế cái cây

Giúp nâng cao tinh thần, trẻ phấn chấn, lưu thông khí huyết, tăng sức mạnh cơ xương.

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng lưng, hai chân chụm lại, hai tay thả lỏng dọc theo cơ thể.
  • Dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể sang chân trái, đưa chân phải áp vào đùi trong chân trái.
  • Đưa cánh tay lên trên cao qua đầu, áp hai lòng bàn tay chạm vào nhau.
  • Mắt nhìn thẳng về phía trước để giữ thăng bằng.
  • Giữ lưng thẳng đứng càng lâu càng tốt.
  • Sau đó từ từ hạ chân xuống để quay về tư thế ban đầu.
  • Tiếp tục thực hiện đối với bên chân còn lại.
cach-tap-yoga-cho-tre-mam-non-tot-845x564

Tư thế cái cây tốt cho bệnh tăng huyết áp trẻ em.

Xoay người khi ngồi trên ghế

Giảm căng thẳng, thư giãn cơ.

Cách thức thực hiện:

  • Tư thế ngồi thẳng lưng, lưng tựa nhẹ vào ghế, bàn chân đặt cố định trên mặt đất.
  • Bắt chéo hai tay trước ngực, tay trái đặt lên vai phải, tay phải đặt lên vai trái.
  • Giữ nguyên phần thân từ hông trở xuống, sau đó xoay nửa thân trên sang trái.
  • Để nguyên tư thế trong 5 giây, sau đó trở về vị trí ban đầu và tiếp tục xoay sang phải.
  • Thực hiện bài tập 8 - 10 lần.

Bài tập điều hòa hơi thở

Thư giãn, tăng cường chức năng tim, phổi.

Cách thực hiện:

Chọn nơi yên tĩnh, không gian thoáng mát.

Ngồi trên thảm, hít thở nhẹ nhàng, cơ thể thư giãn.

Nhắm mắt lại, tay đặt lên đùi.

Hít vào 4 giây, thở ra 4 giây.

Thực hiện thao tác liên tục trong 10 phút, tư thế giữ nguyên.

Bài tập hỗ trợ trị tăng huyết áp trẻ em- Ảnh 4.

Tư thế ngồi hít thở đều tốt cho tăng huyết áp trẻ em.

Trẻ từ 5 tuổi trở lên

Đạp xe đạp 30 - 40 phút một ngày giúp lưu thông khí huyết, mạnh cơ xương, thư giãn tinh thần. Chọn xe đạp dành cho người nhỏ tuổi, có sự hỗ trợ của người lớn (nếu cần thiết).

Chạy bộ nhẹ nhàng ở nơi thoáng mát, rộng rãi giúp giảm cân, lưu thông khí huyết, ăn ngủ tốt hơn, người lớn cùng tập với trẻ.

Đi bộ nhẹ nhàng ở công viên, xung quanh nhà nơi khô ráo trong lành giúp thư giãn tinh thần, ổn định huyết áp, giảm cân.

Bơi lội giúp tinh thần phấn chấn, minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh hơn, trẻ lớn có thể tự bơi, trẻ nhỏ dùng phao bơi.

Trẻ từ 3 tuổi trở lên

Chơi tại khu vực dành cho trẻ như chơi trượt cầu thang, chơi bóng… giúp trẻ năng động, khỏe khoắn, hòa nhập xã hội.

Bấm huyệt

Huyệt thái xung: Giúp hạ áp, ổn định huyết áp.

Cách xác định vị trí huyệt: Để chân song song trên sàn nhà, đưa tay lên tìm điểm sau của khe giữa ở ngón chân cái và ngón thứ 2. Từ vị trí khe giữa đó lên 1.5 thốn (1 thốn bằng chiều rộng của đốt ngón tay cái) chính là huyệt thái xung. Huyệt nằm ở vùng lõm của hai xương ngón chân 1 và 2.

Huyệt bách hội: Huyệt giúp giảm đau đầu, ổn định huyết áp. Vị trí huyệt nằm ngay ở đỉnh đầu, là điểm lõm chính giữa đỉnh đầu, giao giữa đường chạy dọc cơ thể và đường nối hai đỉnh vành tai.

Day bấm huyệt ngày 02 lần, mỗi lần 10 phút.

3. Những lưu ý dành cho trẻ tăng huyết áp khi tập luyện

Tập luyện cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng, lúc trẻ đang tràn đầy năng lượng, tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, khi đói bụng, quá no.

- Trong giai đoạn bệnh cấp tính đau đầu, buồn nôn chóng mặt không tập luyện. Khi bệnh đã được điều trị ổn định thì mới tập luyện.

- Cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Chọn bài tập phù hợp với độ tuổi, thể chất, sở thích của trẻ, nên phối hợp nhiều bài tập. Phải có người lớn trông trẻ.
  • Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ, uống đủ nước.
  • Khi có triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn dừng tập ngay.
  • Tập luyện với chế độ ăn uống khoa học bổ sung rau củ, vitamin B, C, ăn chín, uống sôi, ăn uống hợp vệ sinh, chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ăn nhiều đồ ăn mặn nhiều muối, đồ ăn sẵn nhiều đường, nước tăng lực có chất kích thích.

Mời bạn xem tiếp video:

Muốn huyết áp ổn định thì nên 'cạch mặt' 5 loại thực phẩm này | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn