Bài tập hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh ung thư hậu môn

BS. TS. Phạm Thanh Bình

BS. TS. Phạm Thanh Bình

29-10-2024 11:03 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Các bài tập thể dục cho người bệnh ung thư nói chung và ung thư hậu môn nói riêng là một phần trong quá trình phục hồi chức năng sau điều trị ung thư. Vì vậy, người bệnh cần thường xuyên tập thể dục để cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh khác.

Bài viết này được tham vấn bởi Hội đồng thẩm định   

1. Vai trò của tập luyện trong việc hỗ trợ điều trị cho người bệnh ung thư hậu môn

Mệt mỏi là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất trong quá trình điều trị ung thư hậu môn. Các tác dụng phụ khác bao gồm yếu cơ, khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, trầm cảm và lo âu. Những triệu chứng này đặc biệt trầm trọng trong quá trình điều trị.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập luyện thể dục không chỉ giúp cơ thể mạnh khỏe mà còn thúc đẩy quá trình chữa lành và bình phục trong cũng như sau giai đoạn mắc bệnh ung thư hậu môn. Do đó, tập thể dục khi điều trị ung thư hậu môn là một liệu pháp hiệu quả để đẩy nhanh quá trình hồi phục cho bệnh nhân.

Việc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng mang lại nhiều lợi ích cho người ung thư chẳng hạn như: Giảm các triệu chứng căng thẳng, lo âu, phiền muộn, trầm cảm của người bệnh; Kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường sản sinh vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa; Tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể...

Nghiên cứu tại Australia cũng cho thấy, tập thể dục có thể giúp giảm bớt một số tác dụng phụ của ung thư hậu môn và gia tăng phần trăm điều trị thành công, đồng thời có thể giúp bệnh nhân ung thư chịu đựng được các phương pháp điều trị mạnh như hóa trị.

Bài tập hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh ung thư hậu môn- Ảnh 1.

Tập thể dục có thể giúp giảm bớt một số tác dụng phụ của ung thư hậu môn và gia tăng phần trăm điều trị thành công. Ảnh minh họa: Internet.

Một số lợi ích khác khi hoạt động thể chất trong quá trình điều trị ung thư hậu môn:

  • Chức năng hệ tim mạch được cải thiện.
  • Ngăn ngừa tình trạng mất cơ, cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
  • Giảm lo âu, trầm cảm.
  • Tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch.
  • Hiệu quả điều trị được nâng cao.
  • Chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
  • Rút ngắn thời gian nằm viện.
  • Bớt phụ thuộc vào người thân trong các hoạt động thường ngày.
  • Nâng cao niềm tin vào cuộc sống.
  • Cải thiện khả năng tương tác xã hội.
  • Giúp kiểm soát cân nặng.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống.
  • Tăng tỷ lệ sống sót.

2. Những bài tập tốt cho người bệnh ung thư hậu môn

2.1. Đạp xe

Việc tăng cường hoạt động thể chất bằng cách đi xe đạp có thể giúp kích thích ruột làm việc hiệu quả hơn, giảm tình trạng táo bón, có lợi cho người bệnh ung thư hậu môn. Bên cạnh đó, đạp xe sẽ tăng cường quá trình tiêu hóa và làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư trong ruột.

Bài tập hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh ung thư hậu môn- Ảnh 2.

Đạp xe không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn tăng cường sức khỏe thể chất ở người bệnh ung thư hậu môn. Ảnh minh họa: Internet

2.2. Chạy bộ

Chạy bộ thường kích thích nhu động ruột trong hoặc ngay sau khi chạy. Đối với những người đang bị táo bón, việc chạy với tốc độ thông thường có thể giúp thúc đẩy nhu động ruột đều đặn. Nếu chưa quen với việc chạy bộ, người bệnh ung thư hậu môn nên bắt đầu với những cuộc chạy bộ ngắn, cường độ thấp và tăng dần thời lượng cũng như cường độ chạy, dựa trên cảm giác của cả cơ và ruột.

Điều quan trọng là phải giữ đủ nước, đặc biệt là khi tập thể dục cường độ cao, vì thiếu nước cũng là nguyên nhân gây táo bón.

2.3. Bài tập sàn chậu (Kegel)

Các bài tập sàn chậu giúp kiểm soát các cơ vùng sàn chậu, cơ bàng quang từ đó cải thiện sức khỏe đường ruột, cải thiện tình trạng táo bón mạn tính hay tiểu không tự chủ.

Cách thực hiện:

  • Nằm thẳng trên sàn, sau đó từ từ co hai đầu gối, hai bàn chân chạm sàn, nhấn nhấc hông lên.
  • Siết chặt cơ sàn chậu (cơ sàn chậu là một khối cơ kéo dài từ vị trí xương cụt đến xương mu phía trước, tạo thành một mặt sàn phẳng giữa hai chân, có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, bàng quang và ruột).
  • Giữ nguyên trạng thái co bóp cơ vùng chậu trong 5 – 10 giây, sau đó thả ra.
  • Lặp lại động tác này 10 lần mỗi hiệp, thực hiện 3 hiệp mỗi ngày.

    2.4. Một số tư thế yoga giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe ở người ung thư hậu môn

    Bài tập hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh ung thư hậu môn- Ảnh 3.

    Yoga có tác dụng tốt cải thiện sức khỏe người bệnh ung thư hậu môn. Ảnh minh họa: Internet.

    2.4.1. Tư thế cúi gập người

    Tư thế cúi gập người giúp hỗ trợ trị chứng táo bón. Bài tập này chủ yếu tác động lên vùng bụng, làm tăng nhu động ruột, giúp chức năng co bóp của dạ dày được cải thiện, nhờ đó hỗ trợ quá trình tiêu hóa một cách thuận lợi.

    Hướng dẫn thực hiện:

    • Ban đầu đứng thẳng lưng, mở rộng hai chân bằng vai.
    • Sau đó giơ hai tay lên cao rồi cúi gập người xuống.
    • Đồng thời ép sát cơ thể vào chân, hai tay vòng ra hai bên ôm lấy gót chân.
    • Giữ nguyên động tác trong 10 nhịp thở, luyện tập động tác 20 phút/ngày.

    2.4.2. Tư thế cái cày

    Qua tư thế này có thể giúp tăng lưu lượng máu tới vùng xương chậu, kích thích tiêu hóa, vì vậy thuận tiện cho quá trình đại tiện.

    Hướng dẫn thực hiện:

    • Nằm ngửa trên thảm tập, hai chân duỗi vuông góc với sàn nhà.
    • Hai tay để dọc theo thân người, lòng bàn tay úp xuống hoặc đặt tay ngay eo để giữ thăng bằng.
    • Hai chân nâng qua vòng đầu một cách từ từ cho đến khi mũi chân chạm sàn.
    • Hít thở sâu đồng thời giữ tư thế trong 5 giây, sau đó trở lại vị trí ban đầu và lặp lại động tác tương tự.

    2.4.3. Tư thế chiếc ghế

    Tác động lên vùng hông và xương chậu là mục đích chính của tư thế này, nhờ đó kích thích phân đào thải, giảm tình trạng táo bón.

    Hướng dẫn thực hiện:

    • Đứng thẳng, tay giơ lên cao, lòng bàn tay úp vào nhau.
    • Từ từ hạ đầu gối và phần hông xuống thấp, phần thân người hơi nghiêng về phía trước.
    • Giữ nguyên tư thế trong 10 nhịp thở rồi đưa người trở về tư thế đứng thẳng.
    • Lặp lại bài tập khoảng 10-15 lần.

    2.4.4. Tư thế rắn hổ mang

    Đây là tư thế đơn giản, dễ thực hiện, không cần vặn hay xoay người. Giúp cải thiện chứng táo bón. Các bước thực hiện như sau:

    • Nằm sấp, úp mu bàn chân xuống thảm, lòng bàn tay úp xuống sàn theo chiều của cơ thể.
    • Nâng toàn bộ thân trên và uốn cong cơ thể về sau, đồng thời lòng bàn tay úp xuống mặt sàn.
    • Giữ tư thế trong vài nhịp thở rồi thả lỏng.
    • Thực hiện động tác nhiều lần trong ngày.

    3. Những lưu ý khi luyện tập với người bệnh ung thư hậu môn

    Nhiều người bệnh sau khi điều trị ung thư có thể hoạt động khó khăn nên cần hạn chế tập thể dục. Khi cơ thể ổn định có thể bắt đầu tập với những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản và từ từ tăng tốc độ tập luyện để đảm bảo an toàn.

    Bởi vậy, khi áp dụng các bài tập thể dục cho người bệnh ung thư, bạn cần lưu ý:

    • Tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ. Sau khi phẫu thuật, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem khi nào bắt đầu tập thể dục để đảm bảo an toàn.
    • Từ từ tăng thời gian cũng như cường độ tập thể dục sau khi cơ thể ổn định.
    • Không sử dụng các bề mặt gồ ghề để tập luyện, có thể gây té ngã. Khi tập thể dục ngoài trời, hãy tìm nơi an toàn, đủ ánh sáng và người thân đi cùng.
    • Luôn khởi động trước khi tập khoảng 2 - 3 phút như nhún vai, lắc hông, chạy bước nhỏ tại chỗ…
    • Luôn lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết.

    Mỗi bệnh nhân ung thư có thể trạng khác nhau. Hãy tham vấn bác sĩ và các chuyên gia trị liệu để có được bài tập phù hợp với thể trạng riêng, giúp cải thiện sức khỏe ở người ung thư hậu môn.

    Chế độ ăn cho người bệnh ung thư hậu mônChế độ ăn cho người bệnh ung thư hậu môn

    SKĐS - Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nói chung và ung thư hậu môn nói riêng.


      BS. TS Phạm Thanh Bình
      Ý kiến của bạn