1. Tập luyện có vai trò như thế nào với người bệnh viêm nướu?
Cho đến nay, việc chải răng và làm sạch kẽ răng đúng cách được cho là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng, trong đó có viêm lợi. Khi nướu răng khỏe mạnh sẽ giúp giữ răng chắc khỏe, tránh viêm nướu, viêm nha chu dẫn tới sưng, đau, tụt lợi…
Việc tập luyện nhẹ nhàng khi bị viêm nướu có thể hỗ trợ lưu thông máu, tăng cường sức khỏe răng miệng và giúp giảm căng thẳng, từ đó góp phần giảm triệu chứng viêm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường ĐH Case Western Reserve cho thấy, việc tập thể dục giúp giảm chứng sưng viêm ở khắp cơ thể, trong đó có chứng viêm nướu.
Lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tập luyện tăng cường sức đề kháng của cơ thể và duy trì trọng lượng cơ thể ổn định cũng sẽ góp phần không nhỏ để phòng, hỗ trợ điều trị viêm nướu. Điều này sẽ tạo cho cơ thể khả năng phòng chống bệnh tật và giảm sự hình thành các mảng ở răng mà có thể gây viêm nướu.
2. Cách tập luyện giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm nướu
2.1. Massage nướu nhẹ nhàng
Bên cạnh các phương pháp điều trị, việc kết hợp massage nhẹ nhàng vùng nướu sẽ giúp giảm cảm giác đau và khó chịu khi bị viêm nướu hiệu quả. Bạn có thể thực hiện massage tại nhà theo hướng dẫn sau:
Đầu tiên, cần rửa tay thật sạch trước khi bắt đầu massage. Sau đó đặt đầu ngón tay lên vùng nướu bị đau, di chuyển đầu ngón tay lên xuống và theo vòng tròn trên bề mặt nướu một cách nhẹ nhàng. Massage trong khoảng 2 phút hoặc cho đến khi cảm giác đau giảm. Cuối cùng súc miệng lại với nước sạch.
Với bàn chải đánh răng, bạn cũng thực hiện massage nướu nhẹ nhàng bằng cách chuyển động tròn nhẹ nhàng để tác động lên nướu răng, giúp tăng cường oxy và máu nuôi dưỡng nướu.
2.2. Ấn huyệt
Ấn huyệt sẽ giúp giãn cơ, chỉ thống, thông kinh lạc, giảm đau. Một số huyệt có thể lựa chọn xung quanh vùng răng hàm như:
+ Day ấn huyệt Nghinh Hương
Huyệt Nghinh Hương nằm cách cánh mũi khoảng 0.5 cm, ngay dưới đường ngang của cánh mũi có thể giúp giảm đau và sưng viêm quanh miệng và nướu.
Cách day ấn: Dùng ngón trỏ ấn vào huyệt với lực vừa phải trong 1-2 phút mỗi bên. Thực hiện hai lần mỗi ngày.
+ Day ấn huyệt Hợp Cốc
Huyệt Hợp Cốc vị trí nằm ở giữa ngón cái và ngón trỏ, có tác dụng giảm đau toàn thân, đặc biệt là các loại đau do viêm nhiễm ở vùng đầu, mặt.
Cách day ấn: Dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay đối diện ấn vào huyệt Hợp Cốc trong khoảng 1-2 phút. Nếu thấy đau nhói nhẹ là đúng huyệt. Thực hiện ngày 2-3 lần.
+ Day ấn huyệt Giáp Xa
Huyệt Giáp Xa Nằm cách khoảng 1-2 cm từ khóe miệng, nơi bạn có thể cảm thấy cơ cắn khi nghiến răng. Day ấn huyệt này giúp giảm đau nhức, căng cơ hàm và nướu, hỗ trợ điều trị các vấn đề về miệng.
Cách day ấn: Dùng ngón tay ấn và xoay nhẹ vào huyệt trong khoảng 1-2 phút mỗi bên. Lặp lại 2 lần mỗi ngày.
2.3. Kéo má
Bài tập này giúp cải thiện cơ nướu, làm giảm cảm giác đau và căng ở vùng nướu nếu có viêm. Cách thực hiện là bạn mở miệng rộng nhất có thể, giữ khoảng 10 giây, sau đó từ từ đóng miệng lại. Lặp lại 5-10 lần.
3. Lưu ý khi tập luyện với người bệnh viêm nướu
- Thời điểm tập luyện vận động theo sự sắp xếp thời gian của mỗi người. Tuy nhiên, mọi người nên ưu tiên vận động vào buổi sáng vì tinh thần thoải mái cũng giúp việc trao đổi chất được tốt hơn.
- Nếu bệnh ở giai đoạn cấp tính, tình trạng viêm nướu nặng hơn dẫn đến khuôn mặt sưng nề thì không nên xoa bóp hay tác động quá nhiều trực tiếp vùng mặt xung quanh răng hàm.
- Trước khi tập, massage hay bấm huyệt phòng và hỗ trợ viêm nướu cần rửa tay sạch sẽ. Khi thực hiện xoa bóp nướu răng, mọi người cũng nên lưu ý dùng áp lực nhẹ nhàng, tránh dùng nhiều lực gây tổn thương nướu.
Ngoài việc tập luyện, mọi người nên tuân thủ việc điều trị của bác sĩ răng – hàm – mặt. Uống nước tuy không phải là bài tập thể dục, nhưng uống đủ nước và ăn uống cân đối là cách hỗ trợ tốt nhất để cơ thể tự giảm viêm nhiễm. Tránh đồ ăn nhiều đường và đồ uống có ga có thể làm nặng thêm tình trạng viêm nướu.
Việc súc miệng nước muối ấm khi viêm nướu cũng tốt. Cách này có tác dụng kháng khuẩn tự nhiên, giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng và hỗ trợ nướu phục hồi nhanh hơn. Hòa tan một muỗng muối vào một cốc nước ấm, súc miệng trong khoảng 30 giây rồi nhổ ra.