1. Vai trò của tập luyện để phòng ngừa tiền sản giật
Quá trình mang thai sẽ làm cho cơ thể của thai phụ thay đổi nhiều khi nội tiết tố thay đổi. Nhiều vấn đề về sức khỏe mà thai phụ có thể gặp phải như tình trạng đau lưng, đau đầu, tê chân tay, táo bón kéo dài… Nếu như không có biện pháp cải thiện kịp thời, sức khỏe của thai phụ sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, việc tập luyện không chỉ giúp mẹ bầu mang thai khỏe mạnh mà trẻ sơ sinh cũng có khởi đầu trọn vẹn hơn. Theo Richard Nisbett - nhà nghiên cứu tâm lý học Đại học Michigan, việc kết hợp tập thể dục khi mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ giúp tăng chỉ số IQ của trẻ cao hơn trung bình 14 điểm. Khi luyện tập các nhóm cơ lớn kích thích sự phát triển các nhóm neuron thần kinh, tăng lượng máu lên não.
Thường thời điểm thực hiện bài tập thể dục cho bà bầu tốt nhất là khi thai nhi đủ 20 tuần tuổi trở lên. Trong khoảng thời gian này, thai nhi đã hoàn thành chu trình phát triển cơ bản của mình, đủ khỏe mạnh để cùng mẹ bầu thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng bình thường. Bên cạnh đó, sản phụ cũng sẽ phòng tránh được nhiều di chứng sau sinh, giảm thiểu rủi ro tiền sản giật.
2. Các bài tập phù hợp để phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật
Theo ThS.Bs Lê Võ Minh Hương (Bệnh viện Từ Dũ TP HCM), các bài tập phù hợp, tốt cho sức khỏe của thai phụ, trong đó có phòng tiền sản giật như sau:
2.1 Đi bộ
Đây là một bài tập phổ biến và dễ thực hành với bà bầu. Đi bộ nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tuần hoàn và ổn định huyết áp mà không gây áp lực lớn cho cơ thể. Mỗi ngày, phụ nữ mang thai được khuyên tập 20-30 phút và nên chọn nơi tập có không khí thoáng đãng, tránh đi bộ quá nhanh.
2.2. Bơi lội
Phương pháp tập này ít nguy cơ gây chấn thương. Chúng giúp cải thiện hệ tuần hoàn mà không tạo áp lực lên khớp và cột sống, rất tốt cho phụ nữ mang thai.
2.3. Yoga và Pilates được điều chỉnh cho thai phụ
Yoga giúp kéo giãn cơ thể, giảm căng thẳng, tăng cường sự dẻo dai, sức cơ cũng như chức năng hô hấp, hỗ trợ duy trì huyết áp ổn định. Bà bầu nên chọn các động tác nhẹ nhàng, tập trung vào hít thở và giãn cơ, tránh các tư thế nặng hoặc đòi hỏi cân bằng phức tạp. Tốt nhất là thực hiện dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên có chuyên môn về yoga cho phụ nữ mang thai.
2.4 Tập với xe đạp cố định
Do giảm khả năng thăng bằng khi mang thai nên thai phụ hãy chọn tập với xe đạp cố định thay vì lái xe trên đường để giảm nguy cơ ngã. Bài tập này cũng an toàn để nâng cao sức khỏe tim mạch, cải thiện tuần hoàn.
3. Lưu ý khi tập luyện với thai phụ để phòng ngừa tiền sản giật
Việc duy trì tần suất tập luyện đều đặn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thai phụ và thai nhi, nhưng cần thực hiện đúng cách và theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ. Những lưu ý khi tập, thai phụ cần biết đến:
+ Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để đảm bảo an toàn.
+ Duy trì tập luyện đều đặn từ 3-5 lần/tuần, mỗi lần khoảng 20-30 phút với cường độ vừa phải. Thời gian này đủ để cơ thể vận động nhẹ nhàng, cải thiện tuần hoàn máu mà không làm mẹ bầu quá mệt mỏi.
+ Tránh các bài tập nặng, gập bụng hoặc đòi hỏi phải gắng sức quá mức, vì có thể gây căng thẳng cho hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Tập luyện nhẹ nhàng và đều đặn sẽ tốt hơn là gắng sức.
Ngưng tập ngay nếu có dấu hiệu bất thường như chóng mặt, đau bụng, hoặc khó thở. Uống nước trước, trong và sau khi tập để tránh mất nước. Đồng thời, thai phụ cũng cần kết hợp với nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này rất quan trọng để giảm nguy cơ tiến triển của tiền sản giật và duy trì huyết áp ổn định.
4. Thời điểm tập tốt trong ngày
Thai phụ nên chọn thời điểm tập như sau:
+ Buổi sáng và chiều là thời điểm lý tưởng
Đây là thời điểm tập lý tưởng cho thai phụ. Buổi sáng, sau khi thức dậy, cơ thể ở trạng thái linh hoạt và buổi chiều sau khi cơ thể đã nạp đủ năng lượng từ bữa ăn thì vận động cũng không làm cơ thể quá mệt.
+ Sau bữa ăn khoảng 1 tiếng và trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng
Thai phụ cần chú ý thời điểm tập là trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng và sau bữa ăn cũng tầm 1 tiếng với các bài tập nhẹ nhàng. Trong trường hợp sau khi ăn thấy no, thai phụ nên tránh tập để không gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
+ Không tập thời điểm trưa hoặc khi thời tiết quá nắng nóng
Thời điểm này sẽ khiến cơ thể dễ mệt mỏi, mất nước nhiều hơn. Bởi vậy, không nên chọn thời điểm này để đảm bảo cho cả mẹ và bé.