Không giống như khớp kiểu bản lề của khớp gối, chỉ cử động hai hướng là gấp và duỗi, khớp háng chuyển động nhiều hướng: gấp duỗi, dạng - khép, xoay trong - xoay ngoài. Biên độ vận động lớn nhưng khớp háng không dễ trật vì có hệ thống dây chằng bao khớp, đặc biệt là hệ thống cơ quanh khớp rất chắc, khỏe. Hệ thống cơ này giúp khớp háng thực hiện được nhiều động tác như: đi, chạy, ngồi, bước lên, xuống cầu thang...
Người có những chấn thương bệnh lý về khớp háng thì phẫu thuật thay khớp háng là một giải pháp điều trị rất hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh cần duy trì thực hiện, luyện tập các bài tập nhằm tăng cường sức khỏe cho cơ vùng đùi và quanh khớp háng, tăng độ linh hoạt cho khớp. Bước đầu quá trình tập luyện của người bệnh cần được bác sĩ phẫu thuật phối hợp bác sĩ phục hồi chức năng hoặc điều dưỡng viên kiểm tra và hướng dẫn.
Bài tập gập và duỗi giúp khớp háng linh hoạt.
Các bước giúp khớp háng linh hoạt
Ngay sau mổ, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau và bắt đầu chương trình tập luyện ngay. Mục đích tập phục hồi chức năng là làm khỏe cơ và tăng dần biên độ vận động của khớp háng.
Trong quá trình tập luyện, người bệnh có thể bước đi bình thường với khớp háng mới, tuy nhiên mới đầu sẽ đau và có cảm giác cứng khớp. Người bệnh nên dùng nạng hỗ trợ khi đi lại và tỳ chân mức độ hợp lý, với quy trình tập luyện người bệnh sẽ thích nghi dần và đau sẽ giảm dần, đến lúc sẽ hết đau.
Khởi đầu khi tập từ từ và tăng dần. Đặt ra cho mình những mục tiêu cần đạt được, ví dụ như: đi bộ được 100m, bước lên và xuống cầu thang, đi dạo quanh một con phố nhỏ...
Tập khép và dạng háng: nằm ngửa hai chân duỗi thẳng, từ từ dạng chân ra rồi khép chân vào, đổi bên, lặp đi lặp lại 15-20 lần.
Tập gấp gối và háng: nằm ngửa, co chân mổ lên (gối gấp 40-60 độ) và giữ 10-15 giây rồi duỗi ra, lặp lại 15-20 lần.
Duỗi háng: nằm ngửa, hai chân co. Từ từ nâng mông lên khỏi mặt giường, giữ trong vòng 5 giây, lặp đi lặp lại trong vòng 15 lần.
Tập cơ mông: bệnh nhân nằm ngửa, gồng cơ mông (ép hai mông lại gần nhau) trong vòng 5-10 giây, lặp lại 10 lần.
Tập khớp cổ chân: nằm ngửa, kê một gối nhỏ dưới bắt chân để gót nâng khỏi mặt giường, duỗi tối đa bàn chân giữ trong 5 giây, rồi gấp tối đa bàn chân, giữ 5 giây. Lặp lại 15 lần.
Tập cơ tứ đầu: nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Duỗi chân hết mức từng bên (gồng cơ tứ đầu) và giữ trong 5 giây, thả lỏng 5 giây rồi lặp lại. Tập trong vòng 10 phút. Nằm ngửa, kê một gối dưới khoeo, để gối gấp chừng 30-40 độ, duỗi thẳng gối từng bên, giữ 5 giây. Lặp lại 15 lần.
Một số điều cần lưu ý
Trong quá trình luyện tập có thể xuất hiện những bất thường hãy thông báo cho bác sĩ ngay.
Đi bộ đơn thuần không thay thế được các bài tập khác, không nên ngồi lái xe ô tô khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ, nên được bác sĩ tư vấn khi quan hệ vợ chồng.
Có thể chườm nóng và lạnh, thời gian chườm là 20 phút. Chườm lạnh giúp giảm sưng nề, giảm đau. Chườm nóng giúp giãn cơ, làm tăng độ linh hoạt của khớp.
Thông báo cho bác sĩ có khớp nhân tạo khi phải tiến hành các cuộc phẫu thuật khác.
Tránh nguy cơ trật khớp, người bệnh không nên gấp đùi nhiều về phía bụng; xoay chân vào trong; không ngồi bắt chéo chân mổ; không ngồi xổm; không cúi cổ, khom người khi đi tất, đi giầy; khi ngủ nằm nghiêng về phía chân lành...
Người bệnh ngồi ghế cao, thường xuyên đặt gối giữa hai chân khi ngủ, kê một gối đủ dày giữa hai đầu gối khi nằm nghiêng.
Khi đi tất, giầy nên nhờ người khác hỗ trợ, tránh thừa cân béo phì...
Phẫu thuật thay khớp háng cải thiện chất lượng cuộc sống. Kết quả lâu dài phụ thuộc vào sự cố gắng tập luyện của người bệnh. Ngoài tập luyện, trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cần ghi nhớ những điều nên làm và không được làm để tránh nguy cơ trật khớp háng nhân tạo, hoạt động vừa sức, cố gắng giảm cân, duy trì cân nặng góp phần tăng cường sức bền cho khớp.