Bài tập dành cho người bị nhịp tim chậm

29-10-2024 14:40 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tình trạng nhịp tim chậm (dưới 60 lần/phút) nếu để kéo dài có thể khiến tim không bơm đủ máu giàu oxy đi nuôi cơ thể và gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe. Một số bài tập giúp hỗ trợ người bị nhịp tim chậm cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.

1. Lợi ích của việc tập luyện với người nhịp tim chậm

Tập luyện đúng cách và khoa học đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Đối với người bệnh nhịp tim chậm, tập luyện là cần thiết và là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Người bệnh nhịp tim chậm cải thiện tình trạng bệnh nhanh hay chậm, ngoài việc tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, còn phải thay đổi chế độ sinh hoạt và tập luyện. Vì vậy, người bệnh nhịp tim chậm cần thiết lập một chế độ sinh hoạt và tập luyện lành mạnh, giúp kiểm soát nhịp tim hiệu quả.

Các khuyến cáo cho thấy, việc tập luyện thể dục thường xuyên đều đặn các bộ môn như: đi bộ, đạp xe, tập aerobic… hằng ngày có hiệu quả tốt cho việc điều hòa nhịp tim. Tập luyện phù hợp sức khỏe và tình trạng bệnh giúp tăng cường máu đến tim và các cơ quan trong cơ thể.

Việc tập thể dục đều đặn thường xuyên, ngoài tác dụng hỗ trợ khắc phục nhịp tim chậm, tập luyện còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như tăng huyết áp hay đái tháo đường, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể...

2. Bài tập tốt cho người bệnh nhịp tim chậm

Đi bộ - chạy bộ, chống đẩy, tập aerobic, nâng tạ giúp tăng nhịp tim, cải thiện lưu thông máu, tốt cho huyết áp.

Đi bộ, chạy bộ

Bài tập dành cho người bị nhịp tim chậm- Ảnh 1.

Đi bộ, chạy bộ… là gợi ý tập luyện cho những người nhịp tim chậm.

Đi bộ là một trong những gợi ý tập luyện rất hữu ích cho những người bị bệnh tim mạch nói chung. Đi bộ không chỉ có tác dụng tăng sức mạnh hệ cơ chân và vận động các khớp mà còn giúp ngăn ngừa giãn tĩnh mạch sâu đồng thời giúp tăng tần số hô hấp và tập luyện cơ tim.

Cường độ tập luyện có thể tự thay đổi sao cho phù hợp với mức độ cơ thể của mình. Ngoài ra, có thể đi bộ ở ngoài trời hoặc trong nhà, trên máy chạy bộ,...

Đi bộ có thể cải thiện tốt hơn nhịp tim nên bạn cần thực hiện nó thường xuyên. Đi bộ giúp tăng nhịp tim, cải thiện chức năng mạch máu, đốt cháy calo, đào thải chất béo và đường ra khỏi máu hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn không cần làm nó quá nhanh mà chỉ cần thực hiện chậm rãi và đều đặn mỗi ngày. Duy trì được như vậy là một cách làm tăng nhịp tim rất đơn giản mà lại hiệu quả.

Cách thực hiện: Đi bộ tốc độ vừa và nhanh khoảng 30 phút mỗi ngày, 100 bước mỗi phút, 5 ngày một tuần nhận nhiều lợi ích. Người chưa quen đi bộ nhanh nên bắt đầu với cường độ vừa phải, sau đó tăng dần tốc độ.

Chạy bộ đốt cháy nhiều calo hơn, cải thiện lưu lượng máu, nhịp tim đều, hỗ trợ trái tim hoạt động tốt hơn.

Cách thực hiện: Bắt đầu chạy chậm, tăng dần tốc độ nhưng vừa sức và đều một tuần, mỗi lần không quá 30 phút.

Tập aerobic

Với những người bị bệnh về tim mạch thì luyện tập các bài tập nhịp điệu sẽ làm cho các cơ được vận động với tốc độ nhanh và nhịp thở mạnh, nhịp tim tăng, qua đó làm tăng cường sức khỏe tim mạch.

Các bài thể dục nhịp điệu ở mức vừa sức rất cần thiết cho hệ tim mạch. Khi mới bắt đầu, tốt nhất chỉ nên tập mỗi ngày 10 phút, sau khi đã tập được 1 - 2 tuần, hãy tăng thời gian tập luyện lên 20 - 30 phút.

Các bài tập aerobic tốt cho tim mạch không chỉ có ích cho sức khỏe tim mà có tác dụng tích cực đối với sức khỏe toàn thân, đồng thời còn ảnh hưởng tốt đến tâm lý, tạo sự lạc quan và tự tin cho người thực hiện.

Đạp xe

Đạp xe cũng là một trong những bài tập tốt cho tim mạch, cải thiện nhịp tim.

Người bị nhịp tim chậm nên đạp xe từ từ, vừa sức đều đặn. Khi mới đạp xe chỉ nên đạp 15 - 20 phút, sau 1 tháng nên tăng len 30 - 45 phút mỗi lần đạp xe.

Bài tập dành cho người bị nhịp tim chậm- Ảnh 2.

Đạp xe cũng là một trong những bài tập tốt cho tim mạch, cải thiện tình trạng nhịp tim chậm.

Tập chống đẩy

Chống đẩy giúp tăng nhịp tim, đốt cháy nhiều calo hơn, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Bài tập này cũng góp phần giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Cách thực hiện: Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng về phía sau, hai tay chống trên mặt sàn. Lấy hai tay làm điểm tựa, từ từ nâng thân người lên và hạ xuống. Hít vào thở ra đều đặn giữa các lần nâng lên hạ xuống. Thực hiện 4-6 nhịp mỗi lần tập.

Bật nhảy

Bật nhảy giúp vận động toàn bộ cơ thể, là cách kết hợp nhịp nhàng giữa tim, phổi và cơ bắp. Tuy nhiên không phải người bị nhịp tim chậm nào cũng thực hiện được. Trường hợp dễ bị chóng mặt khi thay đổi tư thế, thì không nên tập bật nhảy. Các trường hợp khác nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập.

Cách thực hiện:

Bước 1: Đứng thẳng, dang rộng hai tay sang hai bên và hai chân dang rộng.

Bước 2: Bật nhảy lên cao tùy theo khả năng, giữ lưng thẳng.

Bước 3: Lặp lại 5-6 nhịp trong mỗi lần tập.

Nâng tạ

Nâng tạ có lợi cho hệ tim mạch nhờ tăng nhịp tim giữa các lần nâng và phục hồi lúc nghỉ ngơi. Bài tập vận dụng toàn bộ sức mạnh phần thân trên, cơ bắp giảm gánh nặng cho tim.

Cách thực hiện: Nằm trên bàn tập, nâng tạ với trọng lượng phù hợp với thể lực, 5-6 lần mỗi nhịp.

Bài tập dành cho người bị nhịp tim chậm- Ảnh 3.

Nâng tạ có lợi cho hệ tim mạch nhờ tăng nhịp tim giữa các lần nâng và phục hồi lúc nghỉ ngơi.

3. Những lưu ý khi tập luyện

Trên thực tế, việc bắt đầu luyện tập như thế nào, tập ra sao, bao nhiêu tiếng/ngày, tập môn nào là hiệu quả nhất sẽ rất khác nhau ở mỗi người. Do đó, mỗi lần đi khám bệnh, người bị nhịp tim chậm cần trao đổi thêm với bác sĩ để được hướng dẫn. Ngoài ra, người bệnh cũng cần biết những lưu ý luyện tập an toàn dưới đây để hạn chế rủi ro:

- Nên tập thường xuyên và điều độ: Quan trọng nhất khi luyện tập cần có lịch trình tập thường xuyên và điều độ. Trước khi bắt đầu, người bệnh tham vấn bác sĩ và sắp xếp lịch tập cố định vào khoảng thời gian trong ngày và thời gian tập hàng tuần.

- Cần tập luyện từ từ với cường độ thấp đến cao: Nên chọn các bài tập vừa phải, tăng cường sử dụng nhiều nhóm cơ và hạn chế các động tác mang vác quá nặng. Trước mỗi lần tập, bạn nên khởi động kỹ. Người bệnh mới tập luyện chỉ nên bắt đầu tập trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần thời gian tập và cường độ mỗi ngày.

- Cần chú ý theo dõi nhịp tim: Cần theo dõi nhịp tim khi tập luyện. Nếu có triệu chứng đánh trống ngực, chóng mặt, đau tức ngực thì phải giảm cường độ hoặc ngừng tập và tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, nên chuyển sang các bài tập nhẹ nhàng hơn hoặc đi khám lại vì có thể diễn tiến của bệnh đang nặng lên.

Cần hiểu rằng, tập luyện chỉ là một trong rất nhiều cách để giúp ổn định nhịp tim bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ định, tái khám sức khỏe thường xuyên, kiểm soát chế độ ăn hàng ngày...

Thuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậmThuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậm

SKĐS - Ở người trưởng thành, nhịp tim trung bình từ 60-100 lần/phút. Khi tim đập chậm dưới 60 lần/phút có thể là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm ít xảy ra hơn nhịp tim nhanh, nhưng có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời.



BS. Phan Thùy Dương
Ý kiến của bạn