Hà Nội

Bài tập cho trẻ bị viêm tiểu phế quản và những điều cần lưu ý

31-10-2024 15:03 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới, gây triệu chứng ho, sổ mũi, nghẹt mũi, nặng sẽ khiến trẻ khò khè, khó thở… Các bài tập luyện dù không điều trị được bệnh nhưng có thể cải thiện tình trạng thông khí, chức năng hô hấp của trẻ.

Viêm tiểu phế quản nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, hen suyễn… thậm chí là suy hô hấp. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn yếu, khả năng chống lại nhiễm trùng kém, nguy cơ biến chứng càng cao, khi bội nhiễm, bệnh càng nguy hiểm.

Nhiều người đặt câu hỏi, khi trẻ bị viêm tiểu phế quản có nên tập thể dục không? Bài viết dưới đây chia sẻ các thông tin liên quan để bạn đọc tham khảo. 

1. Lợi ích của các bài tập thể dục đối với trẻ bị viêm tiểu phế quản

Theo BS Phạm Văn Phú (Hệ thống tiêm chủng VNVC), viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới rất thường gặp ở trẻ nhỏ, không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, khó thở mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như ngưng thở, viêm phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, suy hô hấp… Nguy hiểm hơn, bệnh có thể bội nhiễm, khiến triệu chứng trở nặng, nguy cơ gây biến chứng.

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe phổi, tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, đối với viêm tiểu phế quản ở trẻ em cần có các bài tập nhẹ nhàng và phù hợp với thể trạng, tình trạng bệnh. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, việc tập luyện, hay hướng dẫn trẻ tập luyện là bất khả thi vì trẻ chưa có khả năng bắt chước, lực cơ đang trong quá trình phát triển còn yếu.

Một số nước tiên tiến như Mỹ, Phần Lan khuyến khích trẻ em nên hoạt động thể lực tối thiểu 1-2 giờ/ngày với cường độ vừa phải xen kẽ, gắng sức cường độ cao trong thời gian ngắn ở những trẻ có sức khỏe bình thường, nên tránh ngồi liên tục từ 2 giờ trở lên, hạn chế xem tivi và các chương trình giải trí liên tục 2 giờ mỗi ngày.

2. Các bài tập hỗ trợ với bệnh viêm tiểu phế quản

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các bài tập thở tốt cho hệ hô hấp không được khuyến khích với nhóm đối tượng này. Bởi trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chưa có khả năng làm theo hoặc bắt chước hướng dẫn. Xin giới thiệu những bài tập dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

2.1 Bài tập cho trẻ từ 3 tuổi trở lên

2.1.1.Đi bộ

Đi bộ có lợi cho việc mở đường thở và giúp trẻ dễ thở hơn. Cha mẹ nên cho trẻ đi dạo trong môi trường trong lành.

2.1.3. Đạp xe

Đạp xe mang lại lợi ích cho tim mạch và khá nhẹ nhàng cho các khớp. Đạp xe có tác dụng xây dựng sức bền, nó là một thành phần quan trọng của các chương trình vật lý trị liệu cho những người bị bệnh phổi và có thể mang lại lợi ích lớn cho những người bị viêm tiểu phế quản.

2.2 Bài tập dành cho trẻ từ 14 tuổi trở lên

2.2.1. Tư thế ngồi hoa sen

- Tư thế: Ngồi hoa sen, đặt chân phải lên đùi trái, chân trái lên đùi phải, hai tay đặt trên hai gối.

- Cách thực hiện:

Thì 1: Hít sâu bằng mũi, phình bụng lên tối đa.

Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào.

Thì 3: Thở hết ra từ từ, hóp bụng vào hết cỡ.

Thì 4: Nín thở.

Lặp lại bài tập thở 4 thì 5-7 lần hoặc tùy theo sức khỏe và tình trạng bệnh. Lúc mới tập, người tập có thể đếm 1,2,3,4,5 ở mỗi thì. Sau tăng thời gian lên bằng cách đếm đến 7, 8, 9, 10.

2.2.2. Bài tập giải phóng lồng ngực

- Tư thế: Người bệnh nằm trên 1 cái gối tròn đặt dưới vùng lồng ngực. Hai tay ôm ngực cho sát.

- Cách thực hiện:

+ Hai tay đưa thẳng ra 2 bên, hít vào triệt để, giữ hơi, dao động, lăn tròn xương sống là vùng ngoan cố (vùng lưng bị bệnh, trong bệnh phổi là vùng ngực lưng) 4-6 cái.

+ Thở hết ra, đưa 2 tay ôm ngực cho sát.

+Thực hiện lặp lại động tác 5-10 lần giúp giải phóng lồng ngực, tăng cường hô hấp, giúp người bệnh viêm phổi dễ thở hơn.

2.2.3. Thở 4 thì có kê mông và giơ chân

-Tư thế: Người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, kê 1 gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực. Nhắm mắt để tập trung chú ý vào việc tập thở.

-Cách thực hiện:

+ Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 đến 6 cái, rồi hạ chân giữ hơi thở hoặc cố hít thêm.

+ Thở hết ra, xẹp ngực, xẹp bụng, hạ chân xuống và thư giãn chân tay mềm giãn.

+ Chuẩn bị trở lại thì hít vào và đổi bên chân.

+ Mỗi lần tập 10 hơi thở. Ngày tập 2 lần chia sáng chiều.

3. Thời điểm nào nên luyện tập cho trẻ bị viêm tiểu phế quản?

Chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tập vào buổi sáng sớm hoặc sau khi ăn ít nhất hai tiếng để tránh con bị ho, nôn trớ. Nên dành khoảng 20 đến 40 phút mỗi ngày để giúp trẻ tập luyện. 

Trước khi tập luyện, cha mẹ nên cho con mình tập các động tác khởi động từ từ và nhẹ nhàng. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ lưỡng các bài tập để hạn chế tình trạng chấn thương và không đạt hiệu quả. 

Đối với trẻ bị viêm tiểu phế quản, việc thực hiện các bài tập cũng không nên duy trì  cường độ mạnh mà có thể rút ngắn thời gian giữ hơi hay giữ động tác, giữa mỗi động tác nghỉ ngơi thư giãn tầm 1 phút để không bị quá sức, tránh mệt mỏi nặng hơn.

Phụ huynh có thể cho trẻ tập ngắt quãng 2-3 phút với cường độ cao xen kẽ với các bài tập cường độ thấp/trung bình và 1-2 phút nghỉ giữa các bài tập hoặc chia thành nhiều lần tập luyện với thời lượng mỗi lần ngắn hơn trong ngày.

4. Những lưu ý khi tập luyện

Tập luyện các bài tập mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên cho trẻ tập luyện khi thấy con không có dấu hiệu sốt hay khó thở. Bên cạnh đó, trong quá trình tập luyện của trẻ ở bất cứ độ tuổi nào, cha mẹ cũng nên 'để mắt' đến con.

Cần ngừng ngay tập nếu xuất hiện khó thở. Một cách tốt để kiểm tra là bạn có thể hỏi chuyện khi trẻ đang tập thể dục. Nếu trẻ không đủ sức để trả lời thì nên dừng bài tập lại. Các triệu chứng khác cho thấy nên ngừng tập thể dục ngay lập tức bao gồm: Ho khan, thở khò khè, đau ngực, khó chịu tăng tức ngực,...

Bài viết trên đây, chúng tôi đã cung cấp cho các bạn thông tin về các bài tập dành cho trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài các bài tập thể dục, cha mẹ nên bổ sung cho con đầy đủ các chất dinh dưỡng, đồng thời tham khảo một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe để giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, bảo vệ con tốt hơn trước những thay đổi của thời tiết và tác nhân gây hại.

Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quảnDấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản

SKĐS - Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, có tần suất nhập viện cao. Bệnh dễ bị tái đi tái lại nhiều lần, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách để ngăn ngừa biến chứng là vô cùng quan trọng.

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ khi thời tiết giao mùaViêm tiểu phế quản cấp ở trẻ khi thời tiết giao mùa

SKĐS - Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các phế quản, có đường kính nhỏ hơn 2mm, hay còn gọi là tiểu phế quản. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, với các biểu hiện: Ho, sốt, thở nhanh, khò khè...


Tường Lam
Ý kiến của bạn