1. Vai trò của tập luyện với người bị viêm phế quản
Viêm phế quản thường có các triệu chứng như ho ra đờm, thở khò khè, khó thở và khó chịu ở ngực. Khi thực hiện các bài tập phù hợp sẽ giúp người bệnh:
- Cải thiện chức năng hô hấp: Các bài tập thở giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của phổi, tăng dung tích phổi và cải thiện khả năng trao đổi khí.
- Tăng cường sức mạnh cơ hô hấp: Việc tập luyện giúp các cơ tham gia vào quá trình hô hấp trở nên khỏe mạnh hơn, giúp thở dễ dàng hơn.
- Giảm khó thở: Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm các triệu chứng khó thở và ho.
- Tăng cường sức bền: Các hoạt động thể chất nhẹ nhàng giúp cải thiện sức bền và sức chịu đựng của cơ thể.
- Cải thiện tuần hoàn máu: Vận động giúp máu lưu thông tốt hơn, mang oxy đến các cơ quan, bao gồm cả phổi hiệu quả hơn.
- Hỗ trợ long đờm: Một số bài tập và tư thế có thể giúp làm loãng và tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Tập luyện đều đặn giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống: Vận động giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn hơn, giảm mệt mỏi và cải thiện tinh thần.
2. Các bài tập tốt cho người viêm phế quản
2.1 Các tư thế yoga
Tư thế chiến binh I: Bài tập này giúp kéo căng cơ hoành, tăng dung tích phổi, cải thiện lưu lượng máu và oxy cho người bệnh viêm phế quản.
Cách thực hiện:
- Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng, hai tay xuôi theo thân.
- Bước dài chân phải về phía sau, chống bằng mũi chân.
- Chân trái phía trước gập đầu gối sao cho đùi song song với mặt sàn.
- Giữ hông thẳng và không để hông quá ngả về phía trước.
- Vươn hai tay qua đầu, lòng bàn tay đan vào nhau hoặc có thể cách nhau khoảng bằng chiều rộng vai, giữ tư thế trong 5 nhịp thở.
- Lặp lại tương tự với chân bên kia.

Cách thực hiện tư thế chiến binh I giúp tăng cường thông khí cho người viêm phế quản.
Tư thế lạc đà: Giúp ngực mở rộng, dung tích phổi tăng lên, nhờ đó tăng cường hiệu suất hô hấp cho người viêm phế quản.
Cách thực hiện:
- Quỳ trên thảm, đặt hai tay lên hông.
- Ngả người về phía sau và trượt lòng bàn tay xuống dưới bàn chân cho đến khi cánh tay duỗi thẳng, chạm vào gót chân.
- Không căng hoặc uốn cong cổ mà giữ cổ ở vị trí trung tính.
- Giữ nguyên tư thế này trong vài nhịp thở.
- Thở ra và từ từ trở lại tư thế ban đầu.

Cách thực hiện tư thế lạc đà.
Tư thế tam giác: Tư thế này giúp tăng cường lưu thông khí, giảm khó thở cho người bệnh viêm phế quản.
Cách thực hiện:
- Bắt đầu bằng tư thế đứng thẳng trên thảm tập, hai chân mở rộng, cách nhau khoảng 3-4 chiều dài bàn chân.
- Mũi chân trái giữ thẳng, chân phải hơi chếch sang một bên, từ từ nghiêng người sang bên trái.
- Tay trái hướng thẳng xuống dưới hoặc chạm vào cổ chân trái, tay phải đưa lên cao tạo thành một đường thẳng.
- Giữ nguyên tư thế trong hai phút, đầu và ngực hướng về phía trước, quay trở lại vị trí ban đầu và lặp lại ở phía bên kia.

Cách thực hiện tư thế tam giác
2.2 Bài tập thở cho người viêm phế quản
Thở luân phiên bằng mũi
Tác dụng: Thở luân phiên qua hai lỗ mũi giúp cân bằng hệ hô hấp và làm dịu tâm trí.
Cách thực hiện:
- Ngồi thoải mái với cột sống thẳng.
- Dùng ngón tay cái bên phải, bịt lỗ mũi bên phải, hít vào thật sâu và chậm rãi qua lỗ mũi bên trái.
- Bịt lỗ mũi bên trái bằng ngón đeo nhẫn, thả ngón tay cái ra để mở lỗ mũi bên phải, rồi thở ra chậm rãi qua lỗ mũi bên phải.
- Hít vào qua lỗ mũi bên phải, sau đó bịt bằng ngón tay cái và thở ra qua lỗ mũi bên trái.
- Lặp lại chu kỳ này trong vài phút.
Thở mím môi
Tác dụng: Bài tập thở này rất tốt để tăng dung tích phổi và kiểm soát hơi thở đồng thời giữ cho đường thở mở lâu hơn, trao đổi không khí hiệu quả hơn, cải thiện luồng không khí và giảm khó thở.
Cách thực hiện:
- Hít vào qua mũi trong khoảng hai giây.
- Sau đó, mím môi như thể bạn sắp huýt sáo và thở ra nhẹ nhàng qua môi trong khoảng bốn giây.
2.3 Các bài tập khác
Đi bộ: Đi bộ là bài tập đơn giản và hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phổi. Bạn nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Bơi lội: Bơi lội là bài tập toàn thân giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và sức khỏe tim mạch. Bơi lội cũng là một bài tập tốt cho phổi vì nó giúp bạn thở sâu hơn.
Đạp xe: Đạp xe giúp tăng tuần hoàn máu, cải thiện chức năng tim phổi mà không gây áp lực lớn lên hệ hô hấp. Bạn nên đạp xe với tốc độ chậm, trong khoảng 15 – 20 phút mỗi ngày ở nơi thoáng đãng, tránh gió mạnh và khói bụi.
3. Những lưu ý dành cho người bị viêm phế quản khi tập luyện
Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng lúc 6-7h tránh lạnh, tránh tập đêm khuya gây mất ngủ, thời gian tập từ 20 phút đến 40 phút một ngày.
Trong giai đoạn bệnh cấp tính như sốt, ho, khạc đờm, đau ngực không được tập luyện ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bệnh điều trị ổn định bắt đầu tập, tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi tập.
Cách tập không gây hại sức khỏe:
- Chọn bài tập phù hợp, khởi động kỹ, cường độ tập tăng dần, phối hợp nhiều bài tập.
- Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ, uống đủ nước.
- Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn tăng lên thì ngừng tập.
- Tránh xa chất kích thích rượu thuốc lá, cà phê, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Mời bạn xem tiếp video:
Viêm phế quản, biến chứng nặng do mắc virus hợp bào hô hấp RSV | SKĐS