Thalassemia là bệnh huyết sắc tố di truyền do giảm hoặc mất hẳn sự tổng hợp của một loại chuỗi globin. Tùy theo sự thiếu hụt tổng hợp ở chuỗi alpha, beta hay cả ở chuỗi delta và beta mà có tên gọi là alpha thalassemia, beta thalassemia, delta beta thalassemia.
Đây là một bệnh máu di truyền thường gặp trên thế giới. Bệnh thường thể hiện từ nhỏ, do vậy được chú trọng trong nhi khoa. Tuy vậy cũng có rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện lần đầu ở tuổi trưởng thành với nhiều dạng bệnh, mức độ và biến chứng khác nhau.
Bệnh gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới sự tăng trưởng, phát triển thể chất và chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời cũng tạo ra những gánh nặng về kinh tế và y tế cho gia đình bệnh nhân và cộng đồng.
Thalassemia là một hội chứng bệnh với bệnh cảnh lâm sàng rất phong phú bao gồm nhiều thể bệnh khác nhau, đặc trưng là biểu hiện thiếu máu tan máu mạn tính, mức độ nhẹ không có triệu chứng đến mức độ nặng phải truyền máu thường xuyên…
Hiện nay phương pháp điều trị chủ yếu là liệu pháp truyền máu định kỳ, kết hợp thải sắt và các điều trị bổ trợ khác đã phần nào cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thalassemia.
Chính liệu pháp truyền máu làm gia tăng rõ rệt tỷ lệ sống và cải thiện tiên lượng đối với bệnh nhân thalassemia, nhưng song song với đó là việc gia tăng các biến chứng - hậu quả của quá trình ứ sắt từ số lượng máu truyền vào và quá trình tăng hấp thu sắt từ đường tiêu hóa.
Lượng sắt sẽ ứ đọng lại ở gan và đặc biệt là ở tim gây nên các bệnh lý ở các cơ quan này như: Rối loạn nhịp tim, suy tim, tràn dịch màng tim, cường lách, xơ gan, viêm thận kẽ…
Ngoài ra, còn có thể xuất hiện các biến chứng ở hệ cơ xương khớp như loãng xương, phì đại xương, gãy xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc các biến chứng trên da như sạm da, lở loét chân, viêm nang lông…
Người bệnh thalassemia phải liên tục điều trị truyền máu và thải sắt khiến cho sức khỏe của họ bị suy giảm nghiêm trọng. Truyền máu cùng với tác động làm tăng hồng cầu qua việc tăng hấp thu sắt trong chế độ ăn của người bệnh thalassemia thường khiến người bệnh bị quá tải sắt, gây ứ đọng các cơ quan và gây ra nhiều rối loạn và biến chứng phức tạp.
Để hạn chế nguy cơ dẫn đến biến chứng, việc tạo dựng một lối sống lành mạnh sẽ hỗ trợ đáng kể cho quá trình điều trị bệnh, giúp họ khỏe mạnh hơn để chống chọi với bệnh tật.
Các bài tập luyện thể dục phù hợp là một yếu tố quan trọng của lối sống lành mạnh, giúp người bệnh có sức khỏe tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cho quá trình điều trị đối với người bệnh thalassemia.
2. Các bài tập tốt nhất cho người thalassemia
Bài tập 1: Massage mặt và đầu
- Cách thực hiện:
+ Xoa hai tay vào nhau thật mạnh và nhanh cho hai bàn tay nóng lên.
+ Đầu hơi ngửa về sau, hai tay chắp lại úp vào hai bên mặt dọc từ vùng lông mày xuống cằm, dùng tay nhẹ nhàng xoa mặt theo chiều dọc từ cằm lên đến đỉnh đầu. Khi bắt đầu xoa, đầu đang ở tư thế ngửa dần thẳng lên.
+ Lặp lại động tác này khoảng 15 - 20 lần và hít thở đều.
- Tác dụng: Đây là một bài tập giúp người bệnh thư giãn và có thể thực hiện ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Đặc biệt thích hợp với những người bệnh thalassemia thiếu máu hay đau đầu, chóng mặt, giảm lượng máu lên não.
Bài tập 2: Bài tập ngồi trên chân
- Cách thực hiện:
+ Ban đầu bạn ngồi từ động tác quỳ gối, ngồi hẳn lên chân, bàn chân duỗi thẳng và hai ngón cái chạm vào nhau, giữ lưng thả lỏng, hai bàn tay đặt thoải mái trên đầu gối.
+ Thực hiện động tác thở: Hít hơi dài và ưỡn thẳng lưng, đầu hơi ngửa lên trên, cố gắng hít hơi càng dài càng tốt. Động tác thở ra thư giãn hơn, lưng dần trùng xuống.
+ Thực hiện động tác khoảng 10 lần trước khi đổi sang động tác tiếp theo.
- Tác dụng: Đây là một bài tập khá nhẹ nhàng, phù hợp với thể chất người bệnh thalassemia. Bài tập giúp lưu thông máu toàn cơ thể, tăng lượng oxy trong máu thông qua động tác thở.
Bài tập 3: Bài tập tư thế con lạc đà
- Cách thực hiện:
Ngồi trên gót chân trên thảm hoặc sàn. Quỳ thẳng người, hông thẳng hàng với đầu gối. Bạn có thể đặt 1 tấm đệm phía dưới đầu gối để hỗ trợ.
Nghiêng mình qua phải, dùng tay phải chạm hoặc nắm vào lòng bàn chân phải, sau đó thực hiện tương tự với bên trái, rồi ngửa đầu ra sau, thở ra. Để dễ thực hiện, bạn có thể nhón các ngón để tăng chiều cao. Nếu cơ thể đủ dẻo, bạn có thể dùng đôi tay chống hẳn lên thắt lưng của mình sau đó ngửa người ra sau và chống hai tay xuống sàn.
Cố gắng giữ thẳng tay và đổ dồn lực vào cánh tay, đồng thời rướn người về phía trước sao cho bắp đùi vuông góc với sàn một góc 90 độ.
Đầu vẫn ngả ra sau, vai thả lỏng hoàn toàn, mắt nhìn vào chóp mũi chứ đừng cố gắng nhướn mắt nhìn về phía sau.
Giữ tư thế 10 - 20 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
Thực hiện tư thế con lạc đà lặp đi lặp lại từ 3 - 5 lần.
- Tác dụng: Bài tập có tác dụng giúp cho giãn xương sống, giãn các xương ở lưng và bả vai, cánh tay để tăng cường độ dẻo dai cho cột sống. Nếu tập tư thế này một cách thường xuyên sẽ còn giúp ích nhiều cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh.
Bài tập 4: Bài tập tư thế tống hơi
- Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa, thả lỏng người với phần đầu sát xuống sàn nhà.
+ Từ từ co chân phải lên, chân trái duỗi thẳng. Dùng hai tay đan vào nhau và bám vào chân phải.
+ Bạn giữ tư thế trên từ 1 - 3 phút, rồi tiến hành đổi chân và lặp lại như hai bước trên.
+ Thực hiện bài tập từ 3 - 5 lần.
- Tác dụng: Bài tập đơn giản này giúp tăng cường lưu thông khí huyết toàn cơ thể, tăng cường hoạt động của các cơ quan nội tạng, giúp cơ thể thải các độc tố ứ đọng và khỏe mạnh.
Bài tập 5: Bài tập tư thế đứng gập người
- Cách thực hiện:
+ Người đứng thẳng, hai tay thả lỏng xuống.
+ Hít sâu, giơ hai tay lên qua đầu để kéo giãn cột sống.
+ Thở từ từ, gập người về phía trước, giữ thăng bằng cơ thể bằng cách chuyển động lưng và hông một cách nhẹ nhàng.
+ Giữ hai tay chạm mặt sàn, mặt áp sát vào đầu gối, chân thẳng, giữ tư thế này từ 30 - 60 giây.
+ Hít vào và quay trở lại tư thế ban đầu.
- Tác dụng: Với tư thế đứng gập người này, phần đầu thấp hơn tim làm cho lượng máu từ tim đến não tăng, thúc đẩy oxy và các chất dinh dưỡng lên não.
Ngoài tác dụng trên, tư thế còn giúp não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi, giảm stress hiệu quả và ngăn ngừa được sự lão hóa của cột sống.
Bài tập 6: Bài tập tư thế con cá
- Cách thực hiện:
+ Đầu tiên bạn di chuyển cơ thể nằm ngửa lên thảm hoặc trên sàn nhà, hai chân duỗi thẳng khép vào nhau, hai tay đặt xuống phía dưới mông.
+ Thở ra, nâng ngực lên, đầu nâng nhẹ và ngửa cổ ra đằng sau, dồn trọng lực cơ thể lên khuỷu tay và hai cánh tay chứ không phải lên đầu.
+ Để thoát khỏi thế trên, hãy nâng đầu lên trước, từ từ hạ ngực xuống sàn và thư giãn.
+ Thực hiện bài tập từ 3 - 5 lần.
- Tác dụng: Với bài tập này các vùng cổ, ngực, lưng của cột sống sẽ được mở rộng một cách tối đa. Từ đó, giúp giải tỏa sự căng thẳng cơ lên cổ, ngực và tăng tuần hoàn máu lên não. Đồng thời giúp kích hoạt đám rối thần kinh của hệ thống tiêu hóa, làm cho người bệnh ăn uống ngon miệng, tăng cường hấp thu và đảo thải các chất độc ra khỏi cơ thể hiệu quả.
Bài tập 7: Bài tập tư thế cái cây
- Cách thực hiện:
+ Bạn đứng thẳng trên thảm hoặc trên sàn nhà, sao cho chân rộng bằng hông, hai tay chống lên hông.
+ Chân trái giữ làm trụ, chân phải gập cong lại và đặt vào má đùi trong của chân trái.
+ Từ từ di chuyển hai tay sao cho lòng bàn tay úp vào nhau và đặt về phía trước ngực.
+ Hít sâu, mở rộng tay qua vai, tách hai tay để song song với nhau. Giữ nguyên tư thế đó từ 30 giây đến 1 phút và thực hiện như trên với chân còn lại.
+ Thực hiện bài tập từ 3 - 5 lần.
- Tác dụng: Bài tập này giúp cơ thể cân bằng, lấy lại trạng thái thoải mái, giúp tinh thần phấn chấn, vui vẻ.
3. Một số điều cần lưu ý khi tập luyện cho người thalassemia
Để đảm bảo an toàn khi thực hiện các bài tập thể dục, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Dành thời gian khởi động khoảng 5 phút trước khi bắt đầu bài tập.
- Bắt đầu tập luyện với cường độ nhẹ nhàng, sau đó tăng dần mức độ tùy theo tình trạng sức khỏe và đáp ứng của cơ thể.
- Mỗi lần tập từ 20 - 30 phút, 3 - 5 lần/tuần, thực hiện đều đặn để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Nên thực hiện các bài tập vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Nên uống 1 cốc nước trong quá trình tập để tránh tình trạng mất nước trong quá trình tập luyện.
- Đối với người thalassemia cần đặc biệt chú ý, khi cảm thấy nặng ngực, tim đập nhanh, đánh trống ngực, khó thở, mệt hay chóng mặt cần từ từ giảm dần cường độ vận động cho đến khi ngừng hẳn và nghỉ ngơi, không gắng sức quá mức.
- Bên cạnh việc duy trì tập luyện thể dục, người thalassemia cần thiết lập cho mình một chế độ ăn uống phù hợp, phong phú, nên ăn các thực phẩm như ngũ cốc, sữa, các thực phẩm giàu vitamin như các loại rau củ quả tươi để hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe tốt nhất.
Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại trà xanh, chất tanin trong trà hạn chế hấp thu sắt, ngăn ngừa tình trạng ứ sắt trong cơ thể, rất phù hợp với người thalassemia.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu thay đổi màu da cảnh báo căn bệnh di truyền về máu.