Bài tập cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi

04-10-2024 10:11 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập luyện đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của người suy dinh dưỡng thể thấp còi. Các bài tập nên được chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với tình trạng sức khỏe...

1. Vai trò của tập luyện đối với người suy dinh dưỡng thể thấp còi

Tập luyện thể dục thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và hỗ trợ quá trình phát triển của người suy dinh dưỡng thể thấp còi. Các bài tập nên được chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với tình trạng sức khỏe, đồng thời kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo hiệu quả tối ưu.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi thường xuất hiện ở trê em, đối tượng đang trong quá trình tăng trưởng và phát triển cơ thể.

Tăng cường phát triển chiều cao và cơ bắp với người suy dinh dưỡng thể thấp còi:

  • Tập luyện giúp kích thích hệ cơ xương phát triển, đặc biệt là những bài tập kéo dài cơ thể và tăng cường sức mạnh cho các khớp.
  • Trong quá trình vận động, các cơ bắp được kéo giãn, đồng thời quá trình trao đổi chất cũng được cải thiện, giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, từ đó hỗ trợ phát triển chiều cao.
  • Các bài tập như đu xà, giãn cơ, hay bơi lội đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ tăng chiều cao.
Bài tập cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi- Ảnh 1.

Tập luyện thể dục thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và hỗ trợ quá trình phát triển của người suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Tăng cường khả năng miễn dịch:

  • Người bị suy dinh dưỡng thường có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, tiêu chảy.
  • Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện hệ thống tuần hoàn, đưa oxy đến các cơ quan hiệu quả hơn, từ đó tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Khi cơ thể khỏe mạnh hơn, người bệnh có thể chống lại các bệnh tật tốt hơn.

Cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng sự tự tin:

  • Người suy dinh dưỡng thể thấp còi thường gặp phải các vấn đề về tâm lý, cảm giác tự ti khi so sánh với bạn bè cùng trang lứa.
  • Vận động giúp sản sinh các hormone như endorphin, mang lại cảm giác tích cực và giúp trẻ giảm căng thẳng, lo âu.
  • Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động thể chất cùng bạn bè giúp tăng cường sự tự tin và khả năng hòa nhập xã hội.

2. Khi đang bệnh, người suy dinh dưỡng thể thấp còi có thể tập luyện không?

Việc cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi tập luyện hay không dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Mắc bệnh nhẹ (ví dụ: cảm cúm nhẹ, ho, sổ mũi):

  • Người bệnh có thể tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như hít thở sâu, đi bộ nhẹ nhàng hoặc giãn cơ để cải thiện khả năng hô hấp và tuần hoàn.
  • Các bài tập này giúp cơ thể lưu thông khí huyết tốt hơn, giảm triệu chứng mệt mỏi, đồng thời kích thích quá trình hồi phục.
  • Tuy nhiên, cần theo dõi sát sức khỏe để điều chỉnh cường độ tập phù hợp.

Mắc bệnh nặng (ví dụ: sốt cao, tiêu chảy nặng, viêm phổi):

  • Trong trường hợp mắc các bệnh nặng, đặc biệt là bệnh gây suy giảm sức đề kháng nên được nghỉ ngơi hoàn toàn để cơ thể có thời gian phục hồi.
  • Khi bệnh đã được điều trị dứt điểm, có thể dần dần quay lại các hoạt động thể chất nhẹ nhàng.
  • Tập luyện trong giai đoạn đang hồi phục không chỉ cải thiện thể lực mà còn lấy lại cảm giác thoải mái và tự tin trong cơ thể. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng các bài tập luôn nhẹ nhàng, không gây thêm áp lực.

3. Các bài tập vận động phù hợp cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi

Việc lựa chọn các bài tập thể dục cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi cần phù hợp với tình trạng sức khỏe. Các bài tập nên bắt đầu từ mức độ nhẹ nhàng, sau đó tăng dần cường độ theo thời gian khi sức khỏe của cải thiện.

Bài tập giãn cơ đối với người suy dinh dưỡng thể thấp còi:

  • Các bài tập giãn cơ giúp kéo dài các cơ, tăng cường độ linh hoạt của khớp xương và giảm sự co cứng cơ bắp. 
  • Bài tập cúi gập người: Đứng thẳng, cúi người chạm tay vào ngón chân. Thực hiện trong 5-10 giây mỗi lần.
  • Bài tập kéo giãn chân: Ngồi, kéo căng chân về phía trước, cố gắng chạm tay vào ngón chân. Giữ trong 10-15 giây.
Bài tập cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi- Ảnh 2.

Các bài tập cần phù hợp theo tình trạng bệnh của người suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Bài tập hít thở sâu:

  • Hít thở sâu là bài tập đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc tăng cường sức khỏe hệ hô hấp và cung cấp oxy cho cơ thể. Nó giúp giảm căng thẳng và tăng cường lưu thông khí huyết.
  • Thực hiện ngồi thẳng lưng, hít vào thật sâu qua mũi trong 4 giây, giữ hơi trong 2 giây và thở ra từ từ bằng miệng trong 4 giây. Thực hiện 5-10 lần mỗi ngày.

Đi bộ nhẹ nhàng:

  • Đi bộ là hoạt động vận động nhẹ nhàng và an toàn cho trẻ suy dinh dưỡng, giúp cải thiện sức bền, kích thích tiêu hóa và hỗ trợ sự phát triển toàn diện.
  • Bài tập này, người tập có thể đi bộ trong 20-30 phút mỗi ngày, đi dạo cùng người thân trong công viên hoặc khu vực quanh nhà. Đi bộ giúp cơ thể lưu thông máu tốt hơn, đồng thời cải thiện sức mạnh cơ bắp mà không gây áp lực lớn lên các khớp.

Bài tập đu xà:

  • Đu xà là một bài tập tuyệt vời để giúp kéo dài xương và tăng cường phát triển chiều cao cho trẻ. Đây là bài tập đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với trẻ ở nhiều lứa tuổi.
  • Thực hiện nắm chặt thanh xà, cố gắng giữ thăng bằng và treo người trong 5-10 giây. Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày. Đảm bảo có người lớn giám sát để tránh chấn thương.

Bơi lội:

  • Bơi lội là bài tập hoàn hảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp kéo dài các cơ, phát triển cơ bắp và tăng cường sự linh hoạt.
  • Bơi lội cũng là bài tập vận động toàn thân, không gây áp lực lên các khớp xương, rất thích hợp cho người suy dinh dưỡng.
  • Có thể học các kiểu bơi cơ bản như bơi ếch, bơi ngửa. Thực hiện bơi từ 30 phút – 1 giờ mỗi buổi, 2-3 buổi mỗi tuần.

4. Lưu ý khi tập luyện cho người suy dinh dưỡng thể thấp còi

Người suy dinh dưỡng thể thấp còi cần lưu ý:

  • Bắt đầu từ mức độ nhẹ nhàng: Người bị suy dinh dưỡng thường có thể trạng yếu, do đó cần bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng, đơn giản, tránh các bài tập cường độ cao ngay từ đầu. Khi cơ thể đã dần hồi phục, có thể tăng dần cường độ và thời gian tập luyện.
  • Theo dõi phản ứng của cơ thể: Sau mỗi buổi tập, cần theo dõi phản ứng, đặc biệt là các dấu hiệu mệt mỏi quá mức, đau nhức cơ bắp, hoặc khó chịu. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cần điều chỉnh lại cường độ tập hoặc tạm dừng để trẻ nghỉ ngơi.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Việc bổ sung dinh dưỡng sau mỗi buổi tập là rất quan trọng để giúp phục hồi năng lượng và phát triển cơ bắp. Cha mẹ nên cung cấp cho trẻ các bữa ăn giàu protein, sắt và canxi, đặc biệt là các loại thực phẩm như trứng, sữa, thịt nạc và rau củ.
  • Tập luyện dưới sự giám sát của người lớn: Nên tập luyện dưới sự giám sát của người lớn để đảm bảo an toàn và tránh chấn thương. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bài tập như đu xà hoặc bơi lội.
  • Không ép buộc tập quá sức: Việc ép buộc tập luyện quá sức có thể gây tác dụng ngược, khiến trẻ mệt mỏi, căng thẳng và thậm chí tổn thương cơ bắp. Hãy lắng nghe cơ thể và cho phép nghỉ ngơi khi cần thiết.
Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhSuy dinh dưỡng thể thấp còi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Suy dinh dưỡng thể thấp còi là một dạng suy dinh dưỡng mãn tính. Bệnh thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm dinh dưỡng, bệnh lý và điều kiện sống.



TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức
Giảng viên chính Bộ Môn Nhi, Trường Đaị học Y - Dược, Đại học Huế
Ý kiến của bạn